Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
16385

Hãy làm như Việt Nam!

Làm như Việt Nam: Tối đa hóa các nguồn lực để chống COVID-19 và quản lý nền kinh tế một cách tuyệt vời” là tít bài đăng trên tờ Thời báo Ấn Độ. Bài báo viết: “Việt Nam đã giải quyết được đại dịch rất tốt. Quốc gia có dân số 97 triệu người và có biên giới dài với Trung Quốc chỉ phát hiện có 355 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 và không có trường hợp nào tử vong”.

Hiện tượng Việt Nam

Theo bài báo, trước khi có dịch COVID-19, Việt Nam “đang ở vị trí ngọt ngào” khi giành được thị phần xuất khẩu nhiều nhất ở châu Á trong 5 năm qua. Nhờ đó, mức độ tăng trưởng Việt Nam đạt 7%. Trong khi các nền kinh tế khác còn đang loay hoay tìm lối đi với mối lo tăng trưởng âm do hậu quả dịch bệnh thì Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng của Việt Nam là 4,1%. Tờ báo này bình luận, ngân hàng HSBC đã dùng cách chơi chữ với đặc sản Phở để phong cho Việt Nam danh hiệu ‘Hiện tượng Việt Nam’ (Pho’nomenal Vietnam).

Ảnh minh hoạ của Thời báo Ấn Độ nói về sự phát triển của Việt Nam mùa COVID-19.

Đó là cách để thế giới ghi nhận việc Việt Nam quản lý đại dịch và nền kinh tế tốt như thế nào. “Quản lý tốt là chìa khóa ở đây. Nó có nghĩa không phải Việt Nam may mắn hơn các quốc gia khác. Việc học hỏi, nhìn nhận và đánh giá đúng bản chất dịch bệnh đã giúp nước này giảm thiểu được số người nhiễm, tăng các lợi thế y tế và tận dụng những gì đang có để xử lý các tình huống nguy cấp”, tờ báo bình luận.

Tối đa hoá nguồn lực

Renuka Bisht – tác giả bài báo chỉ ra rằng, nếu so với các quốc gia láng giềng và những nước phát triển khác, cơ sở vật chất y tế của Việt Nam không thể dồi dào và hiện đại bằng. Và nếu đại dịch bùng nổ tới con số hàng trăm nghìn người nhiễm, chắc chắn hệ thống y tế ở đây cũng quá tải. Thống kê cho thấy, Việt Nam chỉ có khoảng 8 bác sỹ trên 10.000 người dân, dù cao hơn so với Ấn Độ nhưng không thể so sánh với con số trung bình 22 bác sỹ ở Brazil hay 26 bác sỹ ở Mỹ. Vậy làm cách nào để một Việt Nam còn hạn chế về nguồn lực lại chuẩn bị và ngăn chặn tốt tới vậy? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên chiến với COVID-19 vào tháng 1. Việt Nam đã huy động quân đội, công an và cả  bộ máy giám sát rộng lớn của nhà nước vào cuộc chống COVID-19 và theo dõi tỉ mỉ tất cả các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, phân cấp mức độ lây nhiễm dạng F1,F2,F3 rồi đưa đến các khu cách ly tập trung hoặc yêu cầu tự cách ly tại nhà.

Ngoài các khu vực cách ly, Việt Nam cũng phân loại những người tiếp xúc với bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 theo F1,F2,F3.

“Điều quan trọng là tổ chức bài bản và thực hiện nghiêm túc.Nhiều người nghi ngờ việc đất nước này có thể tạo nên kỳ tích như vậy. Nhưng sự thật là chính lòng yêu nước đã giúp huy động cả xã hội Việt Nam cùng chống dịch. Sẽ không có điều này nếu không có một bộ máy Chính phủ hiệu quả. Giờ đây, người Việt Nam không khỏi cảm thấy tự hào khi đất nước mình đã vượt qua cả thế giới trong kiểm soát COVID-19”, Renuka Bisht nhận xét.

Tận dụng cơ hội kích thích kinh tế

Nói về góc độ quản lý kinh tế mùa dịch COVID-19, thời báo Ấn Độ cho rằng, Việt Nam đã biết sử dụng mọi cơ hội để kích thích phát triển kinh tế; giải quyết các thiếu sót về cơ sở hạ tầng có nguy cơ gây hạn chế sự hội nhập của các doanh nghiệp trong nước vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các tuyến tàu điện ngầm mới đến đường cao tốc, các dự án lớn đều được thúc đẩy tiến độ. Lấy ví dụ là từ năm 2016-2018, Việt Nam đã tăng hàng chục bậc đánh giá về hiệu suất hậu cần do Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra, bài báo chỉ rõ, đó là mức độ hiệu quả của việc di chuyển hàng hoá qua biên giới. Thêm vào đó là các FTA trong đó đặc biệt nhấn mạnh Hiệp định Thương mại tự do ký với Liên minh châu Âu (EU) – EVFTA được phê chuẩn tháng 6. “Một lần nữa, đó là thước đo cho thấy Việt Nam hoạt động hiệu quả trong khả năng của mình như thế này. Đây là FTA đầu tiên mà thế giới chứng kiến kể từ khi đại dịch bùng phát. Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với các rủi ro như bị đánh giá toàn bộ chuỗi cung ứng trước khi nhận được ưu đãi thuế bằng 0”, tác giả Renuka Bisht cảnh báo.

Người dân cùng Đảng, Nhà nước chung sức đồng lòng chống covid

Đưa ra những lời khuyên cho Ấn Độ, tác giả Renuka Bisht nhấn mạnh rằng, Ấn Độ đã có thời gian dài theo đuổi các FTA với EU và Mỹ nhưng luôn bị cản trở bởi các mối lo ngại rủi ro. Việt Nam cũng có những lo lắng của mình như việc phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về nguyên liệu sản xuất. “Tuy nhiên, Việt Nam đã chọn cách tham gia không quá phòng thủ. Họ chấp nhận thách thức, chấp nhận rủi ro để vươn lên.Để thay đổi tương lai, Hà Nội đang hành động bằng cách xây dựng các liên kết, lên kế hoạch cho sự thay đổi trong dài hạn. Với tầm nhìn như vậy, EVFTA chắc chắn là thành công vang dội”, bài báo khẳng định.

Huyền Chi

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *