Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
16852

Những tác động tiêu cực của thị trường dầu lửa đối với nền kinh tế thế giới

Hiếm khi lịch sử ngành dầu lửa thế giới lại chứng kiến những biến động đầy bất ngờ như những tháng đầu năm 2020. Đại dịch COVID-19 khiến thị trường dầu lửa không mấy tốt đẹp. Việc Ả-rập Xê-út phát động cuộc chiến giá dầu khi bất đồng với Nga trong việc hợp tác cắt giảm sản lượng, càng làm cho tình hình thêm căng thẳng. Đối với kinh tế thế giới, giá dầu như hiện nay sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng và việc làm trong các nền kinh tế xuất khẩu dầu lửa, mức tác động tùy thuộc vào tầm quan trọng của dầu trong nền kinh tế, quy mô quỹ tài sản quốc gia và mức giá hòa vốn ngân sách của mỗi nước. Nguy cơ bất ổn trong các nền kinh tế xuất khẩu dầu lửa cũng tăng lên.

Những yếu tố bất ổn dồn dập đầu năm

Đầu năm 2020 giá dầu vẫn khá cao ở mức trên 63 đô-la/thùng vào ngày 06/01/2020. Tuy nhiên, sau đó sự bùng phát ngày càng trầm trọng đại dịch COVID 19 đã khiến cầu dầu lửa trên toàn cầu sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử khi gần như toàn bộ nền kinh tế toàn cầu phải ngừng lại đột ngột. Ngày 15/01, tổ chức Năng lượng thế giới (IEA) dự báo mức dư cung dầu toàn cầu tăng mạnh, nếu không có sự cắt giảm sản lượng thì sẽ có sự sụp đổ của giá dầu trong năm 2020.

Để tránh giá dầu sụp đổ, ngày 06/3/2020, Ả-rập Xê-út – nước đứng đầu OPEC đã đề nghị Nga tiếp tục kéo dài sự hợp tác trước đó từ năm 2016. Theo đó, hai bên kéo dài bản thoản thuận 2016, đáng lẽ sẽ hết hạn vào ngày 01/4/2020, đồng thời đề nghị Nga cùng tăng thêm lượng cắt giảm nhằm ngăn sự sụp đổ của giá dầu. Tuy nhiên, Nga không chấp thuận vì cho rằng mục tiêu của bản thỏa thuận từ năm 2016 còn nhắm đến việc triệt thoái các công ty dầu phiến sét của Mỹ. Nhưng mục tiêu này không đạt được, trong khi cắt giảm thêm nữa sẽ khiến Nga gặp khó khăn về ngân sách, đồng thời bị thu hẹp thị phần.

Vàng đen ế ẩm nhất lịch sử vì COVID-19 - Ảnh 1.

Đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến giá dầu thời gian qua

Từ sự bất đồng với Nga dẫn đến việc Ả-rập Xê-út bơm dầu ồ ạt nhằm gây áp lực với Nga và cả các nước xuất khẩu dầu khác trên thế giới, đặc biệt, đồng thời gây được áp lực lớn lên các công ty dầu phiến sét của Mỹ. Ả-rập Xê-út là quốc gia có trữ lượng và sản lượng dầu hàng đầu của OPEC. Đặc biệt, sức chịu đựng của ngành dầu lửa nước này là rất cao vì có chi phí sản xuất rất thấp. Chi phí sản xuất một thùng dầu của nước này ở mức 9,9 USD/thùng, chỉ cao hơn mức thấp nhất thế giới của Cô-oét là 8,5 USD/thùng, trong khi của Nga là 17,2 USD/thùng, của Mỹ là 36,2 USD/thùng (giá năm 2017). Hành động chiến tranh giá dầu này của Ả-rập Xê-út đã khiến giá dầu, vốn đang giảm mạnh do đại dịch COVID 19, rơi tự do. Ngày 05/3/2020 là ngày trước cuộc đàm phán giữa Ả-rập Xê-út và Nga, giá dầu 46 USD/thùng đã giảm mạnh liên tục xuống còn 18 USD/thùng vào ngày 17/4/2020 (giảm gần 61% trong vòng 40 ngày). Ngày 20/4, lần đầu trong lịch sử 160 năm của thị trường dầu lửa thế giới giá dầu thô WTI rơi xuống mức âm 37 USD/thùng. Lúc này, việc tìm kiếm chỗ chứa sẽ khiến người bán tốn kém hơn nhiều so với việc giảm giá cho tới khi có người mua, khiến giá sụt xuống mức âm vì giá dầu không có mức sàn. Nghĩa là, người bán đã cho người mua tiền để họ tự đi tìm chỗ chứa.

Sau khi giao dịch này được thực hiện, giá dầu ngay lập tức trở lại với cân bằng cung cầu hiện tại trên thị trường. Như vậy, hiện tượng giá dầu âm chỉ là hiện tượng ngẫu nhiên do có sự trùng hợp hi hữu về mặt kỹ thuật của thị trường mà thôi, nó không có hiệu ứng lâu dài và không phản ánh khuynh hướng nào của thị trường dầu lửa thế giới. Tuy nhiên, cùng với đại dịch COVID-19 và chiến tranh giá dầu mà Ả-rập Xê-út phát động, nó đã góp phần không nhỏ tạo ra những biến động tồi tệ trên thị trường dầu lửa thế giới nửa đầu năm 2020. Và khi nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa thể thoát khỏi đại dịch COVID 19 thì giá dầu nhiều khả năng chỉ nằm trong khoảng từ 30 đến 50 USD/thùng đến hết 2020, thậm chí sang năm 2021.

Nguy cơ bất ổn xã hội ở các nước xuất khẩu dầu lửa

Giá dầu trong khoảng nói trên được xem là giá dầu thấp khi so với mức trên 80 USD/thùng trở lên. Các nghiên cứu cho thấy, giá dầu vượt trên 80 USD/thùng gây nhiều tiêu cực đến kinh tế toàn cầu vì chi phí sản xuất cao; trong khi đó, giá dầu trong khoảng như dự báo ở trên được xem là thấp khi nó gây nhiều tác động và có thể tạo nhiều thay đổi không mong muốn ở các nước xuất khẩu dầu lửa.

Mức tác động tùy thuộc vào tầm quan trọng của dầu lửa trong nền kinh tế của mỗi nước. Chẳng hạn, xuất khẩu dầu của Ả-rập Xê-út chiếm 35% GDP, trong khi Mexico chỉ là 3,4%; và người ta ước tính nếu giá dầu giảm 60% thì GDP của Ả-rập Xê-út giảm 14,3% trong khi Mexico chỉ giảm 3,5% GDP.

Ở những nước có nền kinh tế ít lệ thuộc vào dầu lửa cũng bị tác động tiêu cực khi các công ty phải đóng cửa, sa thải lao động, sức mua trong xã hội giảm xuống, tăng trưởng do đó bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, Mỹ và Canada có tới 10 triệu việc làm trong ngành dầu lửa, chiếm 6% lực lượng lao động. Thu nhập trung bình của nhóm lao động này lên tới 102.000 USD/năm/người. Nghĩa là sự thất nghiệp của nhóm việc làm này sẽ góp phần không nhỏ trong việc giảm tiêu dùng cá nhân ở Mỹ và Canada, điều này gây tổn hại đến tăng trưởng GDP vì tiêu dùng cá nhân ở Mỹ và Canada có vai trò hết sức quan trọng đối với tăng trưởng (chiếm tới 72% GDP). Giá dầu thấp làm giảm việc làm và thu nhập (nguồn tiêu dùng) của nhóm dân cư quan trọng này.

Giá hòa vốn ngân sách – là giá cần thiết để cân bằng ngân sách của một nước – có vai trò quan trọng đối với các nước xuất khẩu dầu lửa. Giá dầu thấp đe dọa sự ổn định kinh tế và chi ngân sách.  Đặc biệt các nền kinh tế dễ bị tổn thương như Venezuela có ngân sách gần như lệ thuộc vào thu từ dầu lửa có thể rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị và thiếu nguồn cung các hàng hóa thiết yếu cho xã hội.

Các nước xuất khẩu dầu lửa có mức giá hòa vốn ngân sách cao như Nigeria là 144 USD/thùng, Algerie là 109, Liberia là 100, Ả-rập Xê-út là 91, Oman là 82… là những nước chịu nhiều sức ép về thu và chi ngân sách khi giá dầu ở mức thấp như hiện nay.

Để chống lại tác động tiêu cực này, các nước xuất khẩu dầu lửa thường lập một quỹ gọi là quỹ tài sản quốc gia. Nguồn cho quỹ này chủ yếu lấy từ một phần nguồn thu khi giá dầu cao. Qui mô của quỹ tài sản quốc gia có ý nghĩa phòng vệ quan trọng đối với các quốc gia mà nền kinh tế, ngân sách lệ thuộc vào nguồn thu từ dầu lửa. Quốc gia nào có quỹ qui mô nhỏ sẽ dễ bị tổn thương hơn vì họ không có nguồn dự phòng bổ sung cho chi ngân sách khi giá dầu thấp dưới mức hòa vốn ngân sách.  Do đó, việc cắt giảm chi tiêu ngân sách cho các chương trình xã hội là khó tránh khỏi, điều này lại gây nguy cơ bất ổn xã hội tăng ở những nước dễ bị tổn thương.

Có thể thấy như trường hợp Ả-rập Xê-út được cho là có qui mô quỹ tài sản quốc gia rất lớn lên đến 500 tỷ USD, nhưng hồi tháng 3/2020 chính phủ nước này cũng đã phải đề nghị các cơ quan nhà nước cắt giảm 30% chi tiêu. Nga cũng có quỹ tài sản quốc gia khá lớn ở mức 124 tỷ USD được cho là tạm ổn trong bối cảnh giá dầu ở mức 30 USD/thùng có thể kéo dài trong vòng 10 năm. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác không có quỹ tài sản quốc gia đủ mạnh sẽ lâm vào tình trạng khó khăn về ngân sách, từ đó lại phải đối mặt với một số vấn đề chính trị, xã hội khác.

Công nhân Mỹ đang làm việc tại một mỏ dầu đá phiến. Ảnh: Bloomberg

Nhiều công nhân mất việc làm vì giá dầu giảm

Các nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên hệ giữa giá dầu và tình trạng xung đột bạo lực tại các nước và vùng lãnh thổ có nền kinh tế dựa vào dầu lửa. Thứ nhất, khi giá dầu tăng cao cho thấy dầu là một nguồn lợi to lớn nên động cơ tranh giành nguồn lợi này tăng lên giữa các phe phái chính trị, xã hội, kinh tế. Ai cũng muốn mình có quyền lực trong việc kiểm soát và thu lợi từ dầu lửa, do đó nguy cơ xung đột tăng lên. Thứ hai, chính vì nguồn thu lớn vì giá dầu cao lại đem lại nguồn tài trợ lớn cho mua sắm vũ khí và các phương tiện chiến tranh khiến xung đột bạo lực càng leo thang. Thứ ba, các thế lực bên ngoài cũng có động cơ kiểm soát và thu lợi từ dầu lửa đã tham dự vào các xung đột bên trong khiến tình hình càng tồi tệ. Kết quả, tình trạng xung đột bạo lực có xu hướng tăng cao khi giá dầu tăng cao và ngược lại.

Dù thị trường dầu lửa đã ổn định sau vụ giá dầu âm và nhờ sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch thì dự báo giá dầu vẫn chỉ nằm trong khoảng từ 30 đến 50 USD/thùng đến hết năm và có thể còn xa hơn nữa. Mức giá dầu như dự báo ở trên được xem là mức giá thấp. Mức giá này có nhiều tác động đến kinh tế, chính trị, xã hội trên thế giới, đặc biệt là đối với các nền kinh tế lệ thuộc vào xuất khẩu dầu lửa. Tuy nhiên, nguy cơ xung đột vũ trang ở các vùng dầu lưa có khuynh hướng giảm xuống vì người ta thấy dầu không còn là nguồn lợi lớn, đồng thời chi tiêu cho xung đột bạo lực nhằm tranh giành nguồn lợi này cũng giảm xuống vì không có nguồn tài chính do giá dầu thấp.

 

 

 

 

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *