Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
59493

Chớ xuyên tạc, phủ nhận Chiến thắng Hà Nội – “Điện Biên Phủ trên không”!

 

Những ngày cuối tháng 12 năm 1972, đế quốc Mỹ huy động một lực lượng không quân hùng hậu, chủ yếu là máy bay B.52, tiến hành cuộc không kích chiến lược, đánh phá vào Hà Nội, Hải Phòng và nhiều địa phương khác trên miền Bắc. Nhưng, hành động “cướp trời” của không quân Mỹ đã bị quân và dân miền Bắc Việt Nam, trọng tâm là Hà Nội giáng trả đòn đích đáng, làm nên một trận “Điện Biên Phủ trên không” gây chấn động nước Mỹ và thế giới.

Thế nhưng vẫn có những luận điệu xuyên tạc về chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” là “may mắn”, rằng không hề có “Điện Biên Phủ trên không” nếu Mỹ tiếp tục kéo dài cuộc ném bom hủy diệt miền Bắc thêm vài ngày nữan hay hạ thấp ý nghĩa sự kiện này khi cho rằng cuộc ném bom trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 tại miền Bắc Việt Nam không có tác động, ảnh hưởng gì đến việc Mỹ ký hiệp định Paris (27-1-1973)… Sự thật thế nào chúng ta cùng điểm lại lịch sử sẽ rõ.

Như chúng ta đã biết, đến đầu tháng 10 năm 1972, cục diện chiến tranh Việt Nam chuyển biến quan trọng. Ở miền Nam, quân và dân ta mở cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn trên ba hướng chiến trường trọng điểm: Bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Trị – Thiên giành thắng lợi lớn. Đặc biệt, trên hướng Trị – Thiên, quân và dân ta đã mở chiến dịch tiến công giải phóng cơ bản tỉnh Quảng Trị… Thế và lực của cách mạng miền Nam được tăng cường ở cả thành thị và nông thôn. Thế chân kiềng của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” bị bẻ gãy, đập tan ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ và buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán với ta. Những diễn biến trên chiến trường đã tác động trực tiếp đến bàn đàm phán tại Pari. Phái đoàn đàm phán chính quyền Mỹ đã chấp thuận thông qua dự thảo hiệp định “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” do ta soạn thảo.

Tuy nhiên, ngay sau khi trúng cử Tổng thống nhiệm kỳ 2, bản chất hiếu chiến và ngoan cố của chính quyền Nichxơn càng lộ rõ. Tại bàn đàm phán Pari, phái đoàn Mỹ đã lật lọng, đòi phải sửa đổi những điều rất cơ bản trong Hiệp định nhưng phía ta không chấp thuận. Hội nghị Paris đi đến bế tắc.

Đúng như nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua.”. Với mưu đồ tính toán từ trước, chính quyền Nichxơn huy động gần 200 máy bay B.52, 30 máy bay F.111 và hơn 1.000 máy bay tiêm kích, 6 liên đội tàu sân bay và 50 máy bay tiếp dầu KC.135 và một số máy bay phục vụ khác cùng 60 tàu chiến các loại thuộc hạm đội 7 ở Thái Bình Dương… mở cuộc không kích chiến lược với quy mô lớn vào Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trên miền Bắc, với mật danh “Lai-nơ Bếch-cơ II”. Riêng Hà Nội, trong 12 ngày đêm, không quân Mỹ đã tập trung trên 1.000 lần chiếc (trong đó có khoảng 500 lần chiếc B.52), trút 40.000 tấn bom xuống nhiều khu dân cư làm cho gần 2.400 người chết và 1.355 người khác bị thương. Bằng đòn đánh có tính chất hủy diệt đối với Thủ đô Hà Nội – trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của đất nước ta, đế quốc Mỹ hy vọng sẽ nhanh chóng buộc Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa phải trở lại bàn đàm phán, chấp nhận các yêu sách mà Mỹ đưa ra.

Nắm bắt chính xác âm mưu, thủ đoạn và thời điểm không kích của địch, quân và dân Thủ đô cùng các địa phương đã chủ động chuẩn bị từ cách đánh B-52; Quy trình bắt B-52 trong nhiễu; cách chống nhiễu thông tin… đến hầm hào, trận địa. Các lực lượng của ta đã thiết lập một thế trận phòng không ba thứ quân hoàn chỉnh, vững chắc, nhiều tầng, nhiều lớp, chủ động vào trận với hào khí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Sau 12 ngày đêm anh dũng chiến đấu (18-12 đến 29-12-1972), quân và dân Thủ đô cùng các địa phương miền Bắc đã đập tan cuộc tập kích đường không của Mỹ; bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B.52. Riêng Hà Nội bắn rơi 25 máy bay B.52. Không chỉ trong 12 ngày đêm mà quân và dân ta với nòng cốt là bộ đội Phòng không – Không quân đã chuẩn bị chu đáo sẵn sàng đối đầu với không quân Mỹ khi chúng kéo dài cuộc leo thang.

Đây thực sự là một chiến công mang tầm vóc thời đại, một trận “Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội” lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Chính thất bại trên bầu trời Hà Nội và các tỉnh miền Bắc vào những ngày cuối tháng 12 năm 1972 đã buộc Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom đánh phá miền Bắc Việt Nam và ngồi vào bàn đàm phán, chấp nhận những nội dung đã thỏa thuận trước đó (10-1972). Ngày 23-1-1973, Hiệp định Paris được ký tắt. Ngày 27-1-1973, ta và Mỹ cùng chính quyền Sài Gòn chính thức ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đến đây, quân và dân ta đã thực hiện được mục tiêu đánh cho “Mỹ cút”; mở ra thời cơ lớn để quân và dân ta hoàn thành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thực hiện non sông thu về một mối.

Tháng năm qua đi, những dấu tích một thời bom đạn cày xới mảnh đất quê hương có thể bị phai mờ theo quy luật của thời gian, nhưng tầm vóc và ý nghĩa của “Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vẫn mãi âm vang trong tâm trí của mỗi con người Việt Nam nói riêng và nhân loại tiến bộ nói chung. Những bài học kinh nghiệm được rút ra từ “Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vẫn nguyên vẹn giá trị. Tung ra những quan điểm, luận điệu sai trái như đã nêu các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị không nhằm mục đích gì khác là xuyên tạc, phủ nhận ý nghĩa, giá trị của “Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”. Nhưng sự thật lịch sử hết sức rõ ràng, thuyết phục như nêu trên đã bác bỏ hoàn toàn những quan điểm, luận điệu sai trái đó. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần thường xuyên nêu cao cảnh giác vạch trần, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, giữ gìn và phát huy truyền thống “Điện Biên Phủ trên không” trong điều kiện mới, góp phần xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *