Giá trị nhân sinh là cốt tuỷ của mọi giá trị. Vì vậy soi vào đó, không chỉ thấy bề dày của truyền thống, của lịch sử mà trong chừng mực nào đó còn cho nhận dạng ban đầu về chủ nghĩa nhân văn và tiềm lực của quốc gia. Giá trị nhân sinh Việt Nam bên cạnh những đặc trung phổ biến mang tính toàn cầu còn là miền sâu của giá trị Việt Nam.
Giá trị nhân sinh: bộ mặt của quốc gia
Mỗi giá trị đều là sự thống nhất của cái chung và cái riêng nhưng mức độ hoà điệu đó ở mỗi loại giá trị là khác nhau. Trong tất cả các giá trị mà nhân loại đã, đang và sẽ tạo ra thì giá trị nhân sinh là cao nhất, thể hiện được tâm và lực của quốc gia. Từ phân tích khoa học cho thấy, giá trị nhân sinh có tính hội tụ cao và tất yếu của tính hội tụ đó là hình thành những tinh lực và sức bền của giá trị trong mỗi quốc gia. Vì thế bất cứ giá trị nhân sinh nào cũng là nơi được nén lại bởi những quan hệ sinh tồn của một cộng đồng, quốc gia, dân tộc.
Giá trị nhân sinh, thường lên ngôi mỗi khi xảy ra những sự cố lớn (có thể bất ngờ, hoặc không bất ngờ) trên phạm vi rộng, nhất là có tính toàn cầu. Chiến tranh thế giới lần thứ II (1939-1945), đối diện với hoang tàn và chết chóc, nhân loại giật mình với những câu hỏi về số phận của mình nếu như xảy ra một cuộc chiến tranh có quy mô như thế tiếp theo. Năm 1956, sau hơn 10 năm Chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc, nhà văn giành giải thưởng Nobel văn học năm 1965, Mikhail Sholokhov (1905-1984), cho ra mắt cuốn “Số phận một con người”, đã phơi bày những góc tối của chiến tranh và ánh sáng lương tri của con người cùng với nỗ lực của nó để vượt qua những giới hạn của chính mình, hướng về một xã hội nhân văn hơn. Nhân loại ngộ ra tài sản quý giá nhất của con người chính là con người. Vì thế, giá trị nhân sinh là thước đo của các giải thưởng Nobel.
Giá trị nhân sinh là một bộ phận cấu thành của truyền thống, văn hoá của một dân tộc, của một quốc gia. Mỗi giá trị nhân sinh là sản phẩm của một giai đoạn lịch sử. Sản phẩm đó tương thích với mỗi thời kỳ của từng quốc gia. Tính độc đáo và bản sắc của hệ thống giá trị nhân sinh không chỉ phản ánh mức độ trưởng thành của chủ nghĩa nhân văn của quốc gia đó mà còn xác định vị thế của quốc gia đó trong quan hệ với các quốc gia khác. Vì vậy, sức nặng của giá trị nhân sinh nhiều khi vượt ra khỏi ý nghĩa nhân sinh để tràn sang những giá trị khác.
Nhìn ra thế giới, vì sao La Mã – một đế quốc hùng cường – lại gục ngã trước Hy Lạp cổ đại. Từ chỗ là kẻ xâm lược trở thành kẻ bị đồng hoá. Sức mạnh của Hy Lạp cổ đại không ở số quân đội, lượng cung tên, giáo mác mà ở giá trị nhân sinh, nền tảng của văn hoá. Đó chính là giá trị tinh thần đã được vật chất hoá trong đời sống. Lịch sử nhân loại cho thấy, có bao nhiêu chế độ chính trị thì sẽ bấy nhiêu quan niệm về ý nghĩa nhân sinh và cũng có bấy nhiêu màu sắc của chủ nghĩa nhân văn. Và trong một nước, ở mỗi giai đoạn lịch sử lại nổi lên một giá trị nhân sinh của mỗi giai tầng trong xã hội có giai cấp. Chẳng hạn, qua những di cảo, di sản của văn hoá cổ đại ở phương Tây cho thấy, khát vọng cao nhất của những người nô lệ là được tự do, được sống như một con người. Như vậy giá trị nhân sinh hay ý nghĩa nhân sinh trong trường hợp này là một.
Trong một xã hội có giai cấp thì ít nhất có hai hệ thống giá trị nhân sinh: một của giai cấp thống trị và một của quần chúng nhân dân lao động. Giá trị nhân sinh là thành tố cơ bản quy định lẽ sống, lối sống của mỗi cá nhân.
Các giá trị nhân sinh không chỉ là những trắc diện của một quốc gia mà nhiều khi còn là chân giá trị của một thời đại. Do vậy, nhiều khi người ta căn cứ vào tính chất của các giá trị nhân sinh mà định tên cho một thời đại. Đó là trường hợp thời kỳ Phục Hưng (Renascence) ở châu Âu thế kỷ XV-XVII. Đây là giai đoạn điển hình cho sự vận động của các giá trị nhân sinh trong lịch sử nhân loại. Với quan niệm đức tin là cao nhất và mọi con đường đều dẫn tới Rome (All roads lead to Rome) nên giá trị thật mà con người hướng tới là không ở trên mặt đất đã dẫn đến những giá trị nhân sinh, chủ nghĩa nhân văn cổ đại Hy Lạp bị vùi lấp trong chế độ phong kiến. Thời kỳ Phục Hưng là thời kỳ khôi phục và làm mới lại những giá trị bị lãng quên đó. Ánh sáng dẫn đường cho những giá trị nhân sinh của thời kỳ này là con người có quyền quyết định số phận của mình. Giá trị của con người là ở cuộc sống đích thực. Ý nghĩa đời sống con người là biểu tượng của thời đại. Giá trị nhân sinh của thời đại đó có thể cảm nhận trực quan qua không chỉ hội hoạ mà còn đi vào những lĩnh vực đòi hỏi tư duy ở trình độ cao như triết học.
Giá trị nhân sinh không phải là một hằng số, vì vậy nó không phải là chân lý. Nói cách khác, giá trị nhân sinh là những chỉ số cơ bản nhất về thực tồn của con người trong không gian, thời gian xác định. Trong không gian, thời gian xác định đó mà nó mang ý nghĩa phổ biến. Do vậy, trong những trường hợp nhất định cái phổ biến (cái chung) đó có thể biến thành giá trị đơn nhất (cái đơn nhất) và ngược lại cái đơn nhất có thể biến thành cái phổ biến).
Mỗi giá trị nhân sinh đều có vòng đời của nó. Trong vòng đời đó, nó thường bị bệnh tự miễn. Tự miễn là nguyên nhân dẫn đến đổi màu giá trị. Sự đổi màu thường theo hai hướng tích cự choặc tiêu cực. Với những giá trị tích cực sự đổi màu là vòng khâu của phủ định để hình thành nên các giá trị trung gian. Với những cái tiêu cực, lỗi thời thì đó là sự sàng lọc của quy luật giá trị. Đó cũng chính là quan điểm của Marx khi đánh giá về vai trò của máy móc trong liên hệ mật thiết với quan hệ sở hữu: “Tất cả những phát minh của chúng ta và tất cả sự tiến bộ của chúng ta tựa hồ như đang dẫn tới chỗ là những lực lượng vật chất thì được ban bố một đời sống tinh thần, còn đời sống của con người vốn đã bị tước mất cái mặt tinh thần rồi thì nay lại bị hạ thấp xuống trình độ những lực lượng vật chất đơn thuần”. Bởi thế tương quan so sánh khác nhau thì sẽ có giá trị khác nhau.
Sự ra đời của quan niệm nhân sinh mới bao giờ cũng là kết quả của một quá trình. Ý nghĩa và phạm vi tác động của nó phụ thuộc vào yếu tố thời đại và mức độ cắm rễ của nó vào đời sống và sự định hướng của nhà cầm quyền sẽ quyết định giá trị của nó. Do vậy, toàn cầu hoá, kinh tế tri thức, cách mạng công nghiệp 4.0, xã hội số, bên cạnh những giá trị tích cực mà nó đem lại cho nhân loại thì sẽ có những hiệu quả ngược bào mòn những giá trị khác. Điều đó cho thấy trước khi trở thành giá trị nhân văn thì bản thân nó phải là giá trị. Vì vậy giá trị nhân sinh là thước đo giá trị của mọi giá trị được hiểu từ lô-gíc đó. Và xét từ góc độ nào thì giá trị nhân sinh cũng là tấm gương phản chiếu dáng dấp của một xã hội. Nói cách khác là một phần của bộ mặt xã hội đó.
Bản sắc giá trị nhân sinh Việt Nam
Giống như các nước trên thế giới, giá trị nhân sinh Việt Nam là sản phẩm tinh tuý của lịch sử Việt Nam. Trong bảng giá giá trị nhân sinh Việt Nam có ba thành tố chủ lực: khát vọng về quyền sống, quyền hạnh phúc và ý chí độc lập và tự cường. Ba thành tố chủ lực đó xoay quanh trục trung tâm “Không có gì quý hơn độc lập tự do” – nội dung quan trọng trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, làm thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam – Giá trị nhân sinh vô đối truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những giá trị nhân sinh ấy là nguyên tắc hoạt động của hệ thống chính trị.
Mỗi giá trị nhân sinh đều có tính độc đáo. Liên kết tính độc đáo làm nên bản sắc của hệ thống giá trị nhân sinh. Đến lượt nó bản sắc của giá trị sẽ quy định bản ngã của một dân tộc và góp phần làm nên sức mạnh của một quốc gia. Vì vậy, giá trị nhân sinh bao giờ cũng là tâm và lực của một quốc gia. Ở nước ta điều ấy, hiện diện trong từng cá nhân thông qua trách nhiệm công dân và mối quan hệ của cá nhân với nhà nước. Ngược lại được thể chế hoá thành luật và các nội dung hoạt động của hệ thống chính trị. Trong đó người dân là giá trị nhân sinh cao nhất. Quần chúng lao động là chủ thể của giá trị nhân sinh.
Bản sắc giá trị nhân sinh Việt Nam có thể mở bất cứ bài viết nào, trang viết nào, tiếp xúc nào của Chủ Tịch Hồ Chí Minh cũng hiện lên rõ mồn một. Vì Người là hiện thân của Đảng, của Chính phủ: “Chính phủ cố gắng làm theo đúng ba chính sách: Dân sinh, Dân quyền và Dân tộc”.” (Phát biểu trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa 09/11/1946); Người cũng khẳng định “Chính sách đối nội của Việt Nam là dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”. Tất cả chỉ hướng về một giá trị đẫn đường là: dân vi quý, dân vi bản và dân (quần chúng nhân dân) là động lực của mọi cuộc cách mạng.
Do vậy, khi đất nước lâm nguy thì “Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”. Người dân Việt Nam sẵn sàng hi sinh, không phải không thiết tha với sinh mệnh của mình, mà ngược lại họ vô cùng trân trọng sự quý giá nhất của một đời người là sự sống. Vì đại nghĩa, vì độc lập dân tộc, họ “quyết không sợ” để “Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.
Khi đất nước gian nan, tính độc đáo của giá trị nhân sinh Việt Nam đó chính là nghĩa đồng bào, tinh thần nhường cơm xẻ áo vượt trên cái lẽ bình thường. Nhiều trung tâm văn hoá trên hành tinh này tự hào về những triết lý cao siêu nhưng với người Việt, triết lý về lẽ sống đơn giản hơn nhiều, đơn giản như chính cuộc đời và chân thật như cây lúa ngoài đồng. Và cách thức đùm bọc nhau trong hoạn nạn thì khó hiện thân ở vùng đất khác trên thế giới Thương người như thể thương thân, Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Như vậy, tính độc đáo và bản sắc của giá trị nhân sinh Việt Nam tượng hình lên từ: cái giản dị nhất, chân thật nhất, cần thiết nhất của hồn Việt. Sự độc đáo và bản sắc của giá trị nhân sinh Việt Nam là gốc rễ của văn hoá, văn minh và sức mạnh Việt Nam.
Giá trị nhân sinh Việt Nam trong lịch sử chưa từng khép kín mà là hệ thống mở. Ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hệ thống đó đã có sự kết nối với những giá trị chân chính của thời đại. Nhìn cách ứng xử của nhà nước Việt Nam với COVID-19 ở trong và ngoài nước sẽ thấy được Chữ Tâm của hệ thống chính trị và giá trị nhân sinh Việt Nam. Những giá trị ấy đã và đang tạo nên cốt cách, bản sắc của dân tộc Việt Nam■
Giống như các nước trên thế giới, giá trị nhân sinh Việt Nam là sản phẩm tinh tuý của lịch sử Việt Nam. Trong bảng giá giá trị nhân sinh Việt Nam có ba thành tố chủ lực: khát vọng về quyền sống, quyền hạnh phúc và ý chí độc lập và tự cường. Ba thành tố chủ lực đó xoay quanh trục trung tâm “Không có gì quý hơn độc lập tự do” – nội dung quan trọng trong Tuyên ngôn độc lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, làm thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam – Giá trị nhân sinh vô đối truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những giá trị nhân sinh ấy là nguyên tắc hoạt động của hệ thống chính trị.
PGS.TS NGUYỄN TIẾN DŨNG*
* GVCC Trường Đại Học Khoa học Huế