Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
17170

Tự do ngôn luận không đồng nghĩa với tự do tung tin xuyên tạc, kích động bạo lực

Các trang chống Nhà nước Việt Nám như fanpage của Việt Tân lâu nay có thói quen vẽ nên bức tranh về đời sống, xã hội ở Việt Nam một màu đen kịt. Những tin bài xuyên tạc như thế, nếu là công dân đang sinh sống ở Việt Nam hẳn sẽ bị pháp luật trừng phạt, bởi ở bất cứ xã hội nào, quyền tự do ngôn luận cũng cần đặt trong khuôn khổ pháp luật. Quyền tự do ngôn luận của một cá nhân, không thể đặt ngoài lợi ích chung của cả cộng đồng.

Việt Tân và đồng bọn thường xuyên có những bài viết cho rằng Việt Nam không có quyền tự do ngôn luận. Chúng rêu rao “tự do ngôn luận là thứ vũ khí mà cộng sản rất sợ. Phản biện là quyền tối thượng của con người. Là chìa khóa để khai sáng cho dân tộc” như một con vẹt mà quên mất một điều, muốn khai sáng, trước hết, phải tôn trọng sự thật, đồng thời, tuân theo một quy luật trường tồn trong vũ trụ: “luật hấp dẫn”. Luật hấp dẫn nói một cách đơn giản là Chúng ta sẽ trở thành và thu hút những gì chúng ta nghĩ đến. Ví dụ, nếu bạn tập trung vào những suy nghĩ tiêu cực, bạn sẽ thu hút những điều xấu vào cuộc sống của mình. Ngược lại, khi bạn tập trung vào những điều tích cực, vũ trụ sẽ gửi đến bạn những điều hạnh phúc. Với quy luật này, thì không hiểu Việt Tân định khai sáng dân tộc bằng cách nào khi mà chúng chỉ biết rêu rao, xuyên tạc, bôi vẽ nên những mặt đen tối của xã hội?!.

Về quyền tự do ngôn luận, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân. Tự do ngôn luận được xem là quyền hiến định ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946: “Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài” (Điều 10). Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (Điều 25). Khung pháp lý của Việt Nam về quyền tự do ngôn luận cơ bản đầy đủ, đồng bộ, tương thích với luật pháp quốc tế về quyền con người. Tuy nhiên, tự do ngôn luận không có nghĩa là tự do tuyên truyền, tán phát tài liệu, các bài viết có nội dung xấu độc phá hoại an ninh quốc gia, gây mất an toàn xã hội, kích động bạo lực, ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức, lối sống, truyền thống, văn hóa của cộng đồng.

Không có một cộng đồng nào ủng hộ việc đăng tải, phát tán những tin bài xuyên tạc, kích động bạo lực. Ngay cả ở Mỹ, một đất nước mà Việt Tân vẫn rêu rao ca ngợi là tự do ngôn luận thì ngày càng nhiều người Mỹ cho rằng, chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ những thông tin sai lệch, nội dung bạo lực trực tuyến. Nghiên cứu mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew – một viện nghiên cứu phi đảng phái Hoa Kỳ có trụ sở tại Washington, D.C. cho thấy, đa số người dân Mỹ ủng hộ việc kiểm soát thông tin xuyên tạc, sai sự thật, chứa nội dung bạo lực trực tuyến.

Nguồn:https://www.pewresearch.org/short-reads/2023/07/20/most-americans-favor-restrictions-on-false-information-violent-content-online/

Kết quả nghiên cứu của Pew cho thấy, có tới 55% số người được hỏi cho rằng Chính phủ Mỹ cần có các bước kiểm soát thông tin sai lệch, và 60% ủng hộ việc kiểm soát thông tin chứa nội dung bạo lực trực tuyến, ngay cả khi nó làm hạn chế quyền tự do ngôn luận. Tỉ lệ này tăng lên mức 65% và 71% khi nhắc đến trách nhiệm của những công ty công nghệ trong việc kiểm soát thông tin sai lệch, bạo lực. Như vậy, có thể thấy, vấn đề thông tin sai lệch, bạo lực ở Mỹ cũng là vấn đề đáng báo động, gây lo lắng đối với người dân.

Tất nhiên, người dân Việt Nam cũng không bao giờ ủng hộ những thông tin có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, gây kích động bạo lực. Càng không bao giờ ủng hộ “tự do ngôn luận” kiểu Việt Tân khi mà chúng chỉ được dùng để vẽ nên những bức tranh lệch lạc, xám xịt về đất nước và con người Việt Nam. Những lời rêu rao của Việt Tân cho thấy những khiếm khuyết của thế giới quan “tự do ngôn luận” của chúng cũng như những kẻ lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xuyên tạc, chống phá đất nước.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *