Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
24184

Đạo và đời hòa quyền ở nơi có nhiều chùa Khmer nhất Việt Nam! Bài 1

Đến ĐBSCL, đến Trà Vinh, nhất định phải đi thăm các ngôi chùa Khmer bởi đó là nơi lắng đọng những giá trị văn hóa, kết tinh đời sống tinh thần của người Khmer

Trà Vinh là địa phương nằm cuối cùng của dòng Cửu Long. Nơi đây có gần 390.000 người dân tộc Khmer sinh sống (chiếm khoảng 31% dân số). So với 13 địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, Trà Vinh không phải là nơi có người Khmer đông nhất nhưng lại là nơi có nhiều chùa Khmer nhất với 143 ngôi chùa. Những ngôi chùa Khmer với kiến trúc độc đáo không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer mà còn là nơi gắn kết giữa đạo và đời, là nơi mà các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến được với người dân nhanh nhất, cũng là nơi thể hiện sinh động chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước.

Mùa hè năm nay, chùa Ô Đùng tọa lạc tại xã Hiếu Từ, huyện Tiểu Cần – cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 20km, lại đón gần 230 em học sinh ở mọi lứa tuổi. Suốt 2 tháng hè, ngày nào các em cũng đến chùa để học tiếng nói và chữ viết của người Khmer. Khác với vẻ thanh tịnh thường thấy ở các cơ sở thờ tự, bên trong khuôn viên chùa Ô Đùng, khách thập phương ngỡ như lạc vào một trường học. Ngoài 2 lớp học với hàng trăm em học sinh đang cùng thày đánh vần rộn rã là dãy nhà ngang với vài chục tăng sinh đang học giáo lý.

“Chùa ở đây là nơi phát triển văn hóa tâm linh, là trung tâm giáo dục. Chùa cũng là nơi sinh hoạt văn hóa xã hội và là nơi lan tỏa lòng từ bi. Hầu hết chùa Khmer đều thể hiện sự gắn bó giữa đạo với đời, cũng là nơi lưu giữ rõ nhất những nét văn hóa đặc sắc của người Khmer” – Thượng tọa Kim Mạnh – Phó trụ trì chùa Ô Đùng, xã Hiếu Từ, huyện Tiểu Cần chia sẻ.

Việc tổ chức dạy chữ Khmer cho học sinh trong chùa là chuyện hết sức bình thường ở Trà Vinh. Hơn 140 ngôi chùa hiện diện khắp thành thị và các phum, sóc đều giữ nét đẹp truyền thống này. Không chỉ học chữ viết, các em còn được học đạo đức, lễ nghĩa, học kinh kệ, học về sự tích của đức Phật…

Được biết, tài liệu ngữ văn tiếng Khmer được giảng dạy tại các ngôi chùa ở đây được Bộ Giáo dục và đào tạo biên soạn và phần kinh phí đứng lớp cho các giáo viên từ lớp 1 đến lớp 5 cũng được Nhà nước hỗ trợ.

Đợt dịch Covid-19 bùng phát, chùa không chỉ là nơi phát tâm công đức, cung cấp nhiều lương thực, thực phẩm cho các tín đồ mà còn là nơi tá túc của con em người địa phương đi làm ăn xa. Họ trở về từ các thành phố lớn, đến chùa để cách ly.

Đối với phật tử Nam tông Khmer, trong một tháng, họ thường đến chùa 4 ngày là mùng 8, 15, 23 và 30 âm lịch. Nhưng với nhiều phật tử ở đây, không nhất thiết lên chùa những ngày cố định.

“Tuần nào chúng tôi cũng lên chùa. Sư cả ở đây giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Ông vận động được nhiều nguồn tài trợ, giúp người nghèo, người khó khăn, tàn tật. Ổng giúp gạo, tiền, mắm muối, mì tôm, thuốc men. Trong đợt Covid-19, thực hiện giãn cách, chính quyền hỗ trợ chúng tôi, sư cả cũng hỗ trợ nên chúng tôi thấy bớt đi nhiều khó khăn“ – một phật tử chùa Long Trường, huyện Trà Cú cho hay.

“Chùa có sư cả, xã có bí thư” là câu nói vui của người dân ở Trà Vinh nhưng nó cũng phản ánh một thực tế: Các sư trụ trì chùa Khmer rất có uy tín và tiếng nói với người dân Khmer bởi phần lớn người Khmer theo đạo Phật và đến sinh hoạt tại chùa. Nhiều chủ trương, chính sách đến được với người dân cũng thông qua các Sư cả trụ trì.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *