Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, Tây Nguyên là một trong những địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch lựa chọn thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” nhằm gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ly khai, tự trị trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Tính đến tháng 10/2020, chúng ta đang triển khai 118 chính sách ở vùng DTTS và miền núi. Trong đó, 54 chính sách trực tiếp cho các đồng bào DTTS, vùng DTTS và miền núi; 64 chính sách chung có ưu tiên cho đồng bào các DTTS.
Cùng với các chính sách chung, Đảng, Nhà nước cũng đã có những chính sách đặc thù áp dụng riêng với khu vực Tây Nguyên, trong đó có Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới và Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/01/2001 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 – 2020, khu vực Tây Nguyên đã có những sự phát triển đáng ghi nhận, toàn diện, về mọi mặt; tình trạng nghèo nàn, lạc hậu từng bước được đẩy lùi, an ninh, quốc phòng được củng cố.
Về phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các tỉnh Tây Nguyên giữ ở mức khá, đời sống người dân được cải thiện. Trong giai đoạn 2015- 2020, Đắk Lắk đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 9,13%/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,87%/năm và Kon Tum là 9,7%, 4,05%; Gia Lai là 7,93%/năm, tỷ lệ hộ nghèo từ 19,71% năm 2015 giảm còn dưới 4,5% vào cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS từ 40,1% giảm còn dưới 6,25%; tại Đắk Nông, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,02%/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm 12,26% so với năm 2016; tại Lâm Đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân là tăng 8,0%/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, toàn tỉnh hiện còn 1,75%.
Về văn hoá, xã hội, thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Đảng, Nhà nước và các địa phương đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ để phát triển giáo dục nói chung và phát triển giáo dục trong vùng đồng bào DTTS nói riêng như: chính sách miễn, giảm học phí, triển khai các trường dân tộc nội trú, hỗ trợ gạo cho học sinh bán trú và học sinh DTTS ở khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, ưu tiên cộng điểm cho học sinh dân tộc khi thi tuyển đại học, cao đẳng… Các tỉnh Tây Nguyên đã chủ động nghiên cứu, triển khai nhiều chương trình, đề án hỗ trợ đối với đồng bào DTTS mang tính đặc thù của địa phương nhằm phát triển giáo dục như: Quyết định số 143/QĐ-UB ngày 26/01/2010 của UBND tỉnh Đắk Nông về chính sách hỗ trợ kinh phí cho học sinh, sinh viên người DTTS tỉnh Đắk Nông; Nghị quyết số 31/2016/NQ-HĐND ngày 06/9/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông về việc ban hành chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh Đắk Nông từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021; tỉnh Đắk Lắk triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho học sinh ở các trường phổ thông DTNT, bán trú, học sinh học tiếng Êđê, giáo viên dạy tiếng Êđê, thực hiện chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh nghèo… Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao được quan tâm đầu tư; nhiều giá trị văn hóa của các dân tộc được khôi phục, bảo tồn và phát huy, đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào được tôn trọng.