Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
48313

Báo cáo giữa kỳ tự nguyện của Việt Nam thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III Kỳ 2: “Việt Nam sẽ thành công trong việc gắn kết sứ mệnh bảo đảm quyền con người với nỗ lực phòng chống COVID-19”

Đó là lời khẳng định của bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam tại Hội thảo “Giới thiệu phương pháp và thực tiễn tốt xây dựng báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III” ngày 14/7 vừa qua, bà khẳng định tin tưởng Việt Nam sẽ thành công trong việc gắn kết sứ mệnh bảo đảm quyền con người với nỗ lực phòng chống COVID-19, cũng như sẵn sàng vượt qua mọi thách thức.

Đặt quyền lợi của người dân làm trung tâm

Trong bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam luôn nỗ lực nghiêm túc thực hiện cam kết, nghĩa vụ theo các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên cũng như các cơ chế nhân quyền quốc tế. Trong đó, đặc biệt coi trọng Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền LHQ (HĐNQ LHQ).

Việt Nam đưa các công dân từ Thái Lan về nước phòng tránh dịch Covid 19

Nhằm tiếp tục cụ thể hóa chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo UPR chu kỳ III với nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó có việc xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện.

Việc triển khai hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo UPR chu kỳ III đặt trong bối cảnh hiện nay có những thuận lợi và thách thức đan xen.

Thuận lợi thứ nhất là việc Đại hội lần thứ XIII của Đảng vừa tổ chức thành công đã khơi dậy mạnh mẽ ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, là nền tảng cam kết chính trị cao nhất để bảo đảm, thúc đẩy quyền con người.

Đặc biệt, những quyết sách đưa ra tại Đại hội XIII đều nhấn mạnh việc “dân thụ hưởng”, đặt quyền lợi của người dân làm trung tâm, bảo đảm người dân được thụ hưởng đầy đủ thành quả của công cuộc Đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước.

Những quyết sách này cũng trùng khớp với cách tiếp cận phổ quát về quyền con người mà LHQ cùng nhiều nước sử dụng rộng rãi trong hoạch định chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển.

Đây cũng là kim chỉ nam cho Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị UPR đã chấp thuận nói riêng và các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người nói chung.

Thuận lợi thứ hai là những kinh nghiệm quý báu trong quá trình tham gia hiệu quả hai chu kỳ UPR trước, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, sẽ là cơ sở vững chắc để Việt Nam thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III.

Ngoài ra, việc tham khảo những bài học kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trong quá trình triển khai các khuyến nghị UPR, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng sẽ thực hiện thành công Kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III.

Thuận lợi thứ ba là quyết tâm và nỗ lực nhất quán của Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị đã chấp thuận, với sự đồng lòng, chung sức của chính quyền và người dân, cũng như sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác quốc tế.

Nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” trong đại dịch Covid -19

Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đương đầu với không ít khó khăn. Trước hết, đại dịch COVID-19 đã và đang tạo ra những thách thức lớn chưa từng có với LHQ và các quốc gia thành viên.

Trong bối cảnh nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa ứng phó với đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam đang đối mặt với áp lực lớn trong bảo đảm an toàn tính mạng và an sinh xã hội, đời sống người dân, nhất là những hộ nghèo và cận nghèo. Điều này tạo áp lực rất lớn lên việc bảo đảm quyền con người nói chung và thực hiện các khuyến nghị UPR nói riêng ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Bên cạnh đó, thế giới vẫn tiếp tục phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng như chiến tranh, xung đột, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu, khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia. Cộng hưởng với những tác động của dịch bệnh, những thách thức này đang đặt ra áp lực lớn lên hệ thống y tế, lao động, giáo dục, môi trường trên thế giới nói chung và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Nhu cầu tập trung ứng phó và phục hồi sau đại dịch sẽ khiến nguồn lực hợp tác phát triển toàn cầu bị căng trải, thiếu hụt, ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Đây đều là những nhân tố đang và sẽ ảnh hưởng nhiều mặt đến Việt Nam.

Ghi nhận những thách thức nêu trên song bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam, tin tưởng Việt Nam sẽ thành công trong việc gắn kết sứ mệnh bảo đảm quyền con người với nỗ lực phòng chống COVID-19, cũng như sẵn sàng vượt qua mọi thách thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *