Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày, nêu rõ: “Chúng ta xác định các mục tiêu cụ thể không chỉ trong nhiệm kỳ khoá XIII mà hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta trong những thập niên sắp tới”.
Lâu nay, các kỳ đại hội Đảng, chúng ta thường chỉ đặt mục tiêu tầm trung (5 năm) và mục tiêu chiến lược 10 năm. Hằng năm, Quốc hội, Chính phủ cũng đều vạch ra kế hoạch, xác định mục tiêu cụ thể, song ở mỗi năm dự báo nhiều khi còn chệch, mục tiêu phát triển không đạt (như năm 2020, đại dịch COVID – 19 xảy ra ngoài dự báo khiến các chỉ tiêu kinh tế, xã hội không đạt). Song, trong chiến lược phát triển đất nước, ở những thời điểm có tính bản lề, việc đề ra mục tiêu dài hạn nhiều thập kỷ là cần thiết.
Thực tế, kể từ sau đổi mới, chúng ta cũng từng đặt ra một mục tiêu phát triển với tầm nhìn 25 năm. Quan điểm của Đảng về xây dựng nước công nghiệp lần đầu tiên xuất hiện trong Văn kiện Đại hội lần thứ VIII của Đảng (năm 1996). Đó là thời điểm rất đặc biệt: Đất nước trải qua 10 năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới và đạt kết quả có tính bước ngoặt: thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế và tiến vào giai đoạn mới, giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH). Đại hội VIII của Đảng đặt ra lộ trình “từ nay (1996) tới năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại”. Mô hình nước công nghiệp được vạch ra là: Lực lượng sản xuất lúc đó sẽ đạt trình độ tương đối hiện đại, phần lớn lao động thủ công được thay thế bằng lao động sử dụng máy móc, điện khí hóa cơ bản được thực hiện trong cả nước, năng suất lao động xã hội và hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn nhiều so với hiện nay.
Từ năm 1996 tới trước Đại hội XII, qua 4 kỳ đại hội Đảng, mục tiêu phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là chiến lược xuyên suốt, nhất quán. Đến 2016, mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại được điều chỉnh về mặt thời gian, không còn xác định cán đích vào năm 2020. Cụm từ “sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” đã được điều chỉnh linh hoạt hơn, không ấn định cụ thể thời gian. Hiện, văn kiện trình Đại hội XIII đã không còn dùng khái niệm “nước công nghiệp” để xác định đích đến cho kế hoạch phát triển đất nước. Thay vào đó là khái niệm “nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao” vào năm 2030.
Điểm lại tiến trình như vậy để thấy, mục tiêu “nước công nghiệp” đặt ra 25 năm trước chưa về đích đúng hẹn, vậy hướng tới mốc 25 năm sau kể từ Đại hội XIII (đến năm 2045), kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao liệu có khả thi? Hiện nay, chúng ta chưa thể trả lời được câu hỏi đó song việc đặt ra mục tiêu dài hạn như vậy là cần thiết, thể hiện ý chí, khát vọng của Đảng, của dân tộc, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết chí vươn lên “sánh vai với các cường quốc năm châu”.