Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
79466

Chuyên gia An ninh mạng: nhận diện động cơ, thủ đoạn tạo virus “tin giả” của thế lực chống phá đất nước!

Làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Trong khi người dân cả nước đang đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền các cấp chống dịch thì có không ít những tin tức thất thiệt, bịa đặt, giả mạo được tung ra. Bàn về cách thức nhận diện, thủ đoạn tạo virus tin giả cũng như cách phòng chống, chuyên gia An ninh mạng là Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường, Phó trưởng Phòng 3, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an mới đây đã có phân tích, bàn luận rất sâu về chủ đề này trên VOV

Theo chuyên gia này, sử dụng các thông tin giả nhằm mục đích xấu, gây rối, chống phá, đi ngược quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và lợi ích của nhân dân là một phương thức không mới của các loại tội phạm. Thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội (MXH), các đối tượng đã thực hiện nhiều thủ đoạn tuyên truyền, xuyên tạc, tác động vào tư tưởng, tình cảm của người tiếp nhận, gây tâm lý hoang mang, dao động, hoài nghi của nhân dân đối với Đảng, gây bất ổn xã hội. Hoạt động chống phá của các đối tượng diễn ra thường xuyên, liên tục, trên tất cả lĩnh vực đời sống xã hội nước ta, đặc biệt là những thời điểm nhạy cảm, khó khăn của đất nước như cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 hiện nay.

7 NHÓM VIRUS TIN GIẢ NGUY HIỂM NHẤT

Từ tháng 4/2021 đến nay, lợi dụng diễn biến tình hình phức tạp, khó lường của đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4, số đối tượng phản động, chống đối và một số cá nhân tăng cường hoạt động xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng, tập trung vào 7 nhóm vấn đề chính:

(1) Tung tin xuyên tạc, sai sự thật về tình hình dịch bệnh COVID-19, về công dụng của thuốc, vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh; kêu gọi tự điều trị, chẩn đoán tại nhà, không theo chỉ dẫn của Bộ Y tế; xuyên tạc chính sách phân bổ vaccine của Bộ Y tế, bịa đặt thông tin về công dụng, hiệu quả vaccine COVID-19 có nguồn gốc từ Trung Quốc;

(2) Bài xích quan hệ ngoại giao của Việt Nam với một số quốc gia;

(3) Công kích, bôi nhọ hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch; xúc phạm nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng chống dịch bệnh, người mắc bệnh, người có nguy cơ lây nhiễm;

(4) Kích động công nhân đình công tập thể tại các công ty, khu công nghiệp có yếu tố nước ngoài, các công ty không đáp ứng yêu cầu “ba tại chỗ”;

(5) Kêu gọi tích trữ lương thực thực phẩm, gây tâm lý hoảng loạn trong quần chúng nhân dân;

(6) Trục lợi thông qua bán, làm giả vật tư, thiết bị y tế phòng dịch, đầu cơ, kinh doanh qua mạng;

(7) Lợi dụng dịch bệnh để gia tăng hoạt động tuyên truyền, huấn luyện, lôi kéo người vào tổ chức, phát triển lực lượng chống đối trong nước, như một số tổ chức khủng bố “Việt Tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lầm thời”, “Triều Đại Việt”… triển khai thời gian qua.

3 NHÓM THỦ ĐOẠN CHÍNH TẠO TIN GIẢ

Đó là: Thủ đoạn dàn dựng nội dung; thủ đoạn phát tán và thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng.

Để dàn dựng nội dung, các đối tượng thường triệt để lợi dụng “khoảng trống”, “độ trễ” thông tin về dịch bệnh để tung ra những thông tin bịa đặt, những bình luận xuyên tạc. Thủ đoạn mà các đối tượng thường dùng là lồng ghép thật – giả; giả mạo nguồn thông tin; giả mạo trang thông tin điện tử, tài khoản MXH hoặc giả mạo phát ngôn của cơ quan chức năng, lãnh đạo cấp cao, chuyên gia, người nổi tiếng.

Lợi dụng đặc tính lan tỏa nhanh của Internet, khai thác triệt để các tính năng của MXH như bình luận, chia sẻ, phát trực tiếp (livestream) trên MXH để “phủ thông tin” tiêu cực đến đông đảo quần chúng nhân dân. Tạo ra những thông tin thất thiệt, đánh vào tâm lý lo lắng của người dân bằng chiêu thức giật gân, kích thích tò mò.

Để đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng cũng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, như sử dụng các trang mạng ẩn danh, đặt máy chủ ở nước ngoài; sử dụng các tài khoản nặc danh, ẩn danh, chiếm đoạt được của người khác… để phát tán thông tin xấu và đối phó, trốn tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng.

2 LOẠI ĐỐI TƯỢNG TÁN PHÁT TIN GIẢ

Từ thực tiễn công việc, chuyên gia An ninh mạng phân loại đối tượng phát tán tin giả, gồm 2 loại chính:

Một là những đối tượng cố tình tạo ra tin giả và phát tán nhằm đạt những mục đích, ý đồ riêng, như lừa đảo, trục lợi hoặc chống phá chính trị. Loại đối tượng này cần phải vạch mặt và nghiêm trị, kể cả bằng các chế tài hình sự. Thực tế, vừa qua chúng ta đã xử lý hình sự một số trường hợp thường xuyên tung tin giả, xuyên tạc, bịa đặt, xâm phạm ANQG, TTATXH, trong đó có các tin giả về COVID-19.

Hai là những người là nạn nhân của tin giả, do tin vào thông tin sai lệch mà chia sẻ, phát tán tin giả, tiếp tay cho tin giả lan truyền. Với đối tượng này, cần đề cao việc giáo dục, giúp họ nhận thức đúng đắn, nâng cao trách nhiệm cá nhân và có kỹ năng nhận diện tin giả để không trở thành nạn nhân của tin giả, tiếp tay cho tin giả, từ đó tham gia một cách tích cực vào ngăn chặn, chống tin giả.

KHUYẾN CÁO CÁCH PHÒNG TRÁCH VIRUT TIN GIẢ

 Khi tham gia vào không gian mạng, mỗi người dân đồng thời đóng cả 3 vai trò: Sản xuất thông tin, tiêu thụ thông tin và phát tán thông tin. Do đó, không gian mạng có lành mạnh hay không, nạn tin giả có thể ngăn chặn, đẩy lùi hay không phụ thuộc rất lớn vào nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành vi của mỗi người chúng ta. Như vậy, chuyên gia trên khuyến cáo mỗi người dân:

– Người dân tuyệt đối không đăng tải, bình luận những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, sai sự thật dưới bất cứ hình thức nào, dù với bất kỳ động cơ, mục đích gì. Chủ động nghiên cứu, trang bị kiến thức và pháp luật như Luật An ninh mạng, Bộ luật Hình sự, Luật An toàn thông tin mạng, Nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp dịch vụ Internet và thông tin trên mạng…

– Khi tiếp nhận thông tin, nhất là trên MXH, cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, thận trọng để không trở thành nạn nhân của tin giả. Luôn tin tưởng vào thông tin chính thống, xác thực do cơ quan chức năng, báo chí, truyền hình cung cấp.

– Hết sức thận trọng khi quyết định chia sẻ thông tin trên không gian mạng, để không tiếp tay cho tin giả. Tuyệt đối không chia sẻ, lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng.

– Tích cực tham gia phát hiện, tố giác với cơ quan chức năng hoặc thông qua các nhóm cộng đồng trên không gian mạng để cảnh báo về tin giả.

Theo thống kê của Cục An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao, thì từ năm 2020 đến nay, lực lượng Công an đã triệu tập đấu tranh hơn 1.800 đối tượng, khởi tố xử lý hình sự 21 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 466 đối tượng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 5 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong đợt dịch thứ 4, riêng đơn vị này đã phối hợp xử lý hành chính 82 đối tượng, xử lý hình sự 1 đối tượng ở TP Hồ Chí Minh và tiếp tục nhận diện, xử lý các đối tượng khác theo quy định pháp luật. Để tránh việc mỗi chúng ta trở thành “tội phạm” hay “nạn nhân” của virut tin giả, lời khuyên của chuyên gia An ninh mạng là rất hữu ích.

Hiếu Ngọc (th)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *