Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
19713

Vì mục tiêu bình đẳng giới thực chất

Việt Nam đã ban hành và sửa đổi khoảng 13.000 văn bản luật và dưới luật, trong đó quyền con người ngày càng được cụ thể hóa. Các điều ước quốc tế về quyền con người Việt Nam tham gia đã được nội luật hóa mạnh mẽ trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, trong đó có các văn bản pháp luật về bình đẳng giới.

Cơ chế bảo đảm bình đẳng giới chưa thực sự hiệu quả

Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Hiến chương Liên Hợp quốc năm 1945 lần đầu tiên khẳng định sự bình đẳng về các quyền giữa phụ nữ và nam giới. Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 xác lập nguyên tắc nền tảng là tất cả mọi người đều được hưởng các quyền và tự do một cách bình đẳng, không có bất cứ sự phân biệt nào về chủng tộc, dân tộc, giới tính, tôn giáo, ngôn ngữ, quan điểm chính trị và các yếu tố khác (Điều 1 và Điều 2). Tiếp theoTuyên ngôn thế giới về quyền con người, nhiều điều ước quốc tế riêng đã được LHQ thông qua nhằm bảo vệ các quyền của phụ nữ và trẻ em gái như: Công ước về trấn áp việc buôn người và bóc lột mại dâm người khác năm 1949; Công ước về các quyền chính trị của phụ nữ năm 1952; Công ước về quốc tịch của phụ nữ khi kết hôn năm 1957; Công ước về đăng ký kết hôn, tuổi tối thiểu khi kết hôn và  việc  kết  hôn  tự  nguyện  năm  1962…  Nguyên  tắc  bình đẳng nam nữ cũng được khẳng định trong cả hai điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người năm 1966 là Công ước về các quyền chính trị, dân sự (ICCPR) và Công ước về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội (ICESCR)… Năm 1967, LHQ thông qua Tuyên bố về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ. Văn kiện này là tiền đề cho sự ra đời của Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) vào ngày 18/12/1979. CEDAW có hiệu lực từ ngày 03/9/1981, là một trong hai điều ước quốc tế về quyền con người có số lượng quốc gia thành viên cao nhất (chỉ đứng sau Công ước về quyền trẻ em).

Ở khu vực châu Á, thu nhập phụ nữ kiếm được chỉ bằng khoảng 70-90% so với nam giới

Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới; 2. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; 3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới” (Điều 26).Quyền cơ bản của phụ nữ theo quy định của Hiến pháp được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật như: Luật Bình đẳng giới, Bộ luật Dân sự, Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Cư trú, Bộ luật Hình sự, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Quốc tịch….

Luật Bình đẳng giới năm 2006 khẳng định: “Mục tiêu bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội. Bộ luật Lao động năm 2012 dành hẳn một chương quy định về lao động nữ. Theo đó, Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ; khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà; có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động…Đặc biệt, Bộ luật Hình sự hiện hành còn thể hiện sự khoan hồng và tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong xử lý tội phạm là nữ: người phạm tội là phụ nữ có thai được quy định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc đối với phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử; không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi…

Việt Nam được đánh giá là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua và được xếp ở nhóm các quốc gia có bình đẳng giới tốt nhất trên thế giới năm 2016. Tuy nhiên, chênh lệch giữa nam và nữ trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị – xã hội, gia đình theo xu hướng nữ giới là nhóm yếu thế vẫn tồn tại khá phổ biến. Nguyên nhân của tình trạng trên một phần đến từ những quy định pháp luật về bình đẳng giới chưa phù hợp, chưa đầy đủvà cơ chế bảo đảm thực hiện pháp luật về bình đẳng giới chưa thực sự hiệu quả.

Phụ nữ vẫn có khuynh hướng bị trả lương thấp hơn nam giới

Việt Nam chưa gia nhập Công ước về các quyền chính trị của phụ nữ năm 1952. Đây là một trong những điểm hạn chế quan trọng khiến cho pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam chưa theo kịp với pháp luật quốc tế. Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, tại Khoản1, Điều 71 quy định: “Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên”. Nhưng Khoản 4 Điều 2 về nguyên tắc cơ bản trong việc thực hiện chế độ hôn nhân gia đình vẫn tiếp tục duy trì khuôn mẫu giới bởi quy định: “Giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình”. Quy định này vô hình chung khẳng định trách nhiệm nuôi dạy con cái vẫn thuộc về người mẹ, kế hoạch hoá gia đình chủ yếu vẫn là trách nhiệm của người vợ.

Vấn đề chênh lệch tuổi nghỉ hưu nam, nữ, danh mục các nghề, công việc không được sử dụng lao động nữ… đều là những vấn đề cần quan tâm giải quyết nhằm đảm bảo bình đẳng giới. Chế định về quấy rối tình dục tại nơi làm việc chưa được quy định rõ nét trong luật. Cần bổ sung, làm rõ một số khái niệm và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong công tác phòng, chống và xử lý quấy rối tình dục tại nơi làm việc để thuận lợi cho việc áp dụng trong thực tiễn, đảm bảo môi trường lao động an toàn, lành mạnh, tính khả thi cao.

Luật Bình đẳng giới ra đời là cơ sở quan trọng nhằm bảo đảm thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, các quy định về quyền bình đẳng giới còn tản mạn, được quy định ở rất nhiều văn bản khác nhau, với nhiều cấp độ khác nhau. Nhiều quy định còn chung chung, nặng tính định hướng, tuyên ngôn, thiếu cụ thể, không mang tính quy phạm. Đặc biệt, nhiều quy định biện pháp chế tài thực hiện có tính cưỡng chế không cao, do đó nhiều hành vi vi phạm quyền bình đẳng của phụ nữ không bị xử lý, hoặc xử lý nhẹ, không có tính răn đe. Cùng với đó, cơ chế phối hợp bảo đảm thực hiện các quyền bình đẳng giới, cơ chế tài chính hỗ trợ các quyền bình đẳng giới còn hạn chế.

Vì mục tiêu bình đẳng giới thực chất

Để thực hiện được mục tiêu bình đẳng giữa nam và nữ, chấm dứt các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ trong mọi lĩnh vực, cần khắc phục những bất cập, hạn chế trong pháp luật về bình đẳng giới, tập trung vào một số giải pháp:

Bao giờ bình đẳng thực sự?

Thứ nhất, nâng cao hơn nữa công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới,bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi văn bản quy phạm pháp luật, tăng các chính sách bù đắp dành riêng thích hợp cho phụ nữ theo từng nhóm như nhóm nữ cán bộ, công chức, viên chức, nhóm phụ nữ nông thôn, nhóm  lao động nữ (nhất là lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động ngoài nhà nước)…Luật Lao động sửa đổi phải đảm bảo nam và nữ nghỉ hưu ở tuổi tối đa và tối thiểu như nhau. Để Bộ luật Lao động sửa đổi phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội cần tổ chức cuộc khảo sát xã hội học trên phạm vi toàn quốc lấy ý kiến rộng rãi của người lao động về tuổi nghỉ hưu.

Thứ hai,cần nghiên cứu để sớm gia nhập Công ước về các quyền chính trị của phụ nữ năm 1952 nhằm tạo cơ sở nội luật hóa và bảo đảm thực hiện tốt hơn nữa quyền chính trị của phụ nữ Việt Nam.

Thứ ba,thực hiện tốt các quy định pháp luật về bình đẳng giới tại các cơ quan, đơn vị, địa phương tạo cơ hội nâng cao vị thế, vai trò cho phụ nữ. Lồng ghép công tác bình đẳng giới vào nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương. Có biện pháp xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm luật bình đẳng giới. Chú trọng công tác phổ biến rộng rãi các trường hợp vi phạm trên các phương tiện thông tin nhằm tạo hiệu ứng lan toả và cảnh báo, răn đe.

Thứ tư, không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt trong xu thế hiện nay khi Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, quá trình nội luật hóa cần bảo đảm nguyên tắc có tính khả thi, phù hợp với văn hóa, xã hội và điều kiện kinh tế tại Việt Nam.■

TS. NGUYỄN THỊ THU HÀ

Việt Nam chưa gia nhập Công ước về các quyền chính trị của phụ nữ năm 1952. Đây là một trong những điểm hạn chế quan trọng khiến cho pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam chưa theo kịp với pháp luật quốc tế vì Công ước về Các quyền chính trị của phụ nữ năm 1952 quy định khá cụ thể và chi tiết về các quyền chính trị của phụ nữ cũng như các biện pháp bảo đảm thực hiện nhằm không ngừng nâng cao vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *