Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
58240

Thách thức và cơ hội Kỳ 1: Vượt sóng 2020


Năm 2020 cộng đồng quốc tế thực sự đã và đang trải qua một năm có nhiều thách thức lớn, biến động nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế đi đôi với căng thẳng thương mại giữa một số nền kinh tế lớn; chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bảo hộ trỗi dậy cùng với xung đột tôn giáo, khủng bố quốc tế, chiến tranh cục bộ, tranh chấp chủ quyền, tài nguyên tiếp tục diễn ra gay gắt hơn gây phức tạp tại nhiều khu vực, nhiều nước.

Nhiều vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và an ninh phi truyền thống như lương thực, năng lượng, nguồn nước, tài chính, không gian mạng, diễn biến nghiêm trọng. Tất cả những biến động, xung đột, cạnh tranh ấy đã ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trên phạm vi toàn cầu, đến việc thụ hưởng các quyền và tự do cơ bản của mọi người, đặc biệt là đối với những nhóm xã hội dễ bị tổn thương.

Bất chấp lời kêu gọi khẩn cấp vào tháng 3 năm nay của Tổng thư ký Liên Hợp quốc về ngừng bắn trên phạm vi toàn cầu trong thời kỳ đại dịch Covid – 19, các cuộc xung đột vũ trang vẫn diễn ra, sinh mạng của nhiều thường dân vẫn bị tước đoạt phi lý, bị đàn áp, đe dọa và thường xuyên phải đối mặt với bạo lực, với nạn buôn bán  người và nô lệ tình dục. Hàng triệu người đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa gia nhập vào đội quân di cư và tị nạn trên khắp thế giới. Tổ chức Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, số người di cư và tị nạn đã vượt quá mốc 80 triệu,  hơn một nửa số trẻ em di cư trên thế giới không được đi học. Làn sóng di cư để lánh nạn được ghi nhận ở nhiều quốc gia như Syria, Mozambique, Somalia, Cộng hòa Dân chủ Congo hay Yemen. Khu vực Tây Á, việc tranh chấp chủ quyền giữa Armenia và Azerbaijan đối với khu vực Nagorny-Karabakh – một vùng đất nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng đa số cư dân là người gốc Armenia, nên muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Chính điều này đã kích hoạt các cuộc xung đột vũ trang tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, gần đây tái bùng phát dữ dội làm hàng trăm người thiệt mạng, hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Số người tị nạn và di tản trên thế giới đã vượt mốc 80 triệu người vào giữa năm 2020

Đối đầu về ý thức hệ, bất hòa về tôn giáo tiếp tục gây bất ổn cho nhiều nước,  mà nổi lên là nước Pháp với những người theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan; giữa việc bảo vệ giá trị của tự do ngôn luận với niềm tin tôn giáo. 5 năm trước (1/2015) Tạp chí trào phúng Charlie Hebdo đăng bức tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed, gây phẫn nộ trong thế giới Hồi giáo, đã bị tấn công khủng bố; 12 người đã bị giết chết. Vụ việc kinh hoàng ấy, dù đã qua mấy năm hiện vẫn là nỗi ám ảnh đối với người dân nước Pháp, thì một vụ việc rúng động khác, mới đây, một thầy giáo của một trường ngoại ô Paris đã bị chặt đầu vì đã lấy những bức tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed làm học liệu trong một buổi dạy về đạo đức và giáo dục công dân, khi trao đổi về tự do ngôn luận. Chưa hết, cũng trong tháng 10, tạp chí Charlie Hebdo lại cho đăng trên trang bìa bức tranh biếm họa tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ngồi trên ghế bành, mặc áo phông trắng và quần lót, tay cầm đồ uống đóng hộp, bên cạnh là một phụ nữ đội khăn trùm đầu kiểu Hồi giáo. Việc làm này đã thổi bùng lên cuộc cãi vã bảo vệ các giá trị của mỗi bên, làm căng thẳng mối quan hệ giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã không mấy tốt đẹp trở nên tồi tệ hơn. Xem ra câu chuyện chính trị, tôn giáo và ý thức hệ giữa thế giới Phương Tây và thế giới Hồi giáo còn lâu mới đến hồi kết!

An ninh an toàn cho các nhà báo và công cuộc chống tin giả ngày càng được cộng đồng quốc tế quan tâm. Theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (UPJ), năm 2020 có ít nhất 50 nhà báo đã bị sát hại do tác nghiệp tại những khu vực xung đột vũ trang, hoặc tiến hành các cuộc điều tra, phản ánh, bị trả thù. Các nhà báo còn phải đối mặt với hàng loạt mối đe dọa khác như bạo lực, giam giữ tùy tiện, từ chối cấp thị thực, hạn chế đi lại. Liên Hợp quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ các nhà báo tại các khu vực xung đột, “lên án tất cả các vụ tấn công và sát hại các nhà báo”; nhắc lại, “các nhà báo dân sự tham gia tác nghiệp tại những khu vực có xung đột vũ trang, phải được tôn trọng và bảo vệ theo luật nhân đạo quốc tế”; rằng “vai trò cơ bản của các nhà báo trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin đáng tin cậy là điều cần thiết để đạt được hòa bình lâu dài, phát triển bền vững và các quyền con người”.

Trước vấn nạn tin giả (fake news) tràn lan trên các trang mạng xã hội và nhân Ngày Truyền thông thế giới, nhiều quốc gia đã có những động thái cụ thể để tuyên chiến với thông tin giả mạo. Nhiều chính khách, lãnh tụ tôn giáo trong đó có Giáo hoàng Francis đã phát đi thông điệp lên án việc phát tán thông tin giả mạo đánh lạc hướng dư luận, “nhằm phục vụ cho những mục tiêu cụ thể, tác động đến các quyết định chính trị hay phục vụ cho những lợi ích về kinh tế”; đề cao vai trò của các nhà báo, theo ông, báo chí không phải là một nghề mà là một sứ mệnh, kêu gọi nâng cao nhận thức của những người sử dụng mạng truyền thông xã hội trước các thông tin sai sự thật.

Bất ổn an ninh lương thực, sau nhiều thập kỷ giảm, những năm gần đây, đã gia tăng trở lại do nguyên nhân các cuộc xung đột vũ trang, cạnh tranh thương mại, biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan hoành hành dữ dội trong năm 2020, gây bão lũ, lốc xoáy, sạt lở đất đá nghiêm trọng. Nhưng nổi bật, bao trùm lên tất cả là đại dịch Covid -19 đã gây ra một thảm họa về y tế toàn cầu, như một cú bồi thêm làm cho nền kinh tế toàn cầu suy thoái trầm trọng hơn, đe dọa nền an ninh chính trị quốc tế, làm đảo lộn cuộc sống của toàn nhân loại, tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trên toàn thế giới.

Mỹ đứng đầu danh sách tử vong vì Covid 19 nhiều nhất thế giới

Đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế, xung đột vũ trang tiếp tục làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo của hàng triệu người trên thế giới và vấn nạn bạo lực về giới, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em gái và các nhóm xã hội dễ bị tổn thương; làm nghiêm trọng hơn những bất bình đẳng vốn tồn tại trước đó, phơi bày gốc rễ những điểm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, gây khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ và pháp lý, làm gián đoạn các dịch vụ điều trị và phòng ngừa HIV, khiến vô số người gặp nguy hiểm. Tình trạng trẻ em nhiễm HIV/AIDS đang ở mức báo động. Báo cáo mới nhất vừa được UNICEF công bố cho thấy các nỗ lực phòng ngừa và điều trị cho trẻ em vẫn là một trong những nỗ lực yếu nhất trong các nhóm dân số bị ảnh hưởng.

Năm 2020, Liên Hợp quốc kỷ niệm 75 năm ngày thành lập, cũng là năm Việt Nam kỷ niệm 75 năm ngày độc lập. Sau 75 năm tồn tại và phát triển, LHQ đã trở thành tổ chức đa phương toàn cầu lớn nhất hành tinh với sự tham gia của 193 quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam, dựa trên ba trụ cột hoạt động chính: hòa bình và an ninh, phát triển và quyền con người.

Trên lĩnh vực quyền con người, chỉ riêng trong khuôn khổ khóa họp 74 của Đại hội đồng và khóa họp thường kỳ lần thứ 45 Hội đồng Nhân quyền, các nước thành viên đã thảo luận toàn diện các nội dung liên quan đến quyền con người; Đối thoại với chủ tịch các cơ quan công ước về quyền con người, các báo cáo viên đặc biệt về các vấn đề di cư, nhà ở, nước sạch, môi trường sống, chống tra tấn, xóa bỏ bạo lực trẻ em, chống phân biệt đối xử với phụ nữ, thúc đẩy và bảo đảm quyền chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Cao ủy Nhân quyền kêu gọi đoàn kết và hợp tác toàn cầu, đảm bảo quyền tiếp cận vắc xin, bảo hiểm y tế, xã hội và các quyền cơ bản khác đối với tất cả người dân, đồng thời nhấn mạnh bảo vệ quyền con người là then chốt để bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định xã hội và phát triển bền vững cho các nước.

Vì những nỗ lực không mệt mỏi nhằm đảm bảo an ninh lương thực, giảm tình trạng thiếu lương thực và nạn đói trên thế giới, nhất là ở châu Phi và vì những đóng góp cho ổn định và an ninh toàn cầu, cũng như vai trò thúc đẩy các nỗ lực ngăn chặn sử dụng đói nghèo làm vũ khí cho chiến tranh và xung đột, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hợp quốc đã được Ủy ban Giải thưởng Nobel Na Uy  trao giải Nobel Hòa bình 2020. Một sự vinh danh xứng đáng!

Giải Nobel Hòa bình 2020 tri ân WFP trong việc bảo đảm an ninh lương thực

Nhân Ngày Nhân quyền Quốc tế năm 2020, LHQ cùng tất cả các tổ chức và cá nhân trên toàn thế giới đã tổ chức ngày kỷ niệm với chủ đề phản ánh những thách thức và cơ hội đặt ra bởi đại dịch Covid-19, kêu gọi tất cả các quốc gia đẩy mạnh bảo vệ quyền con người để xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn sau đại dịch.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *