Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
32973

Cuộc gặp thượng đỉnh Putin-Biden: Hợp tác hay đối đầu?

 

Trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ đang chìm xuống, Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tìm kiếm một cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng 6 khi ông Biden đang ở châu Âu để đàm phán với các đồng minh.

Tổng thống Biden và người đồng cấp Putin dự kiến có cuộc gặp trực tiếp vào ngày 16 tháng 6 tại Geneva, Thuỵ Sĩ

Ngày hẹn 16-6

Hôm 25-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ông đang “hy vọng và mong đợi” được gặp người đồng cấp Putin vào tháng tới khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Anh từ ngày 11 đến 13 – 6 và Hội nghị thượng đỉnh NATO ở vào ngày 14-6. Tờ Kommersant của Nga, trích dẫn các nguồn giấu tên, cho hay Nhà Trắng đã đề xuất ngày 15 hoặc 16- 6 để ông Biden gặp ông Putin ở một nước thứ ba. Áo và Phần Lan đề nghị đăng cai. Hội nghị thượng đỉnh năm 2018 giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Donald Trump đã được tổ chức tại Helsinki. Vì thế, năm nay, Nga chọn Geneva, Thuỵ Sĩ. Hiện chi tiết về hội nghị thượng đỉnh vẫn đang được hai bên đàm phán tích cực. Giới chức Mỹ, nhiều người cho rằng, cuộc gặp mặt trực tiếp là cơ hội để cân bằng lại mối quan hệ ngoại giao hai nước. “Theo quan điểm của chúng tôi, đó không phải là việc đặt lại nền móng Đó là một nỗ lực để làm cho nó ít trọng tâm hơn, làm cho nó dễ dự đoán hơn”, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói với Reuters. Đối với Điện Kremlin, các quan chức Nga coi hội nghị thượng đỉnh là rất quan trọng khi được nghe trực tiếp từ ông Biden sau khi một nguồn tin thân cận với chính phủ Nga tung tin rằng có nhiều thông điệp hỗn hợp từ chính quyền mới của Mỹ.

Cuộc đua ngầm

Thực tế, bất chấp việc nền kinh tế Nga có quy mô gần bằng 1/10 GDP của Mỹ và Moscow thua Washington về ảnh hưởng quốc tế, thương mại và liên minh –  đối thủ trong Chiến tranh Lạnh vẫn tiếp tục là mối đe dọa lớn đối với Mỹ. Ông Biden muốn ông Putin ngừng cố gắng gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử của Mỹ, ngừng các cuộc tấn công mạng vào Mỹ cũng như ngừng đe dọa chủ quyền của Ukraine và trả tự do cho nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny. Ngược lại, ông Putin coi áp lực của Mỹ đối với vấn đề Navalny và Belarus tương đương với việc can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Nga. Nếu Mỹ thuyết phục châu Âu từ bỏ đường ống Nord Stream 2 vận chuyển năng lượng từ Nga, thì Moscow sẽ coi đó là một cuộc tấn công vào ngành năng lượng của Nga. Moscow cũng không hài lòng về một loạt các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào các thực thể và cá nhân Nga và coi Ukraine như điểm bắt đầu của cuộc khủng hoảng dẫn đến việc gia tăng binh sĩ ở khu vực biên giới.

“Đây giống như một cuộc đối đầu được quản lý”, Fiona Hill, một chuyên gia về Nga từng phục vụ trong Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ thời Tổng thống Donald Trump nói. “Mục tiêu chỉ là để ổn định. Nó không phải tìm kiếm một loại cải thiện đáng kinh ngạc nào đó trong mối quan hệ, mà chỉ là một nỗ lực để hạ nhiệt độ. Tôi nghĩ điều đó có thể làm được nếu họ cẩn thận và thực tế”.

Hợp tác và đối đầu

Các quan chức Mỹ coi biến đổi khí hậu và kiểm soát vũ khí là hai lĩnh vực có thể hợp tác giữa hai nước. Ông Putin đã tham gia hội nghị thượng đỉnh về khí hậu trực tuyến do ông Biden chủ trì hồi tháng trước và nhà lãnh đạo nhanh chóng gia hạn hiệp ước vũ khí hạt nhân START mới sau khi Biden nhậm chức. Nhưng ngoài những vấn đề này, những cái khác thì cả hai đều đang đối nghịch. Trước tiên là vấn đề miền Đông Ukraine, nơi quân ly khai được Moscow hậu thuẫn và lực lượng Ukraine do phương Tây hỗ trợ đã chiến đấu trong hơn 7 năm. Tiếp đó, người ta cũng dự đoán ông Putin cũng không có khả năng nhúc nhích về chủ đề lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny bị bỏ tù. Khi sức khỏe của Navalny xấu đi đáng kể trong cuộc tuyệt thực vào tháng trước, Nhà Trắng cảnh báo rằng sẽ có “hậu quả” đối với Điện Kremlin nếu Navalny chết trong tù. Tổng thống Putin thậm chí còn từ chối nhắc đến tên Navalny trước công chúng. Heather Conley, người đứng đầu chương trình châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết mục tiêu của Điện Kremlin cho hội nghị thượng đỉnh sẽ là “nhắc nhở Washington rằng mối quan hệ của họ với Bắc Kinh ngày càng mạnh mẽ trừ khi một thỏa thuận mới với Mỹ có thể được tìm thấy”.

Chưa hết, ông Putin cũng nói rõ việc đang gắn bó với nhà lãnh đạo Alexander Lukashenko bất chấp các cuộc biểu tình lan rộng vào năm ngoái. Cơ quan an ninh Nga hồi tháng 4 đã bắt giữ hai người Belarus âm mưu lật đổ chính phủ và Tổng thống Lukashenko đã tuyên bố trên truyền hình rằng có sự tham gia của nước ngoài vào âm mưu bị cáo buộc, “rất có thể là FBI, CIA”. Trong cuộc điện đàm với ông Biden hồi tháng 4, ông Putin đã chủ động nêu ra cáo buộc này. Còn nữa, Mỹ và Nga đang ở hai phía đối lập trong cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ ở Syria: Moscow ủng hộ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong khi Washington ủng hộ các chiến binh người Kurd ở địa phương và những người khác. Các cuộc giao tranh thường xuyên xảy ra giữa lực lượng Mỹ và Nga tuần tra phía Đông Bắc Syria.

Rõ ràng, ở gần như mọi vấn đề quốc tế, luôn có một điểm xích mích giữa Moscow và Washington. Vì thế, Daragh McDowell – nhà phân tích chính về Nga tại Verisk Maplecroft đã chỉ rõ, hội nghị thượng đỉnh có lợi cho cả hai bên: “Tất nhiên, có một lợi ích chính trị trong nước cho ông Putin trong hội nghị thượng đỉnh về việc sử dụng hình ảnh để miêu tả Nga như một cường quốc ngang hàng với Mỹ. Và những lợi ích tương tự đó cũng áp dụng cho ông Biden, người sẽ phải thể hiện sự đối lập trong hành vi của mình với người tiền nhiệm là Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh ở Helsinki hồi tháng 7-2018. Hành động này giúp Tổng thống Biden củng cố vị thế trong nước cũng như trấn an các đồng minh của Mỹ ”, ông Daragh McDowell bình luận.

S.Thương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *