Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
38069

Minh chứng sinh động bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân

Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng tôn giáo với 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, hơn 26,5 triệu tín đồ các tôn giáo (chiếm 27% dân số), hơn 58.000 chức sắc, 148.000 chức việc, 29.000 cơ sở thờ tự, 53 cơ sở đào tạo tôn giáo. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều lưu giữ những hình thức tín ngưỡng khác nhau với rất nhiều lễ hội truyền thống, dân gian, tạo nên sự đa dạng trong đời sống tâm linh liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt.

Minh chứng sống động

Tính đến ngày 31/12/2020, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, tăng 10 tôn giáo và 28 tổ chức so với trước khi thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (trong đó, có 36 tổ chức tôn giáo được công nhận; 04 tổ chức tôn giáo và 01 pháp môn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; 01 tôn giáo là Bửu Sơn Kỳ Hương có một số chùa tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận Ban Trị sự, Ban Quản trị chùa; 01 Thánh đường của Hồi giáo tại số 12 Hàng Lược được công nhận Ban Quản trị Thánh đường). Từ năm 2018 đến nay, thực hiện quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ, có 01 tổ chức được công nhận pháp nhân tôn giáo (Giáo hội Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam); có 03 tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo (Hội thánh Tin Lành Liên hiệp truyền giáo Việt Nam, Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam, Giáo hội Các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê su Ky – tô Việt Nam). Đến tháng 12/2020, các cơ quan chức năng và địa phương đã cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 3549 điểm nhóm Tin Lành trong cả nước, trong đó khu vực Tây Bắc là 1037 điểm nhóm, khu vực Tây Nguyên là 1391 điểm nhóm (chiếm tỷ lệ 68 %). Đối với các nhóm người theo tôn giáo chưa được công nhận về mặt tổ chức hoặc chưa được cấp đăng ký hoạt động, chính quyền địa phương vẫn bảo đảm việc sinh hoạt tôn giáo cho các tín đồ tại gia đình, điểm nhóm đã đăng ký với chính quyền hoặc địa điểm hợp pháp theo quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Hiện nay, có hàng trăm điểm nhóm được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, trong đó có cả điểm nhóm của người nước ngoài.

Sự đa dạng trong đời sống tâm linh liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Các quyền này được ghi nhân trong Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Đặc biệt, việc Quốc hội thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2016) và Chính phủ ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 (hai văn bản này có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) đã tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho việc bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam cũng được đảm bảo thực thi trong thực tế. Hàng năm, trong cả nước có hơn 8.500 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức. Các hoạt động tôn giáo diễn ra sôi động trên khắp cả nước; nhiều hoạt động, sinh hoạt tôn giáo lớn được tổ chức trang trọng, thu hút hàng trăm ngàn lượt người tham dự. Các tổ chức tôn giáo được phép thành lập trường đào tạo, mở lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo để đáp ứng nhu cầu đào tạo của tôn giáo. Hiện nay, ở Việt Nam có 53 cơ sở đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo. Một số cơ sở được phép đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Ngoài ra, chính quyền các địa phương còn tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo mở các khoá đào tạo, bồi dưỡng thần học, giáo lý cho hơn 10.000 người mỗi năm.

Tính đến nay, hầu hết các cơ sở thờ tự của các tôn giáo (hơn 20.000 cơ sở thờ tự, chiếm 80%) được sửa chữa, nhiều cơ sở thờ tự được xây mới. Bộ Nội vụ và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư liên tịch số 1646/TTLT-TCĐC-TGCP, ngày 30/10/2000 về hướng dẫn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên diện tích đất cơ sở tôn giáo đang sử dụng. Tại các địa phương, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo được thực hiện đúng pháp luật. Nhiều tỉnh, thành phố giao đất với diện tích phù hợp cho các tổ chức tôn giáo, như: TP. Hồ Chí Minh đã giao 7.500 m2 đất cho Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) xây dựng Viện Thánh kinh thần học; tỉnh Thừa Thiên Huế giao 20 ha đất cho Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế sử dụng; TP. Đà Nẵng giao 6.000 m2 đất cho Hội truyền giáo Cơ đốc Việt Nam sử dụng; TP. Hà Nội giao cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam khoảng 11ha đất để xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội…

Các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện in ấn, phát hành kinh sách, đồ dùng việc đạo phục vụ hoạt động tôn giáo. Từ năm 2013 đến nay, đã có gần 6 ngàn xuất bản phẩm tôn giáo được xuất bản, hơn 19 triệu bản in; nhiều xuất bản phẩm được in bằng nhiều ngôn ngữ: Anh, Pháp, tiếng dân tộc; 15 tờ báo, tạp chí của các tổ chức tôn giáo đang hoạt động; phần lớn các tổ chức tôn giáo (kể cả tổ chức tôn giáo trực thuộc) có Website riêng.

Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số được đảm bảo. Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer tại TP. Cần Thơ để đáp ứng nhu cầu đào tạo của tu sỹ Phật giáo Nam tông Khmer. Kinh sách của các tổ chức tôn giáo đã được phép xuất bản bằng 13 thứ tiếng dân tộc. Năm 2020, có 5.000 bản in Kinh thánh bằng tiếng Ê đê, 3.000 bản in Kinh Thánh tiếng Jrai. Tại khu vực các tỉnh Tây Nguyên, Bình Phước hiện có khoảng  583.000 tín đồ (97% là đồng bào dân tộc thiểu số) sinh hoạt tôn giáo tại hơn 2.000 Hội thánh, điểm nhóm. Tại khu vực miền núi phía Bắc có hơn  230.000 tín đồ là đồng bào dân tộc thiểu số sinh hoạt tôn giáo tại 1.640 Hội thánh, điểm nhóm.

Hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo ngày càng được mở rộng. Hàng năm, có hàng trăm đoàn của tổ chức, cá nhân tôn giáo ở trong nước tham gia hoạt động tôn giáo ở nước ngoài; nhiều chức sắc nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo. Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức thành công ở Việt Nam: Công giáo tổ chức Tổng hội Dòng Đa Minh thế giới tại Đồng Nai; Tin lành kỷ niệm 100 năm đạo Tin lành truyền vào Việt Nam; Giáo hội Phật giáo tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc năm 2019 tại Việt Nam đã thu hút sự tham dự của 3.000 đại biểu, trong đó có 1650 đại biểu khách quốc tế đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, 250 kiều bào là tăng ni sinh từ 40 quốc gia, trên dưới 20.000 lượt tăng ni, phật tử tham dự các hoạt động bên lề của đại lễ và được dư luận quốc tế đánh giá cao.

Công tác truyên truyền, phổ biến luật được thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến cấp cơ sở. Năm 2020, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tổ chức 04 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cho 627 lượt cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo các cấp; tổ chức 11 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho 2.977 lượt đại biểu là chức sắc, chức việc, nhà tu hành tín đồ các tổ chức tôn giáo; cấp phát 5.342 bộ tài liệu tuyên truyền Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ cho các đại biểu tham dự hội nghị, lớp tập huấn. Các cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương đã tham mưu, tổ chức 277 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cho 77.004 lượt cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo; tổ chức 809 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho 162.571 lượt chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo (trong đó, có 189 lớp cho 20.500 chức sắc, chức việc, nhà tu hành; 620 lớp cho 142.071 tín đồ). Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, của chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo và nhân dân đối với các chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; tạo sự phấn khởi, tin tưởng trong đồng bào các tôn giáo và giúp các tổ chức, cá nhân tôn giáo chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *