Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
25012

Bảo đảm tốt nhất cho người lao động thời hậu COVID-19

Hệ lụy của đại dịch COVID-19 có thể xem là sự khởi đầu cho những lưu tâm về chính sách nhằm đảm bảo phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội. Và để thị trường lao động phục hồi bền vững, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực…

Theo PGS.TS Trần Thị Lan Hương, Trưởng ban Quản lý khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, COVID-19 đã tác động mạnh đến một số lĩnh vực xã hội như lao động việc làm, giáo dục-đào tạo, y tế-chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội và nhiều vấn đề khác; đặt ra nhiều vấn đề xã hội mới nảy sinh thời kỳ hậu dịch bệnh. Những thay đổi này vừa là thách thức, vừa là cơ hội đối với các quốc gia trong quản trị xã hội thích ứng với bối cảnh mới hậu đại dịch.

Việt Nam có nhiều nỗ lực trong bảo đảm quyền của người lao động.

Đi sâu vào các vấn đề nổi cộm ở Việt Nam do ảnh hưởng của COVID-19, bà Trần Thị Lan Hương cho biết thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất là ở những địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp thâm dụng nhiều lao động, tập trung ở Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang. Trong những tháng gần đây, thị trường lao động việc làm có xu hướng phục hồi nhưng tốc độ chậm lại. Thu nhập đầu người và đói nghèo có xu hướng gia tăng. Mặt khác, nguy cơ thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động qua đào tạo đang là xu hướng nổi cộm do cơ cấu kinh tế thay đổi nhanh chóng sau đại dịch.

Còn theo Tổng cục Thống kê, mặc dù lực lượng lao động, số người lao động có việc làm nói chung vẫn tiếp tục tăng kể từ sau thời điểm quý 3/2021 khi dịch COVID-19 bùng phát nhưng xét về chất lượng lao động thì thị trường lao động phát triển không mang tính bền vững.

Biểu hiện là số lao động làm công việc tự sản tự tiêu liên tục giảm dần qua các quý (từ quý 3/2021 đến nay). Đối với nước đang phát triển như Việt Nam, số lao động làm công việc tự sản tự tiêu dao động từ 3-4 triệu người và đạt mức cao kỷ lục là 5,2 triệu người vào quý 3/2021 do giãn cách xã hội và diễn biến phức tạp của COVID-19, lao động rời bỏ thành thị để trở về nông thôn làm các công việc tự sản tự tiêu.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, thị trường lao động việc làm quý 2/2023 không duy trì được đà phục hồi và khởi sắc như trong các quý đầu năm 2022. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý 2/2023 khoảng 940.700 người, tăng 54.900 người so với quý trước và tăng 58.900 người so với cùng kỳ năm trước.

Tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động.

Để thị trường lao động phục hồi bền vững, đảm bảo cuộc sống cho người lao động, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp như Chính phủ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, điện-điện tử.

Các bộ, ngành, địa phương cũng cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm.

Cùng với quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác quốc tế về quyền con người, Việt Nam đã tham gia 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế bao gồm 7 trong số 8 công ước cơ bản. Đây là mức độ cam kết cao, thể hiện nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. Việt Nam cũng đã nỗ lực triển khai việc thực thi các công ước, trong đó có việc nội luật hóa các quy định của công ước trong hệ thống luật quốc gia.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đề ra hàng loạt các chương trình kinh tế-xã hội như: Chương trình quốc gia về giải quyết việc làm; giao quyền sử dụng ruộng đất để khuyến khích trồng rừng; chương trình hỗ trợ đánh bắt xa bờ; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển sản xuất-kinh doanh để tạo việc làm cho người lao động…

Quyền làm việc là một quyền pháp lý căn bản của công dân, được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013. Tại khoản 1 Điều 35 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc”

Căn cứ vào Điều 10 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người lao động được tự do lựa chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm. Người lao động trực tiếp liên hệ với người sử dụng lao động hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm để tìm kiếm việc làm theo nguyện vọng, khả năng, trình độ nghề nghiệp và sức khỏe của mình.

Như vậy, quyền làm việc của người lao động là một quyền cơ bản giúp cho người lao động được tiêh hành xác lập quan hệ lao động và thực hiện hành vi lao động hợp pháp để tạo ra thu nhập và phát triển bản thân.

Nhà nước sẽ ban hành chính sách phù hợp về việc làm, tạo cơ hội về việc làm cho người lao động; do đó, quyền làm việc được đề cao, tôn trọng, người lao động được quyền chủ động trong lựa chọn công việc, lựa chọn người sử dụng lao động, nơi làm việc, có quyền tự mình hoặc thông qua những chủ thể hợp pháp để tiếp cận việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng của bản thân và gia đình.

Với việc cho phép tự do trong lựa chọn việc làm sẽ giúp người lao động tự do trong tư tưởng, tự do trong suy nghĩ; từ đó, sẽ sáng tạo nên nhiều ý tưởng quan trọng phục vụ cho công việc, tăng năng suất lao động, tăng lợi nhuận cho người sử dụng lao động, tăng thu nhập cho chính người lao động và góp phần thúc đẩy nền kinh tế của đất nước phát triển.

 

 

H.C

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *