Trong suốt quá trình chống dịch, bằng cách này cách khác, bằng thực lực của mỗi tôn giáo mà có sự đóng góp, hỗ trợ khác nhau, nhưng tất cả đều là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, trách nhiệm đồng hành và là nghĩa cử cao đẹp, là tinh thần, là giá trị của đạo đức tôn giáo, là sự minh chứng cho tôn giáo trong lòng dân tộc, vì dân tộc. Qua tập hợp kết quả từ các kênh thông tin cho thấy kể từ khi có dịch cho đến nay các tổ chức tôn giáo đã ủng hộ bằng tiền và trang thiết bị y tế, hàng hóa trị giá hơn 500 tỷ đồng để ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh. Đây là con số rất cần thiết và rất đáng trân quý của các tổ chức, cá nhân tôn giáo cùng với toàn dân chống dịch. (Tiến sỹ Lê Thị Liên – Viện Chính sách Tôn giáo, Ban Ton giáo Chính phủ)
Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 năm 2021, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN ra lời kêu gọi toàn thể tăng ni, phật tử chung tay cùng các ngành, các cấp và chính quyền địa phương trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, tuyệt đối thực hiện quy định 5K, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi tăng ni, phật tử trong và ngoài nước tích cực tham gia ủng hộ cho “Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19” và hỗ trợ cho đồng bào gặp khó khăn tại các vùng dịch. Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN Hòa thượng Thích Thiện Nhơn kêu gọi tăng ni, Phật tử tiếp tục đóng góp, ủng hộ vật tư, trang thiết bị y tế cho TP. Hồ Chí Minh và các địa phương đang đối diện với khó khăn do số lượng F0 ngày một tăng nhanh. Hòa thượng cũng ghi nhận, biểu dương sự đóng góp của tăng ni, Phật tử cho Quỹ vaccine, các công tác từ thiện trong khu vực cánh ly, phong tỏa và giãn cách xã hội.
Giáo hội đã vận động và mua 10 Máy thở đa năng với tổng trị giá 6.700.000.000 đồng (sáu tỉ bảy trăm triệu đồng) trao tặng 06 Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Long An. Tăng, Ni Phật tử cả nước đã và tiếp tục đóng góp tiền, nhu yếu phẩm để hỗ trợ người dân. Giáo hội cũng đã có văn bản gửi chính quyền đề nghị sử dụng một số cơ sở tự viện làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly cho tăng ni như tại Trà Vinh, khu cách ly tập trung số 3 được đặt tại Trường Trung cấp Pali-Khmer để tiếp nhận cách ly y tế tập trung đối với chức sắc các tôn giáo trên địa bàn tỉnh, Chùa Ích Minh tỉnh Bắc Giang, Chùa Hội Khánh tỉnh Bình Dương…Tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có 690 tăng, ni, phật tử tình nguyện tham gia các hoạt động hỗ trợ cho lực lượng chức năng chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện dã chiến trên địa bàn Những đóng góp trên vừa là tấm lòng hảo tâm của chức sắc, nhà tu hành và tín đồ Phật giáo trong cả nước, nhưng cũng là trách nhiệm xã hội của Phật giáo với đất nước, dân tộc.
* Giáo hội Công giáo Việt Nam
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch lần thứ 4, ngày 2/6/2021 HĐGMVN đã ra “Thư kêu gọi tinh thần liên đới và tương thân để phòng chống đại dịch”. Trong thư chỉ rõ “Nhân danh quý Đức Hồng Y và quý Đức Cha trong HĐGMVN, tôi kêu gọi giáo sỹ, tu sỹ, giáo dân, trong nước cũng như hải ngoại, hãy mau mắn vào cuộc, chung tay góp sức, san sẻ công việc với mọi thành phần xã hội và Giáo hội trong công cuộc phòng chống đại dịch. Trước hết, hãy xem trận đại dịch này như một cơ hội để yêu thương. Theo lời Chúa dạy, Kitô hữu phải nhìn nhận tất cả nạn nhân Covid-19 là “người lân cận” (Lc 10,28-29), sẵn lòng “vui
với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15) dù họ là ai. Tứ hải giai huynh đệ. Tất cả mọi người đều là đồng bào, là thành viên của đại gia đình dân tộc và nhân loại. Người Công giáo không được phép loại trừ, kỳ thị, “điểm mặt” hoặc kết án bất kỳ ai đã hoặc chưa bị lây nhiễm”(3). Cùng với đó HĐGMVN chỉ dẫn cho linh mục, tu sĩ và tín đồ về những việc làm cần thiết trong mối tương quan với chính quyền để phòng chống dịch: “Hãy vận dụng hết trí sáng tạo để hỗ trợ các trung tâm nghiên cứu y học, cộng tác với các bộ phận chức năng, thông cảm và tiếp sức cho các y bác sỹ và bệnh viện, tạo điều kiện vật chất và tinh thần thuận lợi cho mọi người và khu vực cách ly, giúp đỡ gia đình bệnh nhân đang điều trị, tử vong và những người đang lâm cơn túng quẫn kinh tế”; “Điều sơ đẳng nhất cần phải làm ngay là tuân thủ triệt để châm ngôn 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn,Khoảng cách, Không tập trung, Khai báo) và quy định phòng chống của các cơ quan chức năng xã hội (Ban Chỉ đạo Quốc Gia phòng chống Covid-19, Bộ Y Tế, chính quyền các cấp). Theo thông báo của Ban Tôn Giáo Chính phủ (công văn 657/TGCP-CG, ký ngày 31/05/2021,
V/v tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19), tất cả các giáo phận Công giáo, dù có ca lây nhiễm cộng đồng hay chưa, đều phải “tạm dừng mọi hoạt động và sinh hoạt tôn giáo”. Tình hình mỗi nơi mỗi khác, cần có sự hướng dẫn cụ thể phù hợp. Xin anh chị em theo dõi để thực hiện chỉ thị của các đấng bản quyền giáo phận”(4).
Có thể thấy nghĩa đồng bào, giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc được cộng hưởng và tinh thần bác ái của Kitô giáo lại tiếp tục lan tỏa trong tâm khảm mỗi con người Việt và lúc khó khăn, nguy nan lại được tỏa sáng và hòa quyền vào nhau trở thành sức mạnh của dân tộc “Một miếng khi đói bằng một gói khi no; Lá lành đùm lá rách; Nhiễu điều phủ lấy giá gương! Hơn bao giờ hết, bao nhiêu người khó khăn đang trông chờ anh chị em thực thi giáo huấn của Chúa: “Ai đón tiếp anh em mình là đón tiếp chính Ta… Ai cho một trong những kẻ bé mọn này
uống, dù chỉ một bát nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Ta, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10, 40-42)”(5).
Khi chủ trương của Chính phủ đúng thì được mọi thành phần trong xã hội hưởng ứng và tin tưởng. Chủ trương đó được tin tưởng cao hơn khi chức sắc các tôn giáo đồng thuận và thúc đẩy bằng việc hướng dẫn, kêu gọi tín đồ thực hiện “Thủ Tướng Chính Phủ, ngày 26/05/2021, đã quyết định thành lập Quỹ Vaccine và kêu gọi mọi thành phần xã hội tham gia đóng góp (http://https//thutuong.chinhphu.vn/chi-dao/thanh-lapquy-vaccine-phong-Covid19-20165.html). Đây là một chủ trương hợp tình hợp lý và đúng lúc, rất xứng đáng để mọi người hưởng ứng, vận động và ủng hộ với hết khả năng”(6).
Trước diễn biết hết sức phức tạp của dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 9/7/2021 HĐGMVN tiếp tục ra văn thư kêu gọi đồng bào Công giáo Việt Nam hướng về tâm dịch với chủ đề “Thương lắm Sài Gòn ơi” trong đó nhấn mạnh “Anh chị em hãy nhớ lại: chính người dân Sài Gòn hôm nay đang khốn khó, đã từng vội vã lên đường mỗi khi nghe tin đồng bào mình đây đó lâm cơn hoạn nạn… Các tỉnh miền trung, qua trận bão lũ năm 2020, vẫn còn ghi lại dấu chân người Sài Gòn khắp hang cùng ngỏ hẻm. Trái tim Việt Nam lúc nào cũng thì thào: một miếng khi đói bằng một gói khi no; nhiễu điều phủ lấy giá gương; người trong một nước hãy thương nhau cùng. Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Hơn bao giờ hết, tôi kêu gọi đồng bào trong nước hãy hướng nhìn về thành phố đáng yêu này, nơi đã từng là trung tâm tình thương trước khi trở thành ổ dịch. Tôi kêu gọi bà con hải ngoại hãy nhớ đến khung trời kỷ niệm đã một thời vang vọng câu hát “Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi”. Tôi kêu gọi tín hữu Công giáo, mọi thành phần Dân Chúa, các giáo phận, dòng tu, giáo xứ, tổ chức từ thiện, Bác ái – Caritas, đoàn thể, ngành giới, nhóm thân hữu hãy coi đây là cơ hội thực thi bác ái theo Lời Chúa dạy. Tôi kêu gọi các tổ chức truyền thông và cộng đồng mạng hãy mau mắn chuyển tải thông tin này đến mọi địa chỉ quen biết. Hãy khẩn cấp ra tay. Hãy làm tất cả những gì có thể làm được để ứng cứu đồng bào ruột thịt của chúng ta đang vật lộn với thực tế đầy nông nỗi”. Đồng thời chỉ dẫn rất cụ thể cách thức thực hiện “Một cách cụ thể, mỗi giáo phận hoặc mỗi cụm cộng đoàn, đặc biệt là các cấp Caritas, hãy khẩn trương lập một đường dây nóng, một địa chỉ để tập trung phẩm vật và tiền cứu trợ trong khu vực. Các nhu yếu phẩm Saigon đang cần là rau quả, nông phẩm, lương khô, thiết bị phòng chống dịch (khẩu trang, nước kháng khuẩn, máy thở, bình ôxy, bộ xét nghiệm nhanh). Ngoài lương thực, đồng bào thành phố cũng cần hổ trợ tài chánh cho người nghèo, vô gia cư, vỉa hè, khám chữa bệnh v.v”, HĐGMVN đã tặng 3 tỷ đồng vào quỹ vaccin phòng chống dịch của Chính phủ.
Hưởng ứng Thư kêu gọi của HĐGMVN nhiều giáo phận đã tổ chức các hoạt động vận động, quyên góp ủng hộ cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như: Tòa Giám mục giáo phận Vinh ủng hộ 3 tỉ đồng và 60 tấn lương thực, thực phẩm, rau quả cho thành phố Hồ Chí Minh; Tòa giám mục Phan Thiết đóng góp 10.000 lít nước mắm và 15 tấn Thanh Long vào vùng dịch. Ngày 22/7/2021 Tòa giám mục Xuân Lộc ra văn thư gửi Cha Giám đốc và quý Bề trên về việc phòng chống dịch, trong đó nêu rõ “Kính xin Cha Giám đốc mời gọi các chủng sinh, Quý Bề trên mời gọi các tu sĩ của Hội dòng mình tham gia nhóm tu sĩ – chủng sinh thiện nguyện đợt 2 để kịp thời hỗ trợ phòng chống dịch bệnh”(7). Ủy ban Bác ái Xã hội- Caritas Việt Nam tổ chức chương trình “Trao nhau yêu thương” hỗ trợ 2.000 phiếu mua hàng nhu yếu phẩm (mỗi phiếu trị giá 100 nghìn đồng) cho người nghèo tại Thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…
Văn phòng đặc trách tu sĩ giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh có văn thư gửi Bề trên các dòng tu kêu gọi Thành lập nhóm tu sĩ thiện nguyện để giúp đỡ các nhân viên y tế trong các bệnh viện. Đã có 181 tu sĩ đến hỗ trợ ở 3 bệnh viện trong Thành phố Hồ Chí Minh. Đến ngày 23/8 có 87 tu sĩ hoàn thành nhiệm vụ về cách ly và giáo phận bổ sung tiếp 171 tu sĩ thiện nguyện đến nơi cần hỗ trợ. Giáo phận Đồng Nai có 88 tu sĩ, 4 linh mục và 27 chủng sinh tình nguyện giúp đỡ các nhân viên y tế chống dịch trên địa bàn. Để tiếp tục duy trì và phát huy hoạt động này ngày 20/8/2021 Văn phòng đặc trách Tu sĩ đã ra Thư mời gọi tham gia chương trình Tu sĩ thiện nguyện “Cơn đại dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt và vẫn đang hoành hành dữ dội, đe dọa mọi người, Đức Tổng Giám mục mời gọi các Hội dòng tiếp tục tham gia vào hoạt động giàu lòng thiện nguyện này”.
Có thể nói, bên cạnh việc đóng góp bằng vật chất thì việc đóng góp nguồn nhân lực chất lượng của các tôn giáo đã góp phần cùng các tình nguyện viên cả nước giúp đỡ cho y, bác sĩ chăm sóc người bệnh được tốt hơn, san sẻ vất vả của lực lượng tuyến đầu chống dịch. Đây cũng chính là điểm mạnh của các tôn giáo, nhiều trong số họ không chỉ được đào tạo cơ bản về chuyên môn mà hơn hết là tinh thần phục vụ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đã trở thành truyền thống, là tinh thần từ bi, bác ái, chân thiện mỹ trong giá trị của mỗi tôn giáo.
* Các tôn giáo khác
Khi dịch bệnh bùng phát ở đợt 4, bằng cách này cách khác các tổ chức tôn giáo trong cả nước đều tham gia vào công tác phòng chống dịch. Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Nam đã ủng hộ Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh 1,1 tỷ tiền mặt vào quỹ vacxin, 100 máy thở, 300 suất quà bằng tiền mặt trị giá 150 triệu đồng cho lực lượng công nhân vệ sinh môi trường quận Tân Bình, cử 9 tình nguyện đi hỗ trợ các ca nhiễm F0 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Số tiền mà các Hội thánh Cao đài đã ủng hộ phòng chống dịch đến hết năm 2020 khoảng 80 tỷ đồng (8). Ngay trong lễ phát động toàn dân tham gia hiến máu tình nguyện của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chiều ngày 13/4/2020 đã có 65 chức sắc, chức việc, tín hữu của 07 tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hiến 56 đơn vị máu để cứu, chữa những bệnh nhân mắc dịch bệnh Covid-19.
Có thể nói, trong suốt quá trình chống dịch, bằng cách này cách khác, bằng thực lực của mỗi tôn giáo mà có sự đóng góp, hỗ trợ khác nhau, nhưng tất cả đều là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, trách nhiệm đồng hành và là nghĩa cử cao đẹp, là tinh thần, là giá trị của đạo đức tôn giáo, là sự minh chứng cho tôn giáo trong lòng dân tộc, vì dân tộc. Qua tập hợp kết quả từ các kênh thông tin cho thấy kể từ khi có dịch cho đến nay các tổ chức tôn giáo đã ủng hộ bằng tiền và trang thiết bị y tế, hàng hóa trị giá hơn 500 tỷ đồng để ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh (9). Đây là con số rất cần thiết và rất đáng trân quý của các tổ chức, cá nhân tôn giáo cùng với toàn dân chống dịch.
Với vai trò chăm lo đời sống tinh thần cho tín đồ và được tín đồ tin tưởng thì mỗi hành động đúng của chức sắc, chức việc, nhà tu hành, nhất là người đứng đầu giáo hội trong đại dịch sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ thông điệp chống dịch trong cộng đồng tôn giáo. Điều đó không chỉ góp phần cùng chính quyền đẩy lùi đại dịch mà còn kịp thời bảo vệ được cộng đồng tôn giáo, bảo vệ sức sống của tôn giáo mà bao đời các thế hệ chức sắc, tín đồ đã dày công phát triển. Điều này không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là trách nhiệm đối với sự tồn tại của chính tôn giáo.
Khi đất nước gặp khó khăn thì tiềm năng, nguồn lực trong mỗi con người, mỗi tổ chức được bọc lộ, được phát huy. Điều đó cho thấy nguồn cội dân tộc, nghĩa đồng bào luôn ẩn sâu trong tâm thức của mỗi tín đồ tôn giáo người Việt. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo đặt niềm tin vào Đảng, Nhà nước và các ngành chức năng trong công tác phòng chống dịch. Nhận thức, ý thức của cá nhân và tổ chức tôn giáo về an toàn tính mạng của bản thân, gia đình và cộng đồng là quan trọng nhất, niềm tin tôn giáo, việc thực hành các nghi lễ chỉ có được khi điều kiện sống được đảm bảo. Chính vì vậy, khi họ nhận được những chỉ dẫn đúng từ các ngành chức năng thì tính chấp pháp được nâng cao và thực hiện hiệu quả.
Sự đồng thuận với chủ trương của Đảng, Nhà nước sự vào cuộc mạnh mẽ của các tổ chức tôn giáo trong công tác phòng chống dịch chính là sự kết tinh của quá trình đổi mới chủ trương, chính sách đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, thực hiện tốt việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào có đạo. Chủ trương, chính sách đó được thực hiện thường xuyên, lâu dài cùng với sự ổn định và phát triển của các tôn giáo. Chủ trương, chính sách đó đã khơi dạy trực tiếp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm xã hội của khối tôn giáo Việt Nam, mà trong đại dịch này đã thể hiện một cách trọn vẹn nhất./.