Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
27145

Đạo và đời hòa quyền ở nơi có nhiều chùa Khmer nhất Việt Nam! Bài 2

Hiện ở Trà Vinh trên 3200 tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer. Cùng với sư cả, những tu sĩ này có vai trò và ảnh hưởng to lớn đối với đời sống, sinh hoạt của đồng bào Khmer. Tại huyện Trà Cú – cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 50 km có 17 đơn vị cấp xã nhưng có đến 37 ngôi chùa Khmer. 10 năm nay, Đại đức Thạch Sa Vane – Sư cả chùa Long Trường, huyện Trà Cú đã vận động, quyên góp xây dựng 70 căn nhà cho người nghèo. Mỗi căn nhà như vậy trị giá khoảng 50 triệu đồng. Hàng tháng, chùa đều tổ chức thăm hỏi đồng bào phật tử khó khăn.

Ở các ngôi chùa Khmer, sư cả trụ trì không chỉ chăm lo phật pháp mà còn cùng với chính quyền tham gia giải quyết nhiều vụ tranh chấp, khiếu kiện tại địa phương, vận động các cơ sở thờ tự trên địa bàn treo cờ Tổ quốc vào các ngày lễ, Tết, kỷ niệm trọng đại của đất nước. Sư cả cũng vận động thanh niên lên đường nhập ngũ, không tham gia đua xe và các tệ nạn xã hội. Các vị chức sắc phật giáo tham gia tổ cảm hóa giáo dục cộng đồng, hoà giải bất đồng trong đời sống của phật tử, cùng với địa phương vận động đối ứng mặt bằng xây dựng đường giao thông nông thôn, vệ sinh cảnh quan môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới…

Ông Thạch Thanh Hải, năm nay 60 tuổi ở ấp Cầu Tre, xã Long Thới, huyện Tiểu Cần từng có 5 năm làm Phó Bí thư Đảng ủy xã. Dù nay đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn tham gia các công việc chung của ấp, của xã.

“Khi còn làm lãnh đạo, chúng tôi thường nhờ uy tín của các sư trong các cơ sở thờ tự. Ở đây, người ta vẫn thường nói vui “chùa có sư cả, xã có bí thư”. Chúng tôi thường gần gũi họ, thăm nom họ. Các sư cả cũng rất đồng tình, kể cả các chú, các anh trong ban quản trị chùa. Vào những ngày bà con lên chùa, các sư thường tuyên truyền những chủ trương mới của Đảng, Nhà nước để bà con dễ tiếp nhận. Gần đây, dịch bệnh diễn biến phức tạp, chính các sư là người đi đầu tuyên truyền chủ trương tiêm vaccine của Chính phủ”.

Hòa thượng Thạch Oai – Phó Chủ tịch thường trực Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh cho biết: Mỗi năm, chính quyền đều có sự hỗ trợ kinh phí cho các chùa. Đối với việc trùng tu, sửa chữa, ngoài kinh phí do các phật tử đóng góp, Nhà nước ưu tiên cấp kinh phí cho các chùa có thành tích trong đấu tranh giải phóng dân tộc, chùa có đông đồng bào khó khăn. Mỗi chùa được hỗ trợ kinh phí từ 100-200 triệu đồng. Cá biệt, có những chùa gặp sự cố sạt lở bờ kè, Nhà nước hỗ trợ cả tỷ đồng để khắc phục.

“Sinh hoạt tôn giáo không có gì bị cản trở cả, được chính quyền địa phương rất quan tâm. Các lễ hội lớn của người Khmer như Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, Lễ Sen Đôlta, Ok – Om – Bok, chúng tôi được chính quyền đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông, được hỗ trợ kinh phí tổ chức …Đó chính là tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Có vấn đề gì khúc mắc thì chúng tôi trao đổi để giải quyết ngay. Chính quyền chỉ yêu cầu hoạt động trong khuôn khổ pháp luật” – Hòa thượng Thạch Oai cho hay.

Thượng tọa Thạch Út, Trụ trì chùa Ô Chhúc (ấp Ngãi Hòa, xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần) cho biết, trên địa bàn huyện cũng từng xử lý một số trường hợp sư sãi và các phật tử trẻ thông qua mạng xã hội để tuyên truyền những nội dung gây chia rẽ dân tôc, chia rẽ tôn giáo. Với những người như vậy, ông thường gặp gỡ, tiếp xúc, giảng giải cho họ về lịch sử vùng đất Nam bộ, góp phần ổn định đời sống tín ngưỡng tôn giáo.

“Tôi sống ngần này tuổi đầu, trực tiếp nghe kể và tự mình trải nghiệm. Từ thời kháng chiến chống Pháp cho đến thời chống Mỹ, người ta vẫn thường lợi dụng tôn giáo để chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo. Và thời nay cũng vậy. Tuy nhiên, những kẻ rắp tâm làm điều đó thường ở nước ngoài, tác động vào sư sãi và các phật tử trẻ trong nước. Tôi nói với họ về những trải nghiệm của mình, nhất là từ khi đất nước giải phóng, thống nhất một nhà, giúp họ có những nhận thức đúng đắn”.

Các ngôi chùa ở Khmer ở Trà Vinh có lịch sử lâu đời, chùa sớm nhất hiện diện ở đây từ thế kỷ thứ 4. Nhiều chùa từng là di tích cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Hầu hết chùa Khmer ở đây đều có diện tích rộng lớn. Không chỉ được sửa chữa, trùng tu, nhiều ngôi chùa còn được xây mới như 2 chùa được xây mới hoàn toàn là chùa Ô Tà Pậu, xã Đa Lộc và chùa Ô Kà Đa, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành.

Đến ĐBSCL, đến Trà Vinh, nhất định phải đi thăm các ngôi chùa Khmer bởi đó là nơi lắng đọng những giá trị văn hóa, kết tinh đời sống tinh thần của người Khmer. Chính sự hiện diện của các ngôi chùa Khmer tạo nên sự đa dạng về bản sắc văn hóa của 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S. Chăm lo đời sống vật chất, đời sống tinh thần, bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo chính là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *