Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
34064

Mỹ thất bại trước Trung Quốc trong vấn đề Myanmar

Trung tuần tháng 3, Bộ Ngoại giao Mỹ công khai lên tiếng bày tỏ ý muốn Trung Quốc đóng một vai trò mang tính xây dựng trong công việc quyết định tình hình bất ổn ở Myanmar. Theo các nhà phân tích, động thái này của Washington có vẻ ngầm thừa nhận Bắc Kinh đang có lợi thế trên “chiến trường Myanmar”.

Trước đó, trong phản ứng mới nhất của chính quyền Biden sau vụ đảo chính quân sự tại Myanmar, Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ Myanmar và hai tập đoàn chủ chốt do quân đội điều hành gồm Tổng công ty Kinh tế Myanmar (MEC) và Myanmar Economic Holding (MEHL) vào danh sách đen. Động thái này hạn chế việc xuất khẩu và tái xuất khẩu các mặt hàng tuân theo Quy chế quản lý xuất khẩu cho Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ Myanmar. Bộ Thương mại Mỹ cũng lưu ý rằng họ đã chuyển Myanmar vào “Nhóm quốc gia D:1”, trong đó đặt ra các hạn chế bổ sung đối với xuất khẩu sang quốc gia Đông Nam Á này, đặc biệt nhấn mạnh đến hạn chế xuất khẩu với các bên có yếu tố liên quan đến quân sự.

Giới quan sát nhận định, những hành động cứng rắn của Mỹ thời gian qua càng khiến khoảng cách trong quan hệ giữa hai nước bị đẩy xa. Trong khi đó, nhà bình luận người Hong Kong Chip Tsao chỉ rõ, ưu tiên chiến lược của Trung Quốc sau Biển Đông là Ấn Độ Dương và Myanmar. Thực tế, Trung Quốc đã lợi dụng sự cô lập về chính trị của Myanmar và các lệnh trừng phạt kinh tế do các nước khác áp đặt sau cuộc nổi dậy dân chủ ngày 8-8-1988 và việc chính phủ từ chối kết quả tổng tuyển cử năm 1990 để tạo ra ảnh hưởng của mình. Trong khi Mỹ và các đồng minh phương Tây chỉ trích quân đội Myanmar vì sự cai trị độc đoán, thì Trung Quốc lại ủng hộ nhà nước này, đảm bảo với các nhà cầm quyền quân đội về sự hỗ trợ của họ trong việc giảm leo thang căng thẳng sắc tộc trên biên giới Trung-Myanmar và duy trì hòa bình, ổn định.

Cảnh sát Myanmar đuổi bắt những người biểu tình trên đường phống Yangon

“Trung Quốc không cần phải cạnh tranh sức mạnh mềm hay tiến hành một cuộc khẩu chiến với phương Tây về vấn đề Myanmar. Họ chỉ cần có được quyền kiểm soát và ảnh hưởng về vật chất và kinh tế. Sau khi Trung Quốc bơm thêm vốn và mối liên hệ giữa kinh tế và chính trị trở nên chặt chẽ hơn bao giờ hết, quân đội và các đảng đối lập của Myanmar chỉ có thể phỏng đoán rằng Trung Quốc (với tư cách đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar) sẽ tiếp tục khẳng định ảnh hưởng của mình đối với Myanmar, hoặc thậm chí sẽ can thiệp vào tình hình chính trị của nước này”, mạng ThinkChina.sg phân tích và chỉ rõ, về kinh tế, Bắc Kinh đã bắt tay vào kế hoạch xây dựng Hành lang kinh tế Trung Quốc-Myanmar (CMEC) kéo dài từ Côn Minh, Vân Nam, đi qua Myanmar thông qua Mandalay, thành phố lớn thứ hai ở miền Trung Myanmar, tới cảng nước sâu ở Kyaukpyu bên bờ vịnh Bengal. Hành lang này bao gồm các tuyến đường sắt, các đường ống dẫn dầu khí và là một thành phần quan trọng trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar và thương mại của nước này với Myanmar chiếm tới 1/3 tổng kim ngạch ngoại thương của Myanmar. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tham gia các mạng viễn thông của Myanmar và tham gia thiết kế thành phố Yangon mới. Một khi thành công, không chỉ 5G, Douyin và Alipay sẽ thống trị thị trường tư nhân ở Myanmar và tạo điều kiện cho việc tiếp cận nhiều dữ liệu hơn, mà trên mặt trận quân sự, toàn bộ Ấn Độ Dương cũng có thể bị giám sát. Nghĩa là Trung Quốc đã vượt xa các cường quốc khác trong việc can dự với Myanmar. Và mặc dù Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố chiến lược “tái cân bằng sang châu Á-Thái Bình Dương” vào tháng 11-2011, nhưng những lời nói đó đều không đi đôi với việc làm, khiến Mỹ tụt hậu xa so với những bước tiến chóng vánh của Trung Quốc vào Myanmar.

“Trên chiến trường mang tên Myanmar, Trung Quốc đã thắng nhiều hơn một hiệp. Dựa trên tình hình hiện nay, trong bối cảnh những xáo động xung quanh việc ông Joe Biden nhậm chức và diễn biến đột ngột ở Myanmar, nếu Tổng thống Biden vẫn ghi nhớ chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” của Barack Obama và nhớ lại những gì người tiền nhiệm đã nói cũng như những gì Chính phủ Mỹ đã làm trên thực tế, ông có thể sẽ buộc phải đối mặt với thực tế và từ bỏ Myanmar – giống như cách Mỹ từ bỏ Campuchia – và để cho Trung Quốc tiếp quản. Trên thực tế, ngoài việc thuyết phục được EU và Nhật Bản tạo nên cái được gọi là một tiếng nói phản đối chung chỉ trích cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar là sự thụt lùi về dân chủ, thì ông Biden đã không thể làm thêm được gì nhiều”, mạng ThinkChina.sg lập luận.

S.Thương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *