Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
21898

Bảo vệ, bảo đảm quyền được vui chơi, giải trí của trẻ em

Kỳ nghỉ hè năm 2023 đã trôi qua được 2 tuần. Nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở thành phố ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, thiếu không gian vui chơi lại là một thực trạng đáng buồn đang tồn tại ở nhiều địa phương khiến mùa hè của các em trở thành “mùa ở nhà chơi điện tử”. 

Cả một năm học tập, trẻ em chỉ mong được đến hè để xả hơi

Hè của con, nỗi lo của bố mẹ

Sau khi cô giáo gửi tin nhắn thông báo thời gian bế giảng năm học vào cuối tháng 5, chị Hồng Nhung, ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), không khỏi lo lắng: “Con gái 4 tuổi thì tôi còn gửi được tại các nhà trẻ tư, còn bé trai 7 tuổi vừa học xong lớp 1 thì chưa biết phải xoay xở thế nào. Hiện tại tôi vẫn phải cho cháu ở nhà xem ti-vi, vì bố mẹ đi làm suốt. Làm việc tại cơ quan mà lúc nào cũng lo lắng không nguôi, thường xuyên phải gọi điện thoại về nhà và soi camera xem cháu đang làm gì…”.

Anh Lê Văn Tuấn, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy(Hà Nội), có con năm nay lên lớp 3 chia sẻ, nhà tôi ở khu tập thể, nhưng các sân chơi miễn phí cho thiếu nhi dịp hè gần như không có. Khu dân cư có tổ chức sinh hoạt hè cho các cháu, nhưng các hoạt động vẫn chưa phong phú, rập khuôn máy móc dẫn đến nhàm chán. Tôi đã tham khảo một số trại hè, nhưng mức phí khá cao so với thu nhập của gia đình. Các trại hè cũng chỉ tổ chức trong vài tuần hoặc một tháng. Còn lại hai tháng hè, gia đình lại phải gửi con vào các lớp học thêm bán trú.

Tạo lập một sân chơi an toàn cho trẻ là trách nhiệm của toàn xã hội

Thực tế, tình cảnh như chị Nhung và anh Tuấn cũng là nỗi niềm của rất nhiều gia đình trẻ sống tại các thành phố, khu đô thị đang gặp phải khi các con nghỉ hè. Với các bé ở độ tuổi mầm non, các trường công lập thường tổ chức từ một đến hai lớp học hè, hoặc các lớp tư thục, trường mầm non tư nhân vẫn tổ chức các lớp học, lớp năng khiếu cho trẻ, có thể hiểu là hình thức trông con giúp. Cha mẹ có thể gửi con cả ngày tại những lớp học bán trú như thế này. Tuy nhiên, với trẻ ở bậc tiểu học thì nghỉ hè, con chơi ở đâu, ai trông là cả vấn đề, bởi, rất khó để tìm được nơi gửi con trong khi cũng chẳng thể để con ở nhà một mình.

Mà lâu nay, các hoạt động dành cho thiếu nhi còn khá đơn điệu, nơi có nơi không, hoặc có cũng như không bởi sự nhàm chán, thiếu sức hút, dẫn đến chính trẻ cũng không cảm thấy mặn mà.Các điểm vui chơi, sinh hoạt hè, hay một không gian mở dành cho sinh hoạt cộng đồng còn thiếu, môi trường và không gian dành riêng cho trẻ em rất hạn hẹp.

Bơi – một trong những môn thể thao và là trò giải trí mà trẻ ưa thích khi hè về.

Trong khi các điểm vui chơi không gian mở bị lấn chiếm, dịch vụ vui chơi thu phí lại trở nên “nhộn nhịp”. Tại các điểm vui chơi có không gian rộng như Công viên Thủ Lệ, Vườn Bách thảo, Công viên nước Hồ Tây, Thiên đường Bảo Sơn, Khu Ecopark, các trung tâm thương mại… đều mở các dịch vụ vui chơi. Tuy nhiên, để trẻ có thể tham gia các trò chơi, cha mẹ phải trả phí cao. Thiếu vắng chỗ chơi, thiếu vắng người kèm cặp, quản lý…, mùa hè tưởng như là quãng thời gian thú vị, lại trở thành nỗi lo của cha mẹ.

Cần chiến lược ưu tiên tạo sân chơi

Để đáp ứng nhu cầu sân chơi mùa hè cho trẻ, các khoá học kỹ năng sống, nghệ thuật, giải trí, các hoạt động tập thể cho trẻ em như trại hè, học kỳ quân đội… được hình thành từ vài năm nay. Thế nhưng, thời gian tham gia ngắn, chi phí lại không hề nhỏ nên chưa thực sự thu hút được các gia đình.

Công viên Thủ Lệ (Hà Nội) – điểm đến ưa thích của trẻ khi vào hè.

Một thực tế đáng buồn khác là nhiều địa phương xây dựng nhà văn hóa, sân chơi cho trẻ nhưng cũng chỉ để cho có, hoặc làm tụ điểm cho các hoạt động của người lớn, chứ không thực sự phục vụ nhu cầu của trẻ. Chính vì thế, kỳ nghỉ hè của đa số trẻ em thành phố là quẩn quanh trong bốn bức tường và suốt ngày ôm ti vi, điện thoại hoặc tận dụng bất cứ chỗ trống nào ở vỉa hè, lòng đường… để vui chơi. Còn ở các địa phương nhất là vùng sông nước, các em có thể rủ nhau đi bơi sông, hồnhưng nguy cơ tiềm ẩn tai nạn thương tâm đuối nước là rất lớn.

“Như vậy, việc thiếu sân chơi đã dẫn đến nhiều hệ lụy, từ hạn chế khả năng vận động cho đến tư duy cũng như sự phát triển bình thường của các em, đó là chưa kể tới những nguy cơ tiềm ẩn như tai nạn giao thông, đuối nước…”, bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Trưởng ban Giám sát tư vấn bảo vệ quyền trẻ em, Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhấn mạnh.

Tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em có ở khắp các địa phương.

Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ em ở thành phố hiện nay có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với những thiết bị công nghệ và máy móc cho nên khi không có không gian chơi lý tưởng, trẻ sẽ vùi mình vào điện thoại, máy tính bảng hay những trò chơi mang tính bạo lực, những thông tin không thể kiểm soát được nội dung. Chính điều này tác động rất lớn đến tâm lý và tính cách của trẻ, khiến trẻ bị cô lập, không hòa đồng, thêm nữa, ánh sáng điện tử ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ.

Mùa hè chính là thời điểm lý tưởng để các em được tham gia các hoạt động cộng đồng. Đã đến lúc cần nhiều hơn những hành động thiết thực từ các cơ quan chức năng để có được những “sân chơi” hợp lý cho trẻ mỗi khi mùa hè tới. Trước hết, chính quyền các cấp cần phối hợp các nhà trường và các cơ quan, đoàn thể ở địa phương tổ chức nhiều hơn các sân chơi hè cho trẻ em, bảo đảm vui, khỏe, an toàn, bổ ích.

Nỗi lo quản lý trẻ an toàn trong mùa hè.

Vui chơi, giải trí góp phần rèn luyện cho trẻ những phẩm chất cơ bản về trí tuệ, đạo đức, thể chất; giúp trẻ phát triển kỹ năng hình thành nhân cách, nhận thức về xã hội, tăng khả năng giao tiếp với con người và thế giới tự nhiên…

Ðiều 17, Luật Trẻ em năm 2016 quy định: Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí. Ngoài ra, trẻ được bảo đảm quyền bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi. Theo Nghị định số 131/2022/NÐ-CP ngày 31/12/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Ðiện ảnh, trên các kênh truyền hình trong nước có phát phim, phim cho trẻ em được ưu tiên phát sóng vào khung thời gian từ 18 đến 22h…

Trò chơi của trẻ em vùng cao.

Bảo vệ, bảo đảm quyền được vui chơi, giải trí của trẻ là trách nhiệm của Nhà nước, cộng đồng và gia đình. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương cần xác định việc xây dựng nhà thiếu nhi, khu vui chơi, giải trí tại cộng đồng cho trẻ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nghiên cứu ban hành quy hoạch tổng thể và chính sách phát triển các cơ sở vui chơi, giải trí cho trẻ; tăng cường giám sát chuyên đề về việc thực hiện pháp luật, chính sách về giáo dục và vui chơi, giải trí cho trẻ, đặc biệt vùng sâu, vùng xa.

Các cơ quan chức năng cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi người về các quyền cơ bản của trẻ em, trong đó có vui chơi, giải trí; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại các địa phương; xây dựng văn bản hướng dẫn bảo vệ trẻ em trước những thông tin, tư liệu có hại cho sự phát triển lành mạnh…

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *