Nhân quyền – Giá trị cao quý luôn thuộc về mọi người Ky I: Nhân quyền – Giá trị phổ quát và đặc thù.
Ngày nay, nhân quyền đã được khẳng định là một giá trị cao quý có ý nghĩa phổ quát đối với toàn thể loài người. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc cụ thể hóa nhân quyền như thế nào lại luôn có quan hệ trực tiếp với quan niệm, định hướng phát triển của chế độ chính trị – xã hội ở mỗi quốc gia và một số yếu tố của truyền thống văn hóa… Vì thế, trong khi ở Việt Nam, bảo đảm nhân quyền được khẳng định là quốc sách hàng đầu, thì ở một số quốc gia, nhân quyền lại dành cho số ít người, và có thế lực còn sử dụng nhân quyền làm công cụ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam – quốc gia luôn khẳng định quyền tự chủ, nỗ lực bảo vệ nền độc lập, kiên trì phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”…
Kỳ I: NHÂN QUYỀN – GIÁ TRỊ PHỔ QUÁT VÀ ĐẶC THÙ
Có thể nói, một trong các chuyển dịch tinh thần quan trọng nhất của nhân loại trên thế giới ngày nay là sự phát triển nhận thức về quyền và vai trò của con người trong xã hội. Nhân quyền trở thành một trong các tiêu chí quan trọng hàng đầu đánh giá sự phát triển ở mỗi quốc gia và ý thức về quyền con người cũng trở thành một tiêu chí hàng đầu cấu thành nên ý thức, phẩm chất của mỗi người. Vì thế trong thời hiện đại, với mọi xã hội văn minh, nhân quyền luôn là giá trị biểu thị cho quyền tối thượng của con người khi sống trong xã hội.
Tuy nhiên lịch sử còn cho thấy, để nắm bắt và thực thi giá trị cao quý này, cần phân biệt nhân quyền với tư cách là giá trị có ý nghĩa phổ quát với quá trình hiện thực hóa nhân quyền trong một chế độ xã hội cụ thể, với hệ thống luật pháp cụ thể. Đó là lý do giải thích vì sao khi xác định nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị, Liên Hợp quốc (LHQ) đưa ra một số bảo lưu quan trọng, thí dụ: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ những quyền và tự do cơ bản của người khác”; quyền tự do ngôn luận: “có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”…
Không thể áp đặt về nhân quyền theo quan niệm riêng.
Về bản chất, những bảo lưu này chính là xác nhận tính đa dạng của sự lựa chọn và tính tất yếu của quá trình phát triển.
Sự cần thiết phải tôn trọng cách thức tổ chức, quản lý xã hội, hệ thống luật pháp, bản sắc văn hóa,… của mỗi quốc gia khi đưa ra quan điểm về nhân quyền, thực thi nhân quyền. Như các quốc gia có truyền thống coi trọng quan hệ cộng đồng, lấy tình nghĩa và lòng hiếu thảo là mẫu số chung cho mọi ứng xử trong gia đình, xã hội,… (như văn hóa Việt Nam chẳng hạn), rất khó thích nghi với việc tổ chức xã hội và gia đình theo kiểu phương Tây, khi mà ở đó con cái “có quyền” không nghe lời cha mẹ, không vừa ý việc nào đó của gia đình là có thể yêu cầu cảnh sát tới giải quyết, hoặc sẵn sàng rời nhà ra đi, thi thoảng gửi tấm bưu thiếp, để cha mẹ già phải sống trong cô đơn, thiếu con cháu sum vầy, thậm chí bị lâm vào tình trạng kodokushi (chết cô độc) – hiện tượng xã hội đã không chỉ xảy ra ở phương Tây, mà Nhật Bản cũng phải đối mặt.
Từ đó suy ra, trong các quan hệ quốc tế, không thể áp đặt về nhân quyền theo quan niệm riêng, không thể sử dụng nhân quyền làm công cụ “mặc cả” giữa các quốc gia; muốn xem xét, đánh giá về tình hình nhân quyền ở bất kỳ quốc gia nào cũng cần phải bắt đầu từ nền tảng cơ bản nhất là con người được tạo điều kiện phát triển, được hưởng các quyền của mình ra sao. Vì thế, hội nghị về nhân quyền tổ chức ở Thái Lan từng khẳng định nhân quyền cần phải được xem xét: “trong bối cảnh của những cá biệt quốc gia và địa phương, các nền tảng lịch sử văn hóa tôn giáo khác nhau”, và “Theo dõi vấn đề nhân quyền là vi phạm chủ quyền quốc gia…
Viện trợ kinh tế với điều kiện, dựa trên tiêu chuẩn nhân quyền là đối ngược với quyền phát triển…”. Từ khẳng định này có thể thấy, dù nhân quyền có tính phổ quát với toàn nhân loại thì việc thực thi nhân quyền lại phụ thuộc vào hệ thống giá trị chính trị – kinh tế – xã hội – văn hóa mà mỗi quốc gia theo đuổi; và nhân quyền không tồn tại trừu tượng, chung chung mà luôn phải cụ thể hóa để có thể nhận diện, và cụ thể hóa như thế nào thì trước hết phụ thuộc vào định hướng, chính sách phát triển của mỗi quốc gia.
Nhìn lại lịch sử, phải nói rằng sự ra đời của Tuyên ngôn Thế giới về nhân quyền (Tuyên ngôn) là thỏa thuận pháp lý quốc tế đầu tiên về quyền con người, đồng thời là bước tiến quan trọng của cộng đồng nhân loại khi xác định “phẩm giá vốn có và các quyền bình đẳng bất di bất dịch của tất cả các thành viên trong gia đình loài người là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới”.
Xác định ấy có được bởi cộng đồng nhân loại đều thấy rằng: “sự coi thường và xâm phạm các quyền con người dẫn đến những hành vi man rợ, xúc phạm tới lương tâm nhân loại, và việc tạo lập một thế giới trong đó con người sẽ được hưởng tự do ngôn luận, tín ngưỡng và tự do thoát khỏi nỗi sợ hãi và đói nghèo đã được tuyên bố như là khát vọng cao cả nhất của những người dân bình thường”…
Dù là văn bản có tính khuyến nghị, cam kết về chính trị – đạo đức hơn là ràng buộc về chính trị – pháp lý, Tuyên ngôn cũng đã đưa ra các tiêu chí để đánh giá hành động của các chính phủ trong phòng ngừa và ngăn chặn hành vi vi phạm quyền con người, đấu tranh với hành vi lạm dụng quyền lực và bạo lực để chà đạp lên nhân phẩm, tính mạng, tương lai của con người.
Tuy nhiên, cùng với sự thăng trầm của lịch sử, không phải khi nào con người cũng được tạo điều kiện để hiện thực hóa khát vọng chân chính về nhân quyền. Khi cái ác vẫn có cơ hội hoành hành, khi chủ nghĩa cá nhân cực đoan vẫn còn chi phối hành động của một số cá nhân, khi tham vọng thống trị vẫn dai dẳng đeo bám trong tâm trí một số nhóm và tập đoàn người,… thì trong một số trường hợp, con người vẫn phải đấu tranh gian khổ mới có thể giành lấy nhân quyền cho chính mình.
Tiếp cận một cách toàn diện, phải thấy rằng nhân quyền liên quan toàn bộ hoạt động sống của con người trên mọi lĩnh vực chính trị – kinh tế – xã hội – văn hóa.
Tuy nhiên, trong khi thực hiện các quyền của mình, mỗi người cần đặt các quyền đó trong tương quan với nghĩa vụ xã hội, như Điều 29 Tuyên ngôn đã yêu cầu trong khi thực thi nhân quyền “1. Mọi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng mà ở đó có thể thực hiện được sự phát triển tự do và đầy đủ nhân cách của bản thân. 2. Trong khi thực hiện các quyền và quyền tự do cho cá nhân, mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền và quyền tự do của những người khác, và đáp ứng được những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”.
Qua đó có thể thấy, thực thi nhân quyền của cá nhân luôn quan hệ chặt chẽ với cách thức tổ chức của xã hội và với nhân quyền của người khác, và mỗi người phải thực hiện nghĩa vụ đối với cộng đồng. Tóm lại, đề cập nhân quyền trong phạm vi nào, ở cấp độ nào, với quốc gia nào vẫn cần nhận thức một số vấn đề cơ bản:
1. Nhân quyền có tính phổ quát song việc hiện thực hóa nhân quyền phụ thuộc vào sự lựa chọn của mỗi quốc gia với các đặc điểm chính trị – kinh tế – xã hội – văn hóa riêng, không thể áp đặt về nhân quyền trong quan hệ quốc tế;
2. Trong khi thực hiện các quyền của mình, mỗi công dân cần phải tôn trọng các quyền của người khác và quyền của cộng đồng;
3. Việc thực thi nhân quyền phải đặt trong khuôn khổ pháp luật.
Giá trị thuộc về mọi người
Phải khẳng định đến thế kỷ 21, nhân quyền đã được nhấn mạnh là yếu tố tiên quyết nếu các quốc gia muốn hoạch định chiến lược, sách lược phát triển tích cực, có hiệu quả về vật chất và tinh thần cho mọi công dân, cho toàn xã hội; đồng thời là một mục tiêu hàng đầu cần phấn đấu đạt tới vì tương lai tươi sáng của nhân loại. Tuy nhiên đến hôm nay, nhân loại vẫn phải chứng kiến quá nhiều sự kiện, hiện tượng ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm, phát triển nhân quyền.
Dù không có chiến tranh trên phạm vi thế giới, dù chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã cáo chung, dù Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ đã được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 18/12/1979 (có hiệu lực từ ngày 3/9/1981), dù Điều 1 Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị của LHQ đã khẳng định:
“1. Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa.
2. Vì lợi ích của mình, mọi dân tộc đều có thể tự do định đoạt tài nguyên thiên nhiên và của cải của mình, miễn là không làm phương hại đến các nghĩa vụ phát sinh từ hợp tác kinh tế quốc tế mà dựa trên nguyên tắc các bên cùng có lợi và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không được phép tước đi những phương tiện sinh tồn của một dân tộc”,… thì nhân loại vẫn tiếp tục phải đối mặt với một thực tế còn quá nhiều vấn nạn liên quan nhân quyền.
Đói nghèo vẫn đeo bám theo một bộ phận nhân loại; phụ nữ vẫn bị phân biệt đối xử; nhiều người không có nhà ở; một bộ phận trẻ em không được đến trường; nhiều người già cô đơn và không nơi nương tựa; an sinh xã hội chưa được bảo đảm… Rồi núp dưới chiêu bài nhân quyền, một số thế lực đã chà đạp lên quyền tự quyết dân tộc, thực hiện mưu đồ chi phối, đẩy một số quốc gia vào vị trí phụ thuộc; tiến hành những cuộc chiến tranh tàn khốc ở Iraq, Syria, Lybia, Yemen,… làm các quốc gia này lâm vào cảnh hoang tàn, đói nghèo hoành hành, hàng trăm nghìn người thương vong, hàng triệu người phải di cư và sống tha hương…
Vì lợi ích phi nhân quyền, một số thế lực đã và đang vi phạm các tiêu chí đã được LHQ khẳng định về quyền tự quyết dân tộc, quyền lựa chọn và quyết định về thể chế chính trị, quyền phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa… Không chỉ vậy, tự coi quan niệm nhân quyền của riêng mình là mẫu số chung, bất chấp các đặc thù chính trị – kinh tế – xã hội – văn hóa, một số thế lực sử dụng nhân quyền làm công cụ áp đặt, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của một số quốc gia, thậm chí coi nhân quyền là điều kiện ký kết các văn bản liên kết kinh tế.
Được sự hỗ trợ của các tổ chức nhân danh nhân quyền như HRW (Theo dõi nhân quyền), FH (Nhà tự do), AI (Ân xá quốc tế), RSF (Phóng viên không biên giới), CPJ (Bảo vệ nhà báo),… cùng một số địa chỉ truyền thông phương Tây như BBC, VOA, RFA, RFI,… rất nhiều thủ đoạn, mưu đồ đen tối đã được triển khai để đi từ “lên án vi phạm nhân quyền” tới can thiệp vào công việc nội bộ, tạo dựng tổ chức chống đối trong xã hội, mở “đột phá khẩu” để xâm lược bằng quân sự…
Đồng thời, nhằm tăng sức nặng cho mưu đồ, họ còn quảng bá một thứ nhân quyền ngoài khuôn khổ pháp luật, không quan tâm đến quyền của người khác và quyền của cộng đồng. Từ đó trong xã hội xuất hiện một số người tự coi mình là “số một”, lấy đó làm cơ sở để chọn kiểu sống ích kỷ và tàn nhẫn, xem thường mọi người, xem thường cộng đồng.
Song, dù nhân quyền được diễn giải như thế nào, dù ai đó tự thấy bản thân là “đại diện cho nhân quyền” rồi hăng hái cổ súy, yêu cầu người khác phải làm theo,… thì vẫn chỉ là quan niệm, phát ngôn sáo rỗng nếu họ không có hành động cụ thể làm cho nhân quyền trở thành giá trị luôn thuộc về mọi người.
Vì bất luận trong trường hợp nào thì việc nhà nước có đường lối, chính sách thiết thực nhằm hiện thực hóa nhân quyền trong cuộc sống, tạo điều kiện để cả xã hội đồng lòng phấn đấu vì sự phát triển toàn diện của con người, phát huy quyền của mọi công dân và bảo đảm lợi ích mọi mặt của họ trong xã hội,… vẫn là nền tảng duy nhất xác định sự phát triển nhân quyền ở mỗi quốc gia.
Trong bối cảnh thế giới còn tồn tại một số tham vọng và xu hướng chính trị cực đoan với mưu đồ chi phối thế giới để phục vụ các lợi ích riêng, thì từ ý nghĩa cao cả của nó, cần luôn phải khẳng định nhân quyền là giá trị thuộc về mọi người, không quốc gia hoặc nhóm người nào trong xã hội có thể tự coi mình là “hình mẫu” về nhân quyền để yêu cầu, áp đặt lên quốc gia khác hoặc đòi hỏi xã hội phải làm theo ý mình.■
Anh Minh – Hà Lê
Đề cập nhân quyền trong phạm vi nào, ở cấp độ nào, với quốc gia nào vẫn cần nhận thức một số vấn đề cơ bản: 1. Nhân quyền có tính phổ quát song việc hiện thực hóa nhân quyền phụ thuộc vào sự lựa chọn của mỗi quốc gia với các đặc điểm chính trị – kinh tế – xã hội – văn hóa riêng, không thể áp đặt về nhân quyền trong quan hệ quốc tế; 2. Trong khi thực hiện các quyền của mình, mỗi công dân cần phải tôn trọng các quyền của người khác và quyền của cộng đồng; 3. Việc thực thi nhân quyền phải đặt trong khuôn khổ pháp luật.
Được sự hỗ trợ của các tổ chức nhân danh nhân quyền như HRW (Theo dõi nhân quyền), FH (Nhà tự do), AI (Ân xá quốc tế), RSF (Phóng viên không biên giới), CPJ (Bảo vệ nhà báo),… cùng một số địa chỉ truyền thông phương Tây như BBC, VOA, RFA, RFI,… rất nhiều thủ đoạn, mưu đồ đen tối đã được triển khai để đi từ “lên án vi phạm nhân quyền” tới can thiệp vào công việc nội bộ, tạo dựng tổ chức chống đối trong xã hội, mở “đột phá khẩu” để xâm lược bằng quân sự…