Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
89447

Mục tiêu chung là bảo đảm và thúc đẩy quyền con người Kỳ 1: Cơ chế quan trọng thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

Quyết định ứng cử làm thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025 cũng xuất phát từ những kinh nghiệm thực tiễn và thành công đạt được trong nhiệm kỳ thành viên HĐNQ 2014-2016. Trong nhiệm kỳ trước, Việt Nam đã luôn chủ động, tích cực đóng góp và tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động của HĐNQ nhằm mục tiêu chung là bảo đảm và thúc đẩy quyền con người và những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế về quyền con người.

Ngày 15/3/2006, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Nghị quyết 60/251 chính thức thành lập HĐNQ. Tổng Thư ký LHQ tại thời điểm đó là Kofi Annan đã gọi Nghị quyết 60/251 là một “nghị quyết lịch sử mang lại cho LHQ một cơ hội được chờ đợi nhất để tạo ra một sự bắt đầu mới trong hoạt động của mình về nhân quyền trên toàn thế giới”.

Một phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc

Theo Nghị quyết 60/251, HĐNQ là cơ quan trực thuộc Đại hội đồng, họp ít nhất 3 khóa thường kỳ/năm với tổng thời gian ít nhất là 10 tuần và có thể tổ chức các khóa họp đặc biệt nếu được ít nhất 1/3 số nước thành viên HĐNQ (16/47 thành viên) đề nghị. HĐNQ có các chức năng, nhiệm vụ là: (i) diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy cân bằng tất cả các quyền con người, kể cả quyền phát triển; hoạt động trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại, trên tinh thần xây dựng, không thiên vị, chọn lọc, chính trị hóa và tiêu chuẩn kép; (ii) thảo luận tình hình và đưa ra các nghị quyết, khuyến nghị về các vấn đề nhân quyền, hàng năm có báo cáo trình Đại hội đồng LHQ; (iii) ngăn chặn các vi phạm nhân quyền thông qua hợp tác và đối thoại; hợp tác chặt chẽ với các Chính phủ, tổ chức khu vực, cơ quan nhân quyền quốc gia, các tổ chức phi chính phủ; (iv) thúc đẩy giáo dục, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực cho các nước; thúc đẩy các nước thực hiện nghĩa vụ và cam kết về nhân quyền; (v) rà soát định kỳ việc thực hiện các nghĩa vụ, cam kết của tất cả các nước về nhân quyền dựa trên các thông tin khách quan, tin cậy và trên cơ sở hợp tác, đối thoại.

HĐNQ bao gồm 47 nước thành viên, phân bổ cân bằng theo khu vực địa lý. Các thành viên có nhiệm kỳ 03 năm, không được tái cử sau 2 nhiệm kỳ liên tục. Tất cả các nước thành viên LHQ đều có quyền ứng cử vào HĐNQ. Khi bỏ phiếu, các nước thành viên LHQ cần xem xét những đóng góp của từng ứng cử viên trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người cũng như những cam kết tự nguyện của họ trong lĩnh vực này. Đại hội đồng sẽ bầu các thành viên HĐNQ bằng bỏ phiếu kín với đa số thường, đồng thời có thể treo quyền thành viên HĐNQ đối với một nước “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng hoặc có hệ thống” nếu có ít nhất 2/3 số nước có mặt bỏ phiếu đồng ý.

Để thực hiện nhiệm vụ, HĐNQ thành lập các cơ chế giúp việc, trong đó đáng chú ý nhất là “Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát ” (UPR) có nhiệm vụ thực hiện rà soát tổng thể và định kỳ (4,5 năm một lần) việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người tại tất cả các nước thành viên LHQ, theo nguyên tắc đối thoại, hợp tác, đối xử bình đẳng, khách quan, minh bạch, xây dựng, không đối đầu, không chọn lọc và chính trị hóa. Bên cạnh đó, Cơ chế “các Thủ tục đặc biệt” với hệ thống các chuyên gia hoạt động với tư cách cá nhân và “độc lập”, có nhiệm vụ theo dõi, đưa ra các ý kiến tư vấn và có báo cáo công khai về tình hình nhân quyền theo từng lĩnh vực hoặc tại một số nước cụ thể. HĐNQ hiện có 55 thủ tục đặc biệt, gồm: 44 thủ tục theo vấn đề (thematic mandates) và 11 thủ tục về các nước cụ thể (country mandates).

Chí Thành

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *