Cùng với những tính năng, lợi ích do livestream mang lại, không ít người đã lợi dụng hình thức này để miệt thị, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, trong đó có những livestream của nhân vật có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội. Điều này đặt ra yêu cầu quản lý chặt chẽ hơn về pháp luật, đồng thời cảnh báo về mặt đạo đức xã hội.
Đưa nội dung như thế nào lên livestream để đảm bảo đúng luật định?
Thực chất, đây là một trong những tính năng hỗ trợ bán hàng online trên Facebook rất hiệu quả; cho phép người dùng phát trực tiếp video lên Facebook tới bạn bè, khách hàng. Nhiều người cũng sử dụng hình thức này để quảng bá sản phẩm hay lưu lại hình ảnh của cá nhân, tập thể. Tuy nhiên, việc lợi dụng hình thức livestream với các mục đích khác nhau để đưa lên sóng các video có nội dung vi phạm pháp luật, vi phạm chuẩn mực đạo đức đang là vấn đề nhức nhối hiện nay. Gần đây, cơn sốt livestream lại chuyển hướng sang các video có nội dung nhắm vào đời tư, nhân thân của các nghệ sĩ, người nổi tiếng, điển hình là livestream của bà Nguyễn Phương Hằng. Để tăng độ nóng cho các buổi livestream của mình, bà Phương Hằng đã sử dụng hình thức diễn thuyết, bằng tài ăn nói, lập luận với một số tài liệu mà bà cho là “căn cứ tố cáo tiêu cực” nhắm vào một số nghệ sĩ nổi tiếng. Chính sự nổi tiếng của những nghệ sĩ này mà khi có thông tin tố cáo tiêu cực trên mạng xã hội đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm, cao điểm như livestream của bà Phương Hằng hồi cuối tháng 5/2021 thu hút hơn nửa triệu người xem cùng lúc, lập kỷ lục lượt người xem livestream trên mạng xã hội.
Lượt người xem tỷ lệ thuận với sự ảnh hưởng của video mà họ chia sẻ. Khi livestream chứa nội dung tiêu cực, chưa được kiểm chứng thì mức độ lan truyền, ảnh hưởng trong đời sống xã hội là không thể đong đếm. Livestream bà Phương Hằng tố cáo nghệ sĩ Hoài Linh cùng một số nhân vật hôm 25/5/2021 đã thu hút lượng người xem rất lớn, những nội dung chia sẻ trong video được người dùng mạng và cả người không dùng mạng biết tới. Từ đây đặt ra vấn đề livestream và đưa nội dung như thế nào lên livestream để đảm bảo đúng luật định, không bước qua “lằn ranh” pháp luật cấm?
Đâu là nguyên nhân?
Nguyên nhân “bùng nổ” livestream xuất phát từ nhận thức của người dùng về mạng xã hội. Khi có một ứng dụng mạng xã hội, hầu như mọi người chỉ chú ý tác dụng mà không để ý đến tác hại của nó. Nhiều người vẫn cho rằng trang mạng xã hội cá nhân của mình như Youtube, Facebook, Instagram, Zalo… là của riêng mình nên mọi tâm tư tình cảm, thậm chí là bực bội, uất ức để trút bỏ lên đấy để giải tỏa, thậm chí coi đây là kênh hữu hiệu để tố cáo, xúc phạm người khác và thể hiện “bản lĩnh” cá nhân.
Bên cạnh đó, một số người khai thác giá trị của mạng xã hội để phục vụ cho lợi ích của mình mà không chú ý đến tác động tiêu cực đến xã hội, chỉ đến khi bị cơ quan có thẩm quyền xử lý họ mới nhận ra đó là vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, một phần nguyên nhân cũng xuất phát từ các cơ quan quản lý. Khi cho phép một ứng dụng mạng xã hội nào đó được phép hoạt động cần nghiên cứu để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân để họ hiểu được bản chất của mạng xã hội và xác định các tác hại có thể gây ra cho an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đồng thời chỉ rõ những hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng để mọi người tránh.
Cùng với đó, do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ nên việc phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trên mạng xã hội còn những khó khăn dẫn đến nhiều người có hành vi vi phạm nhưng không bị xử lý, tạo cảm giác an toàn cho một số người khi thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội…