Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
131047

Ba giá trị Cuốn sách: dù bôi đen cũng không thể phủ nhận được!

Khi các cơ quan, địa phương, đơn vị tổ chức tọa đàm và triển khai quán triệt những nội dung cốt lõi của Cuốn sách của Tổng Bí thư thì mạng xã hội xuất hiện không ít các luận điệu xuyên tạc, phản động. Đó không chỉ là những ý kiến bẻ cong sự thật mà còn bịa đặt, phủ nhận giá trị và ý nghĩa Cuốn sách này. Từ mục đích, nội dung, giá trị, ý nghĩa lý luận và thực tiễn của Cuốn sách này, cây bút Trần Phụng Hoàng đưa ra 3 giá trị không thể phủ nhận được của cuốn sách này:

Một là, Cuốn sách ra mắt bạn đọc đúng dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư làm Trưởng ban không chỉ thể hiện rõ tư duy lý luận, nhận thức ngày càng sâu sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác phòng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà còn tiếp tục khẳng định sự quan tâm sâu sắc, quyết tâm của Tổng Bí thư đối với những nhiệm vụ trọng yếu của Đảng để xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò tiền phong!

Không phải ngẫu nhiên quyết tâm của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam về sự kiên quyết, kiên trì, không khoan nhượng, không ngừng, không nghỉ trong cuộc đấu tranh đầy cam go, thử thách để chống vấn nạn tham nhũng, tiêu cực lại nhận được sự đồng tình, ủng hộ, cổ vũ của các chính khách, học giả, đại biểu Quốc hội, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân như vậy. Sự trăn trở, tâm huyết và quyết tâm của Tổng Bí thư về phòng và đấu tranh chống tham nhũng hiển hiện trong Cuốn sách được bạn đọc đón nhận và sự lan tỏa của nó trong hệ thống chính trị, trong xã hội là bởi vì “mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ”, như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu”… Vì thế, giá trị lý luận và thực tiễn của Cuốn sách là không thể phủ nhận, chứ đó không phải “nhằm đánh bóng tên tuổi của Tổng Bí thư”; là “cuốn sách không hề có ý nghĩa gì ngoài việc mang tính mị hoặc quần chúng nhân dân” như các thế lực thù địch bôi đen.

Hai là, nội dung của Cuốn sách khẳng định rằng: Tham nhũng gắn liền với quyền lực; ở đâu có quyền lực thì ở đó tất yếu sẽ, đã và đang có tham nhũng hoành hành, dù đó là thể chế chính trị nào, mà còn cho thấy phòng và chống tham nhũng là “một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ tham ô, lãng phí, quan liêu”, nên cần phải được tiến hành thường xuyên, kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, nhằm mục đích xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Vì Cuốn sách thể hiện rõ quan điểm, tư tưởng nhất quán và xuyên suốt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tầm quan trọng của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với phòng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời cho thấy yêu cầu của người đứng đầu Đảng với mỗi cán bộ, đảng viên phải nỗ lực rèn luyện về đạo đức, lối sống và phòng, chống sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để chống và quét sạch chủ nghĩa cá nhân, thứ “giặc nội xâm” cần phải được chú trọng phòng ngừa từ sớm, từ xa và tiếp tục được triển khai nghiêm túc từ Trung ương đến địa phương là cần thiết, không thể sao lãng, nên đó thực sự là một “cẩm nang quý báu” với mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên.

Ba là, sự ra đời và được đón nhận của Cuốn sách là một minh chứng thể hiện sự ủng hộ với người đứng đầu Đảng về xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh gắn với phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực cùng những bài học kinh nghiệm, những giải pháp hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, là minh chứng bác bỏ luận điệu phản động khi cho rằng “sẽ là một thất bại trong quản trị quốc gia, khi pháp luật được đứng sau các quan điểm chưa được kiểm chứng của một cá nhân”. Đồng thời, cũng cho thấy sự quy chụp hồ đồ của các phần tử bất mãn, của các thế lực thù địch rằng “phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam mãi chỉ là khẩu hiệu, hình thức”, đấu tranh chống tham nhũng “không thể thành công nếu không thay đổi thể chế chính trị, chấp nhận đa nguyên, đa đảng” chỉ là chiêu trò, thâm độc nhằm chống phá Đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, hướng đến đòi đa nguyên, đa đảng đối lập…

Thực tế, những trăn trở, tâm huyết, quyết tâm cũng như những gợi mở, định hướng của Tổng Bí thư trong Cuốn sách càng làm sinh động hơn, rõ nét hơn những nội dung trong Thông báo Kết luận số 12-KL/TW ngày 6/4/2022 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Đó chính là, “gắn bó chặt chẽ phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức”, “không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống”; “khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực… các quy định và chế tài xử lý đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực” gắn liền với việc thực thi Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 để phòng và chống tham nhũng hiệu quả hơn, chứ không phải việc xuất bản, quán triệt nội dung Cuốn sách này là thay thế cho luật pháp, đứng trên luật pháp.

Vì thế, giá trị lý luận, thực tiễn của Cuốn sách là không thể phủ nhận; đồng thời việc các thế lực thù địch cho rằng những trăn trở, tâm huyết và tư tưởng của Tổng Bí thư về phòng, đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam là những ý kiến cá nhân “chưa được kiểm chứng” cũng chỉ là sự xuyên tạc, bịa đặt /.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *