Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
21477

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị Kỳ 1: Tiêu chuẩn nhân quyền cơ bản

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (thường được biết đến với tên gọi tắt là Công ước ICCPR) là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất của Liên hợp quốc về vấn đề quyền con người. Cùng với Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá năm 1966 (ICESCR) và Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 (UDHR), ICCPR trở thành một trong ba trụ cột của Bộ luật nhân quyền quốc tế – nhóm văn kiện nền tảng cho sự hình thành và phát triển các tiêu chuẩn nhân quyền cơ bản trên thế giới.

Quyền bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân

ICCPR được thông qua theo Nghị quyết số 2200A (XXI) của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 16/12/1996 và có hiệu lực thi hành từ ngày 23/3/1976. Cho đến nay, Công ước đã thu hút sự tham gia của 173/193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, khiến cho ICCPR trở thành một trong những điều ước quốc tế có số lượng thành viên đông đảo nhất.

Với phạm vi điều chỉnh rộng, bao trùm tất cả các quyền dân sự và chính trị của cá nhân, Công ước đã trở thành nền tảng pháp lý cho sự ra đời của các điều ước quốc tế chuyên biệt về sau như Công ước về chống tra tấn và các hình thức trừng phạt, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục người khác năm 1984; Công ước về xoá bỏ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979; Công ước về quyền trẻ em năm 1989… Xuyên suốt 53 điều, Công ước ghi nhận 01 quyền của tập thể (quyền tự quyết dành cho các dân tộc bản địa (Điều 1)) và 18 nhóm quyền căn cốt, cơ bản gắn liền với mỗi cá nhân như quyền sống, tự do và an ninh cá nhân; quyền không bị phân biệt đối xử và bình đẳng trước pháp luật; quyền được xét xử công bằng; quyền tự do đi lại và cư trú; quyền được bảo vệ bí mật đời tư; quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do ý kiến và biểu đạt; quyền tự do lập hội; quyền tự do hội họp một cách hoà bình; quyền tham gia vào đời sống chính trị;…

Việt Nam trở thành thành viên Liên hợp quốc vào năm 1977 và gia nhập Công ước ICCPR vào năm 1982. Kể từ khi gia nhập cho đến nay, Việt Nam đã xây dựng, nộp các Báo cáo quốc gia về tình hình thực thi Công ước ICCPR tại Việt Nam lần lượt vào các năm 1989, 2001, 2017 và 2023. Việc nộp các Báo cáo quốc gia này đã thể hiện thiện chí, nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế.

Trên cơ sở Báo cáo thực thi Công ước ICCPR lần thứ 3 (giai đoạn 2002 – 9/2017), tại kỳ họp lần thứ 125, Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (sau đây gọi là Ủy ban Nhân quyền LHQ) đã tổ chức Phiên đối thoại đối với Việt Nam về Báo cáo này vào ngày 11-12/3/2019 tại Geneva, Thụy Sỹ và đưa ra các Bản khuyến nghị đối với tình hình thực hiện Công ước ICCPR tại Việt Nam. Ngày 28/3/2019, Ủy ban Nhân quyền LHQ đã ban hành Bản khuyến nghị về Báo cáo thực thi Công ước ICCPR lần thứ 3 tại Việt Nam. Ngay sau khi nhận được Khuyến nghị, Bộ Tư pháp đã cùng với các Bộ, ngành rà soát kỹ lưỡng, xây dựng Kế hoạch thực hiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1252/QĐ-TTg ngày 26/9/2019 phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước ICCPR và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (Quyết định số 1252/QĐ-TTg). Bên cạnh đó, năm 2021, trên cơ sở yêu cầu của Uỷ ban Nhân quyền, Việt Nam đã nộp Báo cáo giữa kỳ đúng hạn để trả lời Uỷ ban về những vấn đề Uỷ ban quan tâm.

Trong nhiều hoạt động đã triển khai, có thể kể đến việc từ khi Quyết định số 1252/QĐ-BTP được ban hành cho đến hết tháng 12/2022, khoảng 40 Bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch riêng thực hiện các khuyến nghị trong các lĩnh vực phụ trách. Các khuyến nghị cũng được tiến hành hiệu quả thông qua việc lồng ghép với các chiến lược, chương trình phát triển kinh tế – xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia trong nhiều lĩnh vực liên quan như Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Một số khuyến nghị liên quan đến rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật đã được Việt Nam triển khai thực hiện…

Trong lĩnh vực của Bộ Tư pháp, thực hiện Quyết định số 1252/QĐ-TTg ngày 26/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước ICCPR và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (Quyết định số 1252), Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 3028/QĐ-BTP ngày 04/12/2019 ban hành Kế hoạch của Bộ Tư pháp trong việc tăng cường thực hiện hiệu quả Công ước ICCPR và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc (Quyết định số 3028).

Nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm các quyền dân sự, chính trị thông qua việc thực thi Công ước ICCPR đã được thể hiện một cách chủ động, đầy đủ thông qua công tác: (i) xây dựng, hoàn thiện pháp luật về các quyền dân sự, chính trị; (ii) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các quyền dân sự, chính trị; (iii) tăng cường thực thi pháp luật và (iv) thực hiện nghĩa vụ xây dựng báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *