Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
29752

Nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn, bảo đảm quyền sống của con người

 

Đây là chủ đề phiên họp cấp Bộ trưởng trực tuyến diễn ra vào ngày 8-4 (theo giờ Mỹ) do Việt Nam tổ chức trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) trong tháng 4. Nhìn chung, các nước đều ủng hộ mục đích nhân đạo của việc hạn chế sử dụng bom mìn, bom đạn chùm, thừa nhận hậu quả của bom mìn tại các khu vực xung đột; ủng hộ các nỗ lực quốc gia và quốc tế nhằm khắc phục hậu quả bom mìn, hỗ trợ nạn nhân, phục vụ tái thiết, phát triển kinh tế – xã hội; đề cao hợp tác quốc tế trong khắc phục hậu quả bom mìn.

Đề cao tính nhân đạo

Việc Việt Nam tham gia tích cực và có sáng kiến cụ thể trong vấn đề này đã thể hiện vai trò, đóng góp trên một lĩnh vực được chính Việt Nam và nhiều nước quan tâm/có lợi ích. Phiên họp cấp Bộ trưởng trực tuyến về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn” gắn với Ngày Quốc tế nhận thức bom mìn và hỗ trợ hành động bom mìn (4-4) được LHQ tổ chức hàng năm; được cho là tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ 2020-2021. Đồng thời, sự kiện cũng thể hiện tính nhân văn và đề cao khía cạnh nhân đạo trong việc giải quyết hậu quả bom mìn, nâng cao nhận thức chung, thu hút nhiều hơn sự chú ý của cộng đồng quốc tế đến công tác khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, qua đó tranh thủ hỗ trợ quốc tế cho Việt Nam cũng như các nước chịu ảnh hưởng.

Hàng năm, Việt Nam cùng các đối tác vẫn thực hiện các chương trình rà phá bom mìn

Việc cấm, hạn chế sử dụng bom mìn được điều chỉnh bởi luật nhân đạo quốc tế, bao gồm các Công ước Geneva năm 1949 và các điều ước quốc tế chính gồm có: Công ước cấm mìn sát thương (APMBC) ký tháng 12-1997, Công ước cấm bom đạn chùm (CCM) được thông qua tháng 5-2008 và có hiệu lực từ ngày 1-8-2010 và Công ước cấm hoặc hạn chế sử dụng một số loại vũ khí thông thường có thể gây sát thương quá mức hoặc có tác động không phân biệt (CCW) được mở ký tháng 4-1981 và có hiệu lực từ tháng 12-1983. Từ năm 1993, phong trào vận động cấm mìn sát thương phát triển mạnh mẽ đi đầu là các NGOs, nổi bật là Chiến dịch quốc tế cấm mìn sát thương (ICBL, gồm 6 NGOs được thành lập năm 1992), Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), đồng thời thu hút sự quan tâm của LHQ, các cơ quan chuyên môn liên quan và một số nước phương Tây như Mỹ, Pháp, Canada, Thụy Sỹ, Na Uy, Bỉ, Áo.

Sự ủng hộ của các nước

Trên thực tế, bom mìn, bom đạn chùm đã được sử dụng với quy mô lớn trong hai cuộc Chiến tranh Thế giới và các cuộc chiến tranh, xung đột ở nhiều quốc gia, khu vực sau này và hiện vẫn tiếp tục được sử dụng dù với quy mô nhỏ, khối lượng ít hơn, song vẫn để lại nhiều hậu quả nặng nề, lâu dài về con người, an ninh, kinh tế và xã hội. Thương vong do bom mìn trên thế giới còn rất cao. Theo Ủy ban chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) đầu những năm 2000 ghi nhận là 15.000 đến 20.000 trường hợp/năm. Theo Tổ chức NGO Landmine Monitor (có trụ sở tại Thụy Sỹ), số thương vong về bom mìn, vật nổ sau còn sót lại sau chiến tranh được ghi nhận trên thế giới trong các năm 2014, 2015 và 2016 lần lượt là 3.695, 6.461 và 8.605 trường hợp; trong năm 2019 thương vong xảy ra với người dân chiếm 80%, trong đó thương vong xảy ra với trẻ em chiếm 43%. Bên cạnh đó, bom mìn, vật nổ còn sót lại là nguồn vũ khí dễ bị các lực lượng vũ trang khai thác, gây mất ổn định, khiến xung đột có thể tái phát; cản trở các hoạt động cứu trợ nhân đạo, gìn giữ hòa bình, tái thiết hậu xung đột và phát triển kinh tế – xã hội lâu dài.

Cho đến nay, trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an LHQ, không có đề mục riêng về vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn. Các lần đề cập đến bom mìn, vật nổ sau chiến tranh (ERW) và các thiết bị nổ tự chế (IEDs) chủ yếu gắn với việc triển khai các phái bộ gìn giữ hòa bình (PKO) như tại Somalia, Mali, Lebanon, Iraq, CH Trung Phi và Nam Sudan hoặc đề mục chung duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Trong 20 năm qua, tại Hội đồng Bảo an LHQ chỉ có 1 thảo luận mở và 3 cuộc họp nghe báo cáo (briefing) về vấn đề này. Nghị quyết 2365 của Hội đồng Bảo an LHQ thông qua ngày 30-6-2017 là nghị quyết duy nhất đề cập riêng đến khắc phục hậu quả bom mìn tính tới thời điểm hiện nay.

Trên cương vị uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ thời gian qua, Việt Nam đã đề cao vai trò của khắc phục hậu quả bom mìn trong tái thiết hậu xung đột trong các phát biểu, đề xuất đưa một số nội dung phù hợp về khắc phục hậu quả bom mìn trên cơ sở Nghị quyết 2365 vào một số văn kiện mới liên quan của Hội đồng Bảo an (như Nghị quyết 2540 năm 2020) về gia hạn phái bộ LHQ tại Somalia). Khi Việt Nam đưa ra sáng kiến này, nhìn chung các nước đều ủng hộ mục đích nhân đạo của việc hạn chế sử dụng bom mìn, bom đạn chùm, thừa nhận hậu quả của bom mìn tại các khu vực xung đột; ủng hộ các nỗ lực quốc gia và quốc tế nhằm khắc phục hậu quả bom mìn, hỗ trợ nạn nhân, phục vụ tái thiết, phát triển kinh tế – xã hội; đề cao hợp tác quốc tế trong khắc phục hậu quả bom mìn.

Việt Nam cũng là nạn nhân trực tiếp của một số lượng lớn bom, vật nổ còn sót sau chiến tranh và đang chịu nhiều hậu quả liên quan về người và vật chất, cản trở phát triển kinh tế – xã hội và có nhu cầu tuyên truyền, thúc đẩy hợp tác, vận động quốc tế hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bom mìn. Ước tính từ năm 1964 đến 1975, Việt Nam đã hứng chịu hơn 16 triệu tấn bom đạn các loại, gấp 4 lần số lượng bom đạn đã được sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Hiện Việt Nam đã ký Công ước cấm hoặc hạn chế sử dụng một số loại vũ khí thông thường có thể gây sát thương quá mức hoặc có tác động không phân biệt (CCW) và tích cực tham dự các hội nghị, hội thảo liên quan đến mìn sát thương, bom đạn chùm, bao gồm một số Hội nghị các quốc gia thành viên APMBC, CCM và CCW với tư cách quan sát viên, để thể hiện vai trò thành viên có trách nhiệm, kết hợp nắm tình hình, tuyên truyền về thực trạng ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam và các nỗ lực, kết quả đã đạt được, vận động tài trợ các nước, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ phục vụ công tác khắc phục hậu quả bom mìn. Trong nước, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn đến năm 2025 (4/2010); Nghị định số 18/2019/NĐ-CP về Quản lý hoạt động KPHQBM (02/2019); VNMAC đã công bố “Báo cáo hiện trạng tồn lưu bom mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam – Giai đoạn 1”, Bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên đất liền theo các kết quả điều tra của các tỉnh từ 2020-2013 (4/2018).

H.Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *