Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
66048

Vì sao chủ đề “tin giả” trở thành “hót trend”?

 

Chưa bao giờ báo chí Việt Nam cùng truyền thông “lề dân” trên mạng xã hội lại cùng gặp nhau ở chủ đề nóng bỏng tin giả chiếm ưu thế về số lượng và người quan tâm đến vậy. Cũng chưa bao giờ sự ủng hộ của xã hội đối với việc xử lý nghiêm, xử lý mạnh tay, thậm chí áp dụng kịch khung chế tài hình sự lại áp đảo trên mọi diễn đàn người dân khi phản ứng về tin giả đến vậy.

Nguyên nhân, ai cũng rõ, cùng với đại dịch CoVid-19 thì tin giả bùng phát ăn theo khi mà sự hoang mang, lo lắng của người dân lên cao thì tâm lý, tinh thần của họ trở nên nhạy cảm, mong manh và dễ bị tin giả “hạ gục” nhất.

Thống kê của Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm; trung tâm này nhận được hơn 1.100 lượt báo cáo tin giả, với tổng số tiền phạt hành chính là 177 triệu đồng. Trong đó, những thông tin chủ yếu bị xử lý là tin giả liên quan đến Covid-19. Lý giải của Trung tâm này là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, người dân buộc phải giãn cách xã hội, thời gian ở nhà quá nhiều, ảnh hưởng đến tâm lý. Để giải khuây, người dùng kết nối, tương tác trên mạng xã hội nhiều hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khối lượng thông tin được chia sẻ gia tăng.

Có bài báo mô tả hình thức của “virus tin giả” và cơ chế gây ảnh hưởng rất “sinh động”, như trong lúc cao điểm chống dịch ở TP Hồ Chí Minh thì trên YouTube phát tán một số clip lồng ghép về sự chết chóc do dịch bệnh ở Ấn Độ, Indonesia, Malaysia gây cảnh rùng rợn, thậm chí còn bình luận như là xảy ra trong nước. Dạng tin như thế hầu như xuất hiện trên mạng xã hội ở nhiều địa phương mục đích để câu view, câu like. Có những bài viết “vay mượn” ý tưởng tác giả khác, rồi “xào xáo” giật tít giật gân làm tăng tỉ lệ tương tác, like với mục đích xấu. Có người lấy bài viết từ trang Website khác “dán” vào trang của mình mà không dẫn nguồn, tạo tin giả hưởng lợi bất chính… Trào lưu ấy tạo ra “cơn bão” thông tin xấu độc, tràn lan, lẫn lộn thật giả. Thông tin sai trái, lệch lạc nghiêm trọng ấy, vô tình thu hút sự chú ý khá đông đảo người quan tâm, chia sẻ, từ “bán tín bán nghi” đến tưởng là sự thật. Loại thông tin xấu độc ấy, có thể coi là một thứ “vi-rút truyền thông” phát tán vào đời sống xã hội không kém gì đại dịch Covid-19 đang làm tổn hại sức khỏe, đe dọa tính mạng người dân. Cùng với việc đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19, thì “mặt trận” mạng xã hội cũng đang phải đối mặt với hàng loạt tin giả, tin sai sự thật trên Zalo, Facebook, YouTube,… gây hoảng hốt, lo sợ trong Nhân dân.

Báo QĐND mới đây mô tả các “cấp độ” và “biến chủng” của tin giả từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát tại TP Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam, cuối tháng 5-2021 đến nay.

“Cấp độ đầu tiên, đó là những tin giả liên quan đến đời sống kinh tế-xã hội (KT-XH). Đối tượng tung tin giả nhằm mục đích gây hỗn loạn thị trường, gây bất ổn đời sống nhân dân. Ngay trước thời điểm TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, đời sống xã hội ngay lập tức xuất hiện tin giả, lan truyền về việc thị trường sẽ khan hiếm hàng hóa, giá cả sẽ tăng đột biến. Thông tin thất thiệt này đã lừa được một bộ phận người dân. Nhiều người đổ xô đi mua hàng dự trữ, gây sốt giá cục bộ. Khi TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, cách ly xã hội toàn thành phố, những tin giả tương tự tiếp tục xuất hiện. Để dẫn dụ niềm tin của công chúng, đối tượng tung tin giả đã tinh vi thực hiện cách đưa tin và truyền tin theo kiểu tin từ “nội bộ cơ quan nhà nước”, giả mà như thật. Thêm một lần nữa, một bộ phận công chúng lại sa bẫy…

Tuy nhiên, những tin giả dạng này đã được chặn đứng kịp thời. Cơ quan chức năng ngay lập tức lên tiếng bác bỏ, nên hậu quả đối với đời sống xã hội là không đáng kể. Hiện thực đời sống KT-XH, trọng tâm là thị trường hàng hóa và hệ thống chuỗi cung ứng đến tận tay người tiêu dùng chính là bằng chứng sinh động, thuyết phục nhất chặn đứng sự lây lan, ảnh hưởng của những tin giả nói trên.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, số ca nhiễm ở tâm dịch TP Hồ Chí Minh tăng lên từ 3 đến 4 con số mỗi ngày, các đối tượng tung tin giả lập tức tăng cấp độ như một “biến chủng” mới. Chúng chuyển hướng nhắm vào nỗi lo lắng, sợ hãi, bất an của người dân bằng thủ đoạn “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Những hình ảnh về cái gọi là “xác người chết vì Covid-19 chất đầy trong phòng” hay “người dân tự thiêu để phản đối công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Thủ Đức”, “chống dịch hay chống dân”… gây cảm giác rùng rợn đối với người xem. Và cũng như trước đó, cơ quan chức năng đã nhanh chóng tìm ra sự thật, kịp thời lên tiếng bác bỏ, ổn định tình hình.

Số lượng tin giả xuất hiện trên không gian mạng trong giai đoạn cả nước đang căng sức chống đại dịch Covid-19 là không hề nhỏ. Bên cạnh những tin giả do một số đối tượng thực hiện nhằm mục đích vụ lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đa số những dạng tin giả phát triển theo những “biến chủng” như trên đều có yếu tố nước ngoài. Khi nguồn tin giả được tán phát từ máy chủ đặt ở nước ngoài, hoặc của người dùng MXH hải ngoại, cơ quan chức năng chỉ xác định tính thực-hư của thông tin, rất khó để điều tra xử lý đối tượng tung tin giả. Đối với dạng tin giả do một số đối tượng cực đoan, chống đối trong nước thực hiện, dưới sự điều khiển, cấu kết của các thế lực bên ngoài, cơ quan chức năng đã kịp thời điều tra, xử lý nghiêm minh. Đơn cử, đối tượng Phan Vũ Điệp Anh, sinh năm 1961, ngụ tại phường 19, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, vừa bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Bình Thạnh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam hai tháng để điều tra theo Điều 331 Bộ luật Hình sự. Phan Vũ Điệp Anh chính là đối tượng tung tin giả về vụ “người dân tự thiêu để phản đối chính sách của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống Covid-19”. Kết quả điều tra bước đầu của cơ quan chức năng cho thấy, Phan Vũ Điệp Anh là đối tượng thường xuyên có hành vi viết bài, tán phát các thông tin có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước lên MXH…”

Bài báo cho rằng, các loại tin giả đều mang nội dung, thông điệp xấu độc, nhưng cấp độ và biến chủng nguy hiểm nhất của tin giả là khi nhiều phương tiện truyền thông phát tiếng Việt ở hải ngoại và hàng loạt tài khoản MXH từ nước ngoài đã thực hiện chiến dịch truyền thông rầm rộ, thể hiện rõ âm mưu, chiến lược chống phá, làm mất niềm tin của nhân dân đối với chủ trương, quyết sách chống dịch của Đảng và Chính phủ. Đáng chú ý là những thông tin có nguồn từ các video clip của những người cách ly, người dân trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa… có nội dung tiêu cực, đã được truyền thông phản động triệt để khai thác. Chúng coi đây là những chất liệu, bằng chứng để lợi dụng kích động, xuyên tạc, thổi phồng hiện tượng, quy chụp bản chất, phủ nhận sạch trơn vai trò lãnh đạo của Đảng trong lãnh đạo toàn dân chống dịch.

Thực tế cho thấy, khi một bài viết hay video nào đó chứa nội dung tiêu cực xuất hiện trên MXH trong nước là ngay lập tức nhiều phương tiện truyền thông phát tiếng Việt ở hải ngoại và đồng loạt các trang MXH thiếu thiện chí với Việt Nam ở nước ngoài lấy đó làm đề tài để cắt ghép, xuyên tạc, chống phá. Điều này dễ hiểu, bởi hầu hết các đối tượng phản động, các thế lực thù địch trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài không thể tự mình có được nguồn tin. Họ phải sống “tầm gửi”, “ký sinh” vào những thông tin tiêu cực trong nước. Chính vì vậy, những bài viết, video clip có nội dung tiêu cực, sản phẩm của trò lố câu view trên MXH chính là môi trường để các thế lực thù địch lợi dụng. Không ít đối tượng, ban đầu chỉ thực hiện những hành vi vô ý thức, thích thể hiện bản thân, muốn câu like, câu view trên MXH, đã bị các thế lực phản động từ hải ngoại lôi kéo, trở thành con rối cho chúng giật dây. Được các thế lực phản động phong cho những cái danh ảo như: “Nhà nghiên cứu”, “nhà dân chủ”, “nhà hoạt động”, “nhà bất đồng chính kiến”, “nhà phản biện”… nhiều đối tượng đã lóa mắt, mê muội, dấn sâu vào các hành động phản nước, hại dân.

Từ đó nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu, đa dạng hóa các loại “vắc xin ngừa tin giả” căn cứ vào các cấp độ nguy hiểm của tin giả. Mong rằng, cùng với quyết tâm chống tin giả của chính quyền thì hơn hết, mỗi người dân tự trang bị cho mình “năng lực miễn dịch” với tin giả mới là nhân tố quyết định thành bại của cuộc chiến với “virus tin giả” này.

Khánh Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *