Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
58661

Xung đột Nga-Ukraine và lập trường ngoại giao của Việt Nam (1)

Cuộc xung đột Nga – U-crai-na trên mặt trận quân sự, thông tin truyền thông, kinh tế, thương mại, tài chính… đã tác động sâu sắc tới toàn bộ cục diện an ninh, kinh tế, chính trị và xã hội ở  khu vực châu Âu nói riêng và toàn thế giới nói chung. Mọi nỗ lực ngoại giao, đàm phán, đối thoại hiện vẫn được xem là giải pháp tối ưu nhất để có thể chấm dứt chiến sự, hạ nhiệt và tìm lối thoát cho cuộc khủng khoảng này. Kể từ khi xung đột giữa Nga và U-crai-na xảy ra, Việt Nam đã nhiều lần nêu quan điểm chính thức của mình, kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, trên các trang mạng xã hội, diễn đàn, của các tổ chức, cá nhân thù địch, chống đối liên tục đăng tải tin, bài phản ánh không chính xác về tình hình Nga và U-crai-na; suy diễn, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, từ đó hướng dư luận trong và ngoài nước hiểu sai lệch về Việt Nam.

Để giải thích lập trường của Việt Nam đố với cuộc xung đột này, chúng tôi xin gửi tới bạn đọc nghiên cứu khá đầy đủ, khách quan về diễn biến và nguyên nhân của cuộc chiến này.

Cuối năm 2021, tình hình quan hệ giữa một bên là Nga – một bên là U-crai-na với sự hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây, trở nên hết sức căng thẳng. NATO chính thức bác bỏ đề nghị yêu cầu 8 điểm về bảo đảm an ninh của Nga (Yêu cầu NATO cam kết “tự kiềm chế không mở rộng về phía đông, bao gồm kết nạp U-crai-na và thêm các nước khác”; Mỹ loại bỏ vũ khí hạt nhân ở châu Âu, rút lực lượng khỏi Ba Lan và các nước vùng Ban-tích, không thiết lập căn cứ quân sự và triển khai các loại vũ khí tấn công ở các quốc gia trong không gian hậu Xô-viết…). Nga tập trung một số lượng lớn quân đội sát biên giới U-crai-na, triển khai các vũ khí hạng nặng và tiến hành tập trận chung với Bê-la-rút.

Ngày 17/02/2022, Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) thông qua Nghị quyết công nhận hai nước cộng hòa ly khai Đô-nét-xcơ (DPR) và Lu-gan-xcơ (LPR) tại miền Đông U-crai-na. Ngày 21/02/2022, Tổng thống Nga Pu-tin ký Sắc lệnh công nhận “nước Cộng hòa Nhân dân Đô-nét-xcơ” và “nước Cộng hòa Nhân dân Lu-gan-xcơ”; đồng thời ngay trong ngày, đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng điều động lực lượng gìn giữ hòa bình tới vùng Donbass và yêu cầu Bộ Ngoại giao Nga thiết lập quan hệ ngoại giao với hai nước cộng hòa này. Ngày 24/02/2022, Tổng thống Nga Pu-tin tuyên bố quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm bảo vệ người dân, “phi quân sự hóa” và “phi quốc xã hóa” U-crai-na. Ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự, U-crai-na đã ban bố tình trạng chiến tranh. Sau hai tháng, bất chấp mọi nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế cũng như trải qua nhiều vòng đàm phán giữa hai nước, diễn biến tình hình vẫn tiếp tục căng thẳng, chưa cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí không loại trừ khả năng lan rộng.

Về nguyên nhân sâu xa:

Xung đột hiện nay là hệ quả của nhiều vấn đề lịch sử tồn tại, kéo dài và minh chứng cho sự tác động của yếu tố địa chính trị, những xung đột lợi ích cốt lõi giữa các nước lớn, đặc biệt là quan hệ Mỹ – Nga.

Hai nước Nga và U-crai-na có mối liên hệ và gắn kết lâu đời về lịch sử, văn hóa, tôn giáo… Tại Đại hội lần thứ nhất các Xô-viết toàn liên bang diễn ra cuối tháng 12/1922, Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết (Liên Xô) tuyên bố thành lập, gồm 04 nước Cộng hòa Xô-viết đầu tiên là Nga, U-crai-na, Bê-lô-rút-xia và Ngoại Cáp-ca-dơ. Năm 1991, Liên Xô tan rã, U-crai-na tuyên bố độc lập. Sau năm 1991, U-crai-na giữ quan hệ mật thiết với Nga. Năm 1997, hai nước đã ký Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa U-crai-na và Liên bang Nga. Nga luôn coi U-crai-na là một nước quan trọng trong không gian hậu Xô-viết.

Từ góc độ cạnh tranh chiến lược giữa Nga với Mỹ và NATO, U-crai-na có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là vùng đệm giữa Nga với NATO và Liên minh châu Âu (EU). Sau khi Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, khối Hiệp ước Vác-sa-va đối trọng với NATO không còn. Nhưng dưới sự chi phối, lãnh đạo của Mỹ, NATO không ngừng gia tăng ảnh hưởng tại châu Âu và các khu vực lân cận, liên tiếp mở rộng về phía Đông. Mỹ và phương Tây tập trung tác động, lôi kéo U-crai-na khỏi ảnh hưởng của Nga thông qua đẩy mạnh tuyên truyền các “giá trị dân chủ”, lối sống phương Tây, kết hợp với hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, các nhóm hoạt động xã hội. Từ đó, tác động đến nhận thức, tình cảm của người dân U-crai-na, hình thành tư tưởng sùng bái các giá trị phương Tây, phủ nhận các giá trị của chế độ xã hội chủ nghĩa và thành quả của Liên Xô cũ, nhất là trong giới trẻ và cư dân tại các thành phố lớn. Hai cuộc cách mạng sắc màu là Cách mạng Cam năm 2004 và Cách mạng Maidan năm 2014 do Mỹ và phương Tây hậu thuẫn đã lật đổ chính quyền thân Nga tại U-crai-na, lập nên chính quyền thân Mỹ và phương Tây. Ý đồ của Mỹ và phương Tây rất rõ ràng. Đó là bao vây, cô lập, ngăn chặn ảnh hưởng và làm suy yếu Nga.

Đối với Nga, U-crai-na không chỉ có mối quan hệ gắn bó kinh tế, văn hóa, truyền thống mà còn có tầm quan trọng đặc biệt về quốc phòng, an ninh. Do đó, Nga luôn mong muốn và tìm cách giữ U-crai-na trong phạm vi ảnh hưởng của mình hoặc ít nhất là trung lập, không thể hiện sự khác biệt, đối đầu với Nga. Sự lấn lướt của Mỹ và phương Tây trong việc lôi kéo U-crai-na, những quan ngại về vấn đề an ninh của Nga liên tục bị phớt lờ khiến Nga quyết định sử dụng biện pháp quân sự để bảo đảm an ninh, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế, đối ngoại và đối mặt với nhiều hệ lụy sâu sắc khác. Qua đó, không để U-crai-na tham gia sâu vào quỹ đạo của Mỹ và phương Tây, gia nhập NATO. Lợi ích của Nga là thiết lập và củng cố vùng đệm an ninh giáp biên giới phía Tây, khôi phục ảnh hưởng của quốc gia này tại không gian hậu Xô-viết, đẩy lùi các mối đe dọa chiến lược từ việc NATO liên tục mở rộng về phía Đông. Ngoài ra, việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại U-crai-na còn nhằm khẳng định sức mạnh và ý chí quyết tâm bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia trước các mối đe dọa từ bất cứ đối tượng nào; nỗ lực thiết lập trật tự an ninh mới, trong đó lợi ích an ninh của một cường quốc như Nga phải được tôn trọng và bảo đảm.

Về nguyên nhân trực tiếp:

Chính sách đối ngoại của U-crai-na là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc xung đột. Tùy thuộc vào việc đảng cầm quyền thân Nga hay thân phương Tây, chính quyền U-crai-na qua các thời kỳ hoặc là nghiêng hẳn về phía Nga, chịu sự tác động, chi phối của Nga cả về chính trị, đối ngoại, kinh tế, an ninh; hoặc ngả theo phương Tây, chủ trương dựa vào Mỹ và phương Tây trên các lĩnh vực; không xây dựng một đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, cân bằng chiến lược giữa các bên. Thỏa thuận Min-xcơ 2 năm 2015 nhằm mang lại hòa bình cho các khu vực đòi ly khai ở miền Đông U-crai-na đã không được triển khai đầy đủ, khiến xung đột tiếp tục tiếp diễn suốt 7 năm qua. Sau Cách mạng Maidan năm 2014, chính sách của U-crai-na trở nên cực đoan hơn, ngả hẳn theo Mỹ và phương Tây, xu hướng chống Nga ngày càng rõ nét, tìm cách xóa bỏ ảnh hưởng của Nga và các dấu tích của chế độ xã hội chủ nghĩa trước đây, công khai thách thức Nga và theo đuổi mục tiêu gia nhập NATO.

Cuộc xung đột quân sự Nga – U-crai-na cũng xuất phát từ động thái của cả hai bên diễn ra từ cuối năm 2021, các nỗ lực ngoại giao bế tắc trong thời gian dài và những cảnh báo nhiều lần từ các bên không đem lại hiệu quả. Trong khi Mỹ và NATO liên tiếp áp đặt các gói trừng phạt Nga ở mức độ và quy mô ngày càng tăng, U-crai-na kêu gọi phương Tây sớm trừng phạt Nga, ký kết liên minh an ninh ba bên với Anh và Ba Lan, đưa ra những bình luận tiêu cực về lịch sử, sắc tộc, văn hóa, tôn giáo giữa hai dân tộc. Đồng thời các nỗ lực của Nga gây sức ép buộc U-crai-na không gia nhập NATO, không vượt cái mà Nga cho là “làn ranh đỏ” đã không đem lại kết quả.

Nhìn nhận toàn diện diễn biến, nguyên nhân của cuộc chiến lý giải quá trình dẫn đến xung đột quân sự hiện nay không hề đơn giản và vì sao dư luận thế giới lại có phán xét rằng đây là cuộc chiến ủy nhiệm hay Hoa Kỳ muốn gây chiến tranh với Nga tới người U-crai-na cuối cùng.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *