Những gì diễn ra hàng ngày trên facebook của cựu nhà báo Nguyễn Thông cho thấy, chính ông ta đang nhổ toẹt vào cái slogan tự trương “Không bàn chuyện chính trị. Chỉ quan tâm các vấn đề xã hội. Đá để xây chứ không để ném”. Chẳng hạn như bài viết “Thời sự nhân sự đại hội” cho thấy ông ta vẫn tuôn ra những câu từ xỏ xiên, chọc ngoáy tình hình trong nước với thái độ khệnh khạng của một kẻ “nửa ông, nửa thằng” để công kích Đảng, chế độ. Nhưng có lẽ, Nguyễn Thông đã tỏ ra lươn lẹo, đểu cáng hơn cả khi tung ra hai ý này:
Một là, Nguyễn Thông công kích, dè bỉu, xuyên tạc ngữ nghĩa câu thơ của cụ Việt Phương, “cứ đêm đêm ta lại kết nạp ta vào đảng”. Thực tế, hàm ý của cụ Việt Phương trong bài thơ “Tâm sự đảng viên”, xin trích:
Cứ đêm đêm, ta lại xét kết nạp ta vào Đảng,
Thời gian nâng đòi hỏi mãi cao thêm.
Đến trọn đời, từng giờ là cộng sản,
Những nỗi đau ta cũng sáng búa liềm.
là nhằm để tự nhắc nhở, kiểm điểm mình mỗi ngày thể hiện rất chân thật nỗi niềm của một người cộng sản chân chính, luôn muốn soát xét lại một ngày qua mình đã sống và làm việc như thế nào, có điều gì chưa xứng đáng với Đảng, có còn đủ tư cách làm người đảng viên không…Nó hoàn toàn khác với sự xỏ xiên, đểu cáng trong suy nghĩ của Nguyễn Thông là “đêm mới kết nạp”, “kết nạp đảng trong bóng tối”…Thái độ xuyên tạc ý thơ cho thấy ông ta không chỉ trưng trổ ra sự “vô học” mà còn rất đểu cáng!
Thứ hai, Nguyễn Thông không chỉ đểu cáng mà còn tỏ ra vô cùng lươn lẹo với những trò “cắt, cúp” tình hình để phục vụ cho mục đích vu khống, công kích xấu xa của mình. Ông ta viết: “Lấy ví dụ, hôm rồi, 13.3, các báo đồng loạt đăng lời ông tổng bí thư, rằng “Không để lọt vào trung ương người kê khai tài sản không trung thực” (báo VNExpress), “Không để lọt vào trung ương cán bộ giàu nhanh bất thường” (báo Dân Trí, báo Lao Động), “Không để lọt vào trung ương người nhiều nhà nhiều đất không rõ nguồn gốc” (trang CafeF), chính xác hơn thì có “Không để lọt vào trung ương những người thiếu đức kém tài” (TTXVN)… Đại loại, họ chỉ chú ý tới tài sản, vật chất, tiền bạc mà ít quan tâm người ta có thực tài thực đức, có hết lòng vì dân vì nước hay không”.
Mọi người đều biết trên thực tế, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV đã được hầu hết các phương tiện đại chúng phát đi, không thể “cắt, cúp” như Nguyễn Thông được.
Theo đó thì: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khoá XIV phải thật sự là những đồng chí tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; bảo đảm tiêu chuẩn chung của cán bộ. Tổng Bí thư lưu ý, cần đặc biệt chú trọng vào các phẩm chất, như: Có tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia – dân tộc; có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, gắn bó mật thiết với nhân dân, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động. Đồng thời, cần có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm. Có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, tận tuỵ với công việc; bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng; không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi. Có ý thức giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, gương mẫu chấp hành sự phân công và nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; công minh, công bằng trong đánh giá, sử dụng cán bộ. Có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược và kiến thức tương đối toàn diện để tham gia hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương. Có năng lực cụ thể hoá và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới tại lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công; qua thực tiễn tỏ rõ là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, có năng lực sáng tạo, nhiệt huyết, làm việc có hiệu quả, có “sản phẩm” cụ thể, rõ rệt; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đoàn kết, quy tụ, phát huy được đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực, địa bàn được phân công. Có ý thức, trách nhiệm và khả năng tham gia thảo luận, đóng góp vào các quyết định chung của Ban Chấp hành Trung ương; đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ. “Nói tóm lại là phải vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc (“chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”)” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói. Rõ ràng, mạch lạc và đầy đủ như vậy mà tại sao qua cái đầu lươn lẹo và kỹ thuật “cắt, cúp” thô thiển của Nguyễn Thông lại trở thành “Đại loại, họ chỉ chú ý tới tài sản, vật chất, tiền bạc mà ít quan tâm người ta có thực tài thực đức, có hết lòng vì dân vì nước hay không”?
Những ai quan tâm đến những vấn đề chính trị – xã hội của đất nước thông qua những bài viết trên mạng xã hội thì đều có thể thấy rằng, trong những năm qua những “gạch đá”, “rác rưởi” bẩn thỉu mà Nguyễn Thông tung ra để xỏ xiên, chọc ngoáy, công kích chế độ ở mọi lĩnh vực là không hề nhỏ. Không phải tự dưng mà nhiều trang phản động, chống chính quyền mở hẳn “chuyên mục” tập hợp các bài viết của Nguyễn Thông. Thiết nghĩ, cũng đã đến lúc các cơ quan chức năng cần xem xét và xử lý kẻ có bút danh Nguyễn Thông này theo quy định của pháp luật để người dân không bị lèo lái, mắc lừa, gây mất niềm tin qua những thông tin xuyên tạc đểu cáng ấy.