Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
67918

Ra biển làm Đô thị

 Các đô thị biển cũng tạo khả năng tích tụ dân số, tăng cường hội nhập trong lĩnh vực kinh tế biển, giúp tăng cường thực thi chủ quyền dân sự”. Đặc biệt, trong bối cảnh Biển Đông là “nút giao” của các chiến lược toàn cầu của các cường quốc thì mạng lưới đô thị biển sẽ tạo “đối trọng”, tăng sức cạnh tranh của kinh tế biển nước ta, tận dụng các cơ hội và khắc chế các thách thức từ các sáng kiến chiến lược này.

Tiềm năng, lợi thế phát triển đô thị biển ở nước ta

Ngày 22/10/2018, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (Khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược biển 2030). Nghị quyết đã mở ra một chương mới trong tiến trình phát triển đất nước, hướng tới phát triển bền vững kinh tế biển dựa trên nền tảng của kinh tế biển xanh (Blue marine economy). Đây là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế biển theo hướng hiệu quả và bền vững, thực hiện sứ mệnh đưa nước ta trở thành quốc gia: mạnh về biển, làm giàu từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển… 

Đà Nẵng ngày càng nhiều khách sạn mọc lên gần biển

Đô thị biển được hiểu gồm 3 kiểu loại: đô thị ven biển (Coastal city), đô thị đảo/quần đảo (Island city) và đô thị biển (Ocean-based city), thường được tổ chức thành các chuỗi đô thị và chiếm cứ các mảng không gian tương ứng: không gian ven biển, không gian đảo/quần đảo và không gian biển. Gắn với không gian biển, đảo và vùng ven biển nên các đô thị biển có lợi thế về các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, đặc sắc, đa dụng (multi-use); về vị trí “cửa ngõ” giao thương đường biển, đường bộ, đường không; có thế mạnh về phát triển đa ngành, đa lĩnh vực kinh tế ven biển, kinh tế đảo và kinh tế biển. Vì thế, mỗi đô thị biển trở thành một “cực phát triển” chủ công, có tác động lan tỏa, có vai trò kiến tạo liên kết vùng trong quá trình phát triển kinh tế biển, đồng thời là các trung tâm tích tụ và điều tiết dân số biển, đảo…

Trên thế giới, khoảng hơn 50% các đô thị lớn đều tập trung ở vùng ven biển; không ít đô thị đảo có bề dày lịch sử và quy mô lớn như Hawaii, Singapore,… Những thập niên gần đây đã xuất hiện các đô thị biển, điển hình như Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) có 2 công trình đô thị biển nổi tiếng là Palm Jumeirah và Deira Islands ở Dubai. Sân bay Kansai là sân bay đầu tiên trên thế giới được xây dựng trên đảo nhân tạo ở Nhật Bản. Các đô thị ven biển đã quy tụ gần 50% dân số toàn cầu và trở thành các trung tâm phát triển kinh tế – xã hội có tầm vóc lớn như New York, San Diego, Seattle, Hawaii (Mỹ); Thượng Hải, Thâm Quyến, Hồng Kông, Ma Cao, Hạ Môn (Trung Quốc); Seoul (Hàn Quốc); Tokyo, Osaka (Nhật Bản); Bangkok, Pattaya, Phuket (Thái Lan)…

Đất nước ta “ba phần là biển”; bờ biển dài hơn 3.260 km với 114 cửa sông lớn, trên 50 vũng vịnh và 12 đầm phá ven biển điển hình; hơn 3.000 đảo lớn nhỏ, tập trung ở vùng biển ven bờ và ngoài khơi thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia. Đặc biệt có một quần thể khoảng 2.400 đảo đá vôi lớn nhỏ phân bố tập trung ở vùng biển sát bờ Quảng Ninh – Hải Phòng, chứa đựng các giá trị ngoại hạng toàn cầu, độc nhất vô nhị, trong đó có Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Vùng ven biển, biển và các đảo nước ta giàu tài nguyên thiên nhiên, tập trung sôi động các hoạt động phát triển của con người,  ở ba vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế biển, khu công nghiệp và khu chế xuất,…. Không ít đảo/cụm đảo có lợi thế địa lý, có thể xây dựng thành các trung tâm kinh tế đảo với các cơ sở hậu cần nghề cá và dịch vụ biển xa hiện đại, giúp Việt Nam tiến ra đại dương, hội nhập với thế giới.

Đến nay, nước ta mới có 10 huyện đảo ven bờ và 2 huyện đảo ngoài khơi (Trường Sa, Hoàng Sa) thuộc 28 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có biển. Trong 10 huyện đảo ven bờ, mới có 66 đảo có người sinh sống, tỷ lệ còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Khả năng “tích tụ dân số” biển, đảo và vùng ven biển thấp, không đồng đều và mang tính tự phát; thiếu các nguồn đầu tư lớn vào các mảng không gian biển, ven biển và đảo quan trọng này. Điều này đồng nghĩa với việc chưa đánh thức đúng tầm các giá trị của biển, đảo và vùng ven biển; không tạo được liên kết biển – bờ trong bình đồ chiến lược phát triển biển, đảo của đất nước. “Không gian đô thị biển” cần phải được đặt vào vị trí xứng đáng trong bình đồ quy hoạch không gian biển trong thời gian tới.

Không thể mãi “đứng ở ven bờ”.

Cả nước đang triển khai thực hiện Chiến lược biển 2030, tiềm năng kinh tế biển nước ta đang được đánh thức, cần cụ thể hóa và chú trọng giải quyết đồng bộ các mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển; với bảo đảm an sinh xã hội và các gía trị văn hóa biển; với sử dụng hợp lý tài nguyên biển; với bảo vệ môi trường biển; với kinh tế ven biển, kinh tế đảo và kinh tế nội địa. Theo đó, trong số các mảng không gian dành cho phát triển của các ngành, nghề kinh tế biển, không gian đô thị biển cần phải được đặt vào vị trí xứng đáng, tương xứng tiềm năng và lợi thế trong bình đồ tổ chức không gian phát triển kinh tế biển nước ta đến năm 2045 và xa hơn. Nói cách khác, cần phải xem “phát triển đô thị biển” như một lĩnh vực của kinh tế biển.

Xây dựng “Mạng lưới đô thị biển” để hình thành các “cực phát triển động lực”, có khả năng nối kết không gian kinh tế ven biển với không gian kinh tế đảo và không gian kinh tế biển. Phát triển đúng hướng và hiệu quả, mạng lưới chuỗi đô thị biển này sẽ tạo ra “thế và lực” mới, vững chắc cho kinh tế biển nước nhà trong tương lai; đánh thức tiềm năng vốn có ở các vùng biển, ven biển và đảo. Rộng hơn, phát triển mạng lưới đô thị biển góp phần khẳng định thế đứng của một “Quốc gia biển” chứ không phải “Quốc gia ven biển”, để Việt Nam không mãi “đứng ven bờ”. Khi đó, Việt Nam mới thực sự tiến ra biển lớn, đánh thức “mặt tiền”, chuẩn bị điều kiện công nghệ hiện đại để sớm tiến ra đại dương, lấy đại dương “nuôi đất liền”.

Tuy nhiên, ở nước ta đến nay mới có chuỗi đô thị ven biển, chưa có đô thị đảo và đô thị biển theo đúng nghĩa của nó. Nhìn từ góc độ chiến lược và thực tiễn, cần xác lập một lộ trình phát triển đô thị biển theo cách tiếp cận từng bước. Trước hết, cần ưu tiên cải tạo, mở rộng, nâng cấp và xây dựng chuỗi đô thị ven biển, bao gồm các đô thị ven biển hiện có (cũ) và các đô thị ven biển mới từ Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) cho đến Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Các đô thị cũ được xây dựng từ những khoảng thời gian khác nhau, chiếm hơn 50% tổng số gần 850 thành phố, đô thị lớn nhỏ được hình thành trên cả nước. Đó là các “đô thị trung tâm”, đóng vai trò chủ lực ở vùng ven biển, như: Hạ Long, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu,…Trong số hàng trăm khu đô thị mới được xây dựng trên khắp đất nước, tiếp cận trình độ quốc tế, thì các đô thị mới ven biển rất ít. Bên cạnh đó, các đô thị ven biển mới (trong tương lai gần) thường gắn với khu kinh tế ven biển và cảng nước sâu. Có thể là: thành phố Vân Đồn gắn với khu kinh tế biển cùng tên (tỉnh Quảng Ninh); thành phố Nghi Sơn gắn với khu kinh tế và cảng nước sâu cùng tên (tỉnh Thanh Hóa); thành phố Kỳ Anh gắn với khu kinh tế và cảng Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh); thành phố Chu Lai gắn với khu kinh tế Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) và cảng nước sâu Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi)…

Ngoài ra, đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến chuyện ra biển làm đô thị đảo và đô thị biển (hoàn toàn trên biển) để mở rộng không gian sinh tồn của dân tộc (phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh, chủ quyền). “Thành phố Phú Quốc” đã được tỉnh Kiên Giang trình lên Chính phủ để xem xét phê duyệt, có thể trở thành đô thị đảo đầu tiên ở nước ta. Thêm nữa, xây dựng đô thị biển cũng là xu thế tất yếu trên thế giới, nên, “ra biển làm đô thị” cũng là cách để Việt Nam huy động nguồn lực, hướng ra biển, dựa vào biển, làm giàu từ biển và mạnh về biển.

“Hiện thực hóa” mạng lưới đô thị biển ở nước ta

Phân tích trên cho thấy, đề xuất phát triển mạng lưới đô thị biển hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Chiến lược biển 2030, các luật và chính sách biển ở nước ta gần đây. Bên cạnh các “lợi ích kép” mà mạng lưới đô thị biển mang lại, việc xây dựng và phát triển mạng lưới đô thị biển cũng là cách chúng ta khẳng định năng lực làm chủ và khả năng kiểm soát thực tế “ba phần Việt Nam là biển”. Đây cũng là cách phát huy các giá trị của văn hóa biển, kích hoạt sự phát triển của hàng loạt ngành nghề mới, nhất là các dịch vụ biển, năng lượng tái tạo, du lịch biển, nghề cá,…, thông qua phát triển các đô thị biển “xanh”, thích ứng với biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương. Hiện nay, trên các đảo và huyện đảo, nghề cá chiếm tỷ trọng chủ yếu, ngư dân cũng chiếm phần lớn trong cơ cấu dân số và lao động của các huyện đảo. Cho nên, họ cũng là lực lượng nòng cốt trong các đô thị đảo tương lai.

Nhìn lại hệ thống đô thị ven biển nước ta cho thấy, dù đã được cải tạo, mở rộng, nâng cấp, nhưng các đô thị ven biển vẫn chắp vá, thiếu vắng không gian xanh, không gian cho hoạt động cộng đồng, chưa thực sự lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào các phương án quy hoạch đô thị ven biển.

Để “hiện thực hóa” mạng lưới đô thị biển ở nước ta, cần nhiều giải pháp, nhưng phải đồng bộ và làm tốt khâu phối hợp liên ngành,… Trước hết, cần thay đổi tư duy và tầm nhìn để ra biển với tâm thức, tư thế mới; cụ thể hóa một bước chủ trương và nhiệm vụ của Chiến lược biển 2030. Thứ hai, phải điều chỉnh và hoàn thiện luật pháp và chính sách để phát triển bền vững kinh tế biển, dựa trên cơ sở của kinh tế biển xanh với việc bảo toàn nguồn vốn tự nhiên biển. Thứ ba, biển phải được quản lý tổng hợp theo không gian, phù hợp với Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982), phù hợp với quy hoạch không gian biển quốc gia (theo Luật Quy hoạch 2017). Đặc biệt, loại hình quy hoạch mới này phải trở thành công cụ kiểm soát phát triển biển, đảo và vùng ven biển trong thời gian tới. Thứ tư, trong quy hoạch không gian biển quốc gia, ngoài các không gian sử dụng cho các ngành/lĩnh vực kinh tế biển truyền thống (khai thác và nuôi trồng thủy sản, cảng và luồng tuyến hàng hải, du lịch biển, khai thác khoáng sản biển,…), cần phải dành riêng không gian cho phát triển các đô thị biển, năng lượng biển tái tạo và các khu bảo tồn tự nhiên biển. Thứ năm, cần xây dựng lộ trình và hướng dẫn kỹ thuật phát triển từng kiểu loại đô thị biển: đô thị ven biển, đô thị đảo và đô thị biển để cung cấp những nguyên tắc cơ bản cho các nhà đầu tư lựa chọn và thúc đẩy sáng tạo cho những khu đô thị biển cụ thể.

Cần nhấn mạnh rằng, việc huy động vốn để phát triển đô thị biển như nói trên không thể chỉ dựa vào Nhà nước, nhất là các khu đô thị biển mới. Cho nên, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp/tập đoàn kinh tế lớn chủ động đầu tư vào làm giàu cho đất nước, làm lợi cho xã hội, hỗ trợ người dân. Đặc biệt, cần chú ý vận dụng hai nguyên tắc cơ bản: (i) bảo đảm cân bằnghài hòa giữa phát triển và bảo tồn, không đánh đổi môi trường bằng mọi giá; (ii) bảo đảm công bằng giữa phát triển và bảo tồn thông qua tăng cường trách nhiệm pháp lý của Nhà nước và nhà đầu tư thông qua các cam kết có ràng buộc pháp lý./.

PGS.TS. NGUYỄN CHU HỒI*

* Phó Chủ tịch Thường trực Hội nghề cá Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

 Cần phải xem “phát triển đô thị biển” như một lĩnh vực của kinh tế biển. Mặc dù, trên thực tế, có vẻ các mảng không gian đô thị biển đã bị “lãng quên”, chưa có chỗ đứng tương xứng trong chiến lược tiến ra biển, trong khi đây lại là một hướng đi mới, có khả năng tạo ra “cú hích” cho phát triển bền vững kinh tế biển nước ta, góp phần khẳng định và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

 

 

* Phó Chủ tịch Thường trực Hội nghề cá Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *