Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
118147

BẢO ĐẢM QUYỀN CỦA BỊ HẠI LÀ NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI

Ngày 22 tháng 4 năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 43/2021/TT-BCA quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi, có hiệu lực thi hành từ ngày 08 tháng 6 năm 2021. Thông tư đã thể hiện tính nhân văn,  (Thông tư số 43/2021/TT-BCA).

  1. Từ năm 2016 đến tháng 6 năm 2020, lực lượng Công an đã phát hiện, điều tra, xử lý 6.815 vụ xâm hại trẻ em với 6.906 đối tượng, có 6.869 bị hại; trong đó, chiếm tỷ lệ nhiều nhất là tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi… Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em đa dạng, chủ yếu ở độ tuổi từ 17 đến 40, có hơn 21% đối tượng có quan hệ huyết thống và cận huyết thống với nạn nhân; 59% có mối quan hệ quen biết từ trước với nạn nhân. Tỷ lệ khởi tố, điều tra các vụ án xâm hại tình dục trẻ em khoảng 80%, còn lại là xử lý bằng biện pháp khác do nhiều nguyên nhân khác nhau… Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về trình tự, thủ tục tiến hành tố tụng trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra các vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi đã được quy định tương đối đầy đủ, tuy nhiên, mới chỉ mang tính chất điều chỉnh chung, chưa cụ thể và chưa thể hiện đầy đủ tính “thân thiện” đối với nhóm đối tượng đặc thù là người bị hại trong các vụ việc, vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi – người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần. Nếu tạo được môi trường thân thiện để bị hại dưới 18 tuổi hợp tác với Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thì sẽ góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết vụ án. Chính vì vậy, ngày 22 tháng 4 năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 43/2021/TT-BCA quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi gồm 3 chương 25 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 08 tháng 6 năm 2021 (Thông tư số 43/2021/TT-BCA).

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư trên, thuật ngữ “xâm hại người dưới 18 tuổi” thống nhất cách hiểu là hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm đối với người dưới 18 tuổi; hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô đối với người dưới 18 tuổi, giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác đối với người dưới 16 tuổi, sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm; mua bán người dưới 18 tuổi; chiếm đoạt người dưới 16 tuổi; mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người dưới 18 tuổi; hành hạ, ngược đãi người dưới 18 tuổi; tổ chức, cưỡng bức, lôi kéo người dưới 18 tuổi sử dụng trái phép chất ma túy, chứa chấp người dưới 16 tuổi sử dụng trái phép chất ma túy hoặc các hành vi xâm hại khác đối với người dưới 18 tuổi theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

  1. Thông tư quy định rõ trong 6 nhóm nguyên tắc mà tất cả các cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Công an nhân dân phải tuân thủ, đó là: (1) Bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; (2) mọi hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra các vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi phải được tiến hành trong môi trường thuận lợi cho việc bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, bí mật cá nhân và danh dự, nhân phẩm của bị hại là người dưới 18 tuổi. Hạn chế đến mức thấp nhất số lần tiếp xúc giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị can; (3) áp dụng các biện pháp phù hợp, cần thiết theo quy định của pháp luật để bảo vệ bị hại là người dưới 18 tuổi, người thân thích của họ được an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác khi các quyền, lợi ích ấy bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại; (4) việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về hành vi phạm tội xâm hại người dưới 18 tuổi do Cơ quan điều tra có thẩm quyền thực hiện; (5) quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra các vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi phải nhanh chóng, kịp thời. Trường hợp đủ điều kiện giải quyết theo thủ tục rút gọn thì phải tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; (6) khi làm việc với bị hại là người dưới 18 tuổi, cần có thái độ thân thiện, nhẹ nhàng, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với độ tuổi, giới tính, khả năng nhận thức và mức độ trưởng thành của họ; cần chú ý đến trạng thái tinh thần của người dưới 18 tuổi để áp dụng các biện pháp điều tra có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất số lần làm việc với họ.

Đáng chú ý, Thông tư quy định cụ thể, phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân, những biện pháp, cách thức thực hiện trong từng bước bảo đảm tạo thành một quy trình xuyên suốt, thống nhất trong thực hiện, bảo đảm giải quyết nhanh chóng vụ án, vừa tránh lạm quyền hoặc đùn đẩy trách nhiệm, hạn chế đến mức thấp nhất việc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại là người dưới 18 tuổi. Quy định tiêu chuẩn của điều tra viên, cán bộ điều tra riêng như điều tra viên, cán bộ điều tra là người được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn hoặc có kinh nghiệm giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi; uu tiên phân công Điều tra viên, Cán bộ điều tra là nữ trong trường hợp bị hại là nữ giới, trẻ em gái nhằm bảo đảm Điều tra viên, Cán bộ điều tra nắm bắt được tâm lý, tình cảm, thái độ của bị hại là người dưới 18 tuổi để có phương án giải quyết vụ việc cho phù hợp.

Đồng thời, Thông tư số 43/2021/TT-BCA cũng quy định cụ thể việc bảo đảm cho người đại diện, nhà trường, Đoàn thanh niên, cơ quan, tổ chức khác tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị hại là người dưới 18 tuổi được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi. Bị hại là người dưới 18 tuổi được thực hiện quyền nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình thông qua các cơ chế khác nhau như nhờ luật sư, người đại diện, bào chữa viên nhân dân, trợ giúp pháp lý. Cơ quan điều tra thông báo, giải thích về quyền nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, trường hợp được trợ giúp pháp lý nhưng bị hại hoặc người đại diện của họ chưa nhờ trợ giúp pháp lý hoặc không lựa chọn được người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại thì Cơ quan điều tra thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý ở địa phương và tiến hành các thủ tục trợ giúp pháp lý cho người dưới 18 tuổi.

  1. Triển khai các quy định có nhiều nét đặc thù mang tính thân thiện nhằm tạo sự thoải mái, hạn chế bị áp lực tâm lý khi bị hại là người dưới 18 tuổi tham gia các hoạt động tố tụng. Điều này thể hiện rõ trong việc lựa chọn địa điểm lấy lời khai linh hoạt và bố trí theo cách thức thích hợp để họ cảm thấy an toàn, thoải mái, không cứng nhắc nguyên tắc như các đối tượng khác, có thể lấy lời khai ở nơi tiến hành điều tra, nơi cư trú hoặc nơi học tập, nơi lao động, nơi sinh hoạt của người đó hoặc cơ sở chăm sóc trẻ em, hoặc ở phòng điều tra thân thiện. Trước khi tiến hành lấy lời khai, Điều tra viên, Cán bộ điều tra tạo một khoảng thời gian tiếp xúc thân thiện với bị hại là người dưới 18 tuổi, tạo dựng tâm thế giao tiếp ổn định về mặt tâm lý, hạn chế việc lấy lời khai, khai thác thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc ngay lập tức. Cơ quan điều tra sẽ thông báo trước thời gian, địa điểm lấy lời khai cho người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại là người dưới 18 tuổi biết. Khi tiến hành lấy lời khai, Điều tra viên, Cán bộ điều tra có thái độ thân thiện, nhẹ nhàng, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với độ tuổi, giới tính, khả năng nhận thức, mức độ trưởng thành của họ; mặc trang phục phù hợp, không nhất thiết phải mặc trang phục Công an nhân dân. Việc lấy lời khai bị hại là người dưới 18 tuổi phải tạm dừng ngay khi họ có biểu hiện mệt mỏi ảnh hưởng đến khả năng khai báo chính xác, đầy đủ. Trường hợp bị hại dưới 18 tuổi là người không sử dụng được tiếng Việt, bị khuyết tật về nghe, nói, nhìn sẽ có người người phiên dịch, người dịch thuật, người biết được cử chỉ, hành vi của người câm, người điếc, chữ của người mù và với sự có mặt của đại diện cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Nhà trường hoặc cán bộ trợ giúp khác có hiểu biết về tâm lý học, có kinh nghiệm có mặt khi lấy lời khai hoặc tiến hành các hoạt động tố tụng khác đối với bị hại là người dưới 18 tuổi để hỗ trợ cho họ. Cơ quan điều tra sẽ áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm giảm đến mức thấp nhất số lần, thời lượng các lần lấy lời khai, hoạt động đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can và chỉ tiến hành đối chất khi thấy việc đó là cần thiết để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án mà nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án, việc thu thập chứng cứ, xem xét dấu vết trên thân thể, chụp ảnh thương tích, ghi âm, ghi hình có âm thanh bảo đảm không làm ảnh hưởng tới tâm lý cũng như quyền bí mật thông tin cá nhân và danh dự, nhân phẩm của họ.

Và nhiều biện pháp đặc thù được áp dụng riêng với bị hại là người dưới 18 tuổi nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm của đối tượng này như: Đề nghị các cơ quan thông tin, truyền thông không đăng tải, gỡ các bài báo, thông tin liên quan đến vụ việc, vụ án, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của bị hại là người dưới 18 tuổi; áp dụng các biện pháp nghiệp vụ hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ thông tin nhân thân, danh dự, nhân phẩm bị hại là người dưới 18 tuổi bị phát tán trên mạng Internet hoặc các mạng xã hội; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan, tổ chức xử lý theo thẩm quyền đối với người cố tình phát tán, truyền đưa thông tin nhân thân của bị hại là người dưới 18 tuổi trong các vụ việc, vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người dưới 18 tuổi.

Trong thời gian tới, chúng ta cần triển khai đồng bộ và hiệu quả Thông tư số 43/2021/TT-BCA từ Trung ương đến địa phương để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại là người dưới 18 tuổi ngày một tốt hơn.■

Nguyễn Ngọc Đường

Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tu pháp, Bộ Công an

 Thông tư số 43/2021/TT-BCA quy định, khi làm việc với bị hại là người dưới 18 tuổi, cần có thái độ thân thiện, nhẹ nhàng, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với độ tuổi, giới tính, khả năng nhận thức và mức độ trưởng thành của họ; cần chú ý đến trạng thái tinh thần của người dưới 18 tuổi để áp dụng các biện pháp điều tra có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất số lần làm việc với họ.

 

[1] Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp,Bộ Công an

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *