Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
40616

Kỷ niệm 72 năm Ngày Nhân quyền Thế giới: Bảo đảm sự đa dạng, hòa hợp và bình đẳng tôn giáo

 

Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, đa tôn giáo.Theo thống kê chưa đầy đủ,Việt Nam có khoảng 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo (trong hàng nghìn tín ngưỡng thì tín ngưỡng phổ biến là thờ cúng ông bà tổ tiên và tín ngưỡng thờ Mẫu).Tính đến nay, cả nước có khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có hơn 2.900 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật

Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 26,5 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số), 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được nhà nước công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động. Cả nước hiện có hơn 57,4 ngàn chức sắc, trên 147 ngàn chức việc, hơn 29,6 ngàn cơ sở thờ tự. Trong đó, số lượng tín đồ theo các tôn giáo hiện nay khoảng: Phật giáo: 15,1 triệu; Công giáo: 7,1 triệu; Cao đài: 1,1 triệu; Tin lành: 1 triệu; Hồi giáo: 80.000; Phật giáo Hòa hảo: 1,3 triệu, còn lại là các tôn giáo khác (Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Tứ ân Hiếu nghĩa, Bà La môn, Bửu Sơn Kỳ Hương, Minh sư đạo, Minh lý đạo…).

Một buổi lễ cầu nguyện ở Nhà thờ Giáo họ Phúc Linh

Đến nay, trên cả nước, Phật giáo có khoảng 18 nghìn ngôi chùa, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường; Công giáo có khoảng trên 7.700 cơ sở thờ tự. Tin lành có khoảng 900 nhà thờ, nhà nguyện; Cao đài có trên 1.300 thánh thất, thánh tịnh; Phật giáo Hòa Hảo có 59 chùa được công nhận; Hồi giáo có 93 thánh đường.

Với chính sách tôn giáo đúng đắn của Nhà nước Việt Nam, tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của mọi người, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của mọi người, số lượng chức sắc, chức việc, cơ sở thờ tự ngày càng gia tăng; quy mô hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo lớn; chính quyền các cấp đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các hoạt động tôn giáo có đông người dân và du khách nước ngoài tham dự…

Nhà nước Việt Nam tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; coi trọng chính sách đoàn kết, hòa hợp giữa các tôn giáo; đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng; bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Người có tín ngưỡng, tín đồ các tôn giáo được tự do bày tỏ đức tin tại gia đình, cơ sở thờ tự hoặc điểm nhóm đăng ký với chính quyền. Tổ chức tôn giáo được hoạt động theo Hiến chương, điều lệ, được tạo điều kiện in ấn, phát hành kinh, sách tôn giáo; nâng cấp, xây mới cơ sở thờ tự; mở rộng quy mô và hình thức sinh hoạt; tăng cường, mở rộng hoạt động quốc tế,…

Ở Việt Nam không có xung đột tôn giáo. Các tôn giáo chung sống hòa hợp, gắn bó đồng hành với dân tộc. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia phong trào xã hội, từ thiện, xóa đói giảm nghèo, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của đất nước.

Được tạo điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật

Hiện nay, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động (tăng 10 tôn giáo với 28 tổ chức so với trước khi thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo). Năm 2018, 2019, 03 tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo: Hội thánh Tin lành Liên hiệp truyền giáo Việt Nam, Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam, Giáo hội Các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê su Ky – tô Việt Nam; 01 tổ chức được công nhận pháp nhân tôn giáo: Giáo hội Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam.

Đối với các nhóm người theo tôn giáo chưa được công nhận về mặt tổ chức hoặc chưa được cấp đăng ký hoạt động, chính quyền địa phương vẫn bảo đảm tự do sinh hoạt tôn giáo cho các tín đồ tại gia đình, điểm nhóm đăng kí với chính quyền hoặc địa điểm hợp pháp theo quy định của Luật. Hiện nay, có hàng trăm điểm nhóm được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, trong đó có cả điểm nhóm của người nước ngoài. Tính đến năm 2020, khu vực Tây Nguyên hiện có khoảng 580.000 tín đồ đạo Tin lành thuộc 33 tổ chức, hệ phái, nhóm Tin lành đang sinh hoạt tại 311 chi hội, 183 nhà thờ, hơn 1.700 điểm nhóm được chính quyền địa phương cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Tại khu vực miền núi phía Bắc có khoảng 250.000 tín đồ đạo Tin lành đang sinh hoạt tại 14 chi hội và hơn 1.600 điểm nhóm, trong đó chính quyền địa phương đã cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho gần 800 điểm nhóm.

Đại lễ Vesak

Hiện nay, hầu hết các cơ sở thờ tự của các tôn giáo (hơn 20.000 cơ sở thờ tự bằng 80%) được sửa chữa, nhiều cơ sở thờ tự được xây mới. Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo. Nhiều tỉnh, thành phố giao đất với diện tích khá lớn cho các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc sử dụng vào mục đích tôn giáo như: TP. Hồ Chí Minh đã giao 7.500 m2 đất cho Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) xây dựng Viện Thánh kinh thần học; tỉnh Thừa Thiên Huế giao 20 ha đất cho Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế sử dụng; TP. Đà Nẵng giao 6.000 m2 đất cho Hội truyền giáo Cơ đốc Việt Nam sử dụng…

Các tổ chức tôn giáo được phép thành lập trường đào tạo, mở lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo để đáp ứng nhu cầu đào tạo của các tổ chức tôn giáo. Hiện nay, ở Việt Nam có 63 cơ sở đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo. Một số cơ sở được phép đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Hàng năm, theo quy định của Luật, chính quyền địa phương đã hướng dẫn các tổ chức tôn giáo mở khóa đào tạo, bồi dưỡng thần học, giáo lý cho chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo. Tháng 7/2020, Ban Tôn giáo Chính phủ đã trao quyết định chấp thuận việc Tòa Giám mục Thái Bình thành lập Đại Chủng viện Thánh Tâm Thái Bình.

Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo được in ấn, phát hành kinh sách và đồ dùng việc đạo. Tính từ năm 2013 đến nay, đã có hơn 3 ngàn ấn phẩm tôn giáo được xuất bản, trong đó có khoảng hơn 10 triệu bản in và hàng triệu đĩa MP3, VCD, CD, DVD, ảnh, lịch, cờ…, nhiều ấn phẩm kinh sách được in bằng ngôn ngữ: Anh, Pháp, tiếng dân tộc.  Ở Việt Nam hiện nay có 15 tờ báo và tạp chí của các tổ chức tôn giáo đang hoạt động: Nghiên cứu Phật học, Giác ngộ (Phật giáo); Công giáo và Dân tộc (Công giáo); Bản tin Thông công (Tin lành miền Bắc); Bản tin Mục vụ (Hội thánh Tin lành miền Nam). Phần lớn các tổ chức tôn giáo (kể cả tổ chức tôn giáo trực thuộc) có Website riêng. Năm 2020, Nhà xuất bản Tôn giáo đã cho phép xuất bản 500 ấn phẩm tôn giáo, trong đó có 5.000 bản in Kinh Thánh bằng tiếng Ê-đê, 3.000 bản in Kinh Thánh tiếng Jrai.

Đồng hành cùng đất nước

Những năm qua, các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động xã hội hóa về y tế, giáo dục và từ thiện nhân đạo, góp phần đáng kể vào công tác an sinh xã hội, giảm gánh nặng cho Nhà nước, cụ thể: thành lập trên 450 cơ sở y tế; gần 1.300 trường, lớp mầm non, trên 50 cơ sở dạy nghề; 800 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em mồ côi, trẻ tàn tật, người già cô đơn, bệnh nhân tâm thần, HIV/AIDS.

Các tổ chức tôn giáo đã đồng hành cùng với Chính phủ trong công tác phòng chống Covid thông qua việc ủng hộ vật chất (tiền và hiện vật) với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng. Điển hình: Giáo hội Phật giáo Việt Nam ủng hộ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 05 phòng áp lực âm phục vụ điều trị Covid, trị giá 3,5 tỷ đồng; Ủy ban bác ái xã hội, Hội đồng giám mục Việt Nam hỗ trợ vùng dịch của tỉnh Vĩnh Phúc khẩu trang, nước rửa tay, vitamin C; Giáo hội Các ngày sau của Chúa Giê su Ki tô đã ủng hộ 50.000 khẩu trang trị giá 300 triệu đồng…

bà con giáo dân người Mông tại nhà sinh hoạt tôn giáo chung ở bản Sima 2, xã Chung Chải, Mường Nhé, Điện Biên

Đồng báo dân tộc thiểu số được đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo  quy định của pháp luật: Cộng đồng dân tộc Chăm theo Hồi giáo và đạo Bà la môn được thành lập Ban đại diện cộng đồng để hỗ trợ sinh hoạt tôn giáo; Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer đáp ứng nhu cầu đạo tạo của tu sỹ Phật giáo Nam Tông khmer; các tổ chức tôn giáo được phép xuất bản kinh sách tôn giáo bằng 13 tiếng dân tộc; hàng trăm điểm nhóm Tin lành ở Tây Nguyên, Tây Bắc được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; tín đồ tôn giáo là người dân tộc thiểu số được tham gia hoạt động quốc tế: tín đồ Hồi giáo người Chăm tham gia các cuộc thi đọc Kinh Qu’ran quốc tế, dự hội nghị, hội thảo quốc tế về Hồi giáo; chư tăng Phật giáo Nam Tông Khmer tham dự khóa học Phật học tại Thái Lan, Myanmar…

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *