Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
15607

Tín dụng cho những người lầm lỡ – chính sách giàu tính nhân văn

Từ 10/10/2023, Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm chính thức có hiệu lực.

Chính sách đầu tiên

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù thể hiện sâu sắc chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước và truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức xã hội, phát huy vai trò tham mưu, nòng cốt của lực lượng Công an Nhân dân, công tác tái hòa nhập cộng đồng đã thu được những kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội trong việc quan tâm tạo điều kiện, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, không tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, công tác tái hòa nhập cộng đồng vẫn còn những hạn chế, khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu như mong muốn, nhất là vấn đề tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù để ổn định cuộc sống, không tái phạm tội.

Xuất phát từ thực tế đó, Bộ Công an đã trao đổi và nhận được sự đồng thuận, hỗ trợ rất tích cực của Ngân hàng Chính sách Xã hội, các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong quá trình nghiên cứu đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đây là lần đầu tiên chúng ta có một cơ chế rất cụ thể tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận, vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống; đồng thời cũng có cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm, sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Thực tế, trước khi có Quyết định 22 thì chưa có một chính sách riêng nào hỗ trợ vay vốn cho người chấp hành xong án phạt tù. Cho nên, Quyết định 22 là được coi là “cứu cánh” cho những người đã từng lầm lỡ, giúp họ phát triển bình đẳng như các cá nhân khác để ổn định đời sống, đồng thời gián tiếp góp phần đem lại bình yên cho gia đình và xã hội.

Theo Quyết định 22, đối tượng được vay vốn gồm: người chấp hành xong án phạt tù, bao gồm người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù quy định tại Luật Thi hành án hình sự và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá quy định tại Luật Đặc xá; cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Các phạm nhân được cán bộ dạy về chính sách, pháp luật.

Quyết định 22 cũng nêu rõ người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, do Công an cấp xã lập và được Ủy ban Nhân dân cấp xã xác nhận. Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 5 năm.

Điều kiện vay vốn đối với cơ sở sản xuất kinh doanh: Được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật; sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù đáp ứng các điều kiện nêu trên và ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động; có phương án vay vốn và được Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi thực hiện phương án xác nhận.

Quyết định nêu rõ người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh quy định ở trên phải thuộc trường hợp không còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách Xã hội đối với các chương trình tín dụng khác có cùng mục đích sử dụng vốn vay để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm theo quy định của pháp luật thì mới đủ điều kiện để vay vốn.

Nỗ lực để không ai bị bỏ lại phía sau

Phải khẳng định rằng, việc có chính sách tín dụng giúp những người lầm lỡ có việc làm, kế sinh nhai là vấn đề cơ bản, cốt lõi nhất để giúp họ có điều kiện phát triển bình đẳng như các cá nhân khác trong cộng đồng, tái hòa nhập cộng đồng bền vững. Đây cũng chính là giải quyết vấn đề an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, khi chính sách tín dụng này được ban hành sẽ khuyến khích được các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù để tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, phát triển quy mô sản xuất, qua đó tạo thêm được nhiều việc làm cho xã hội.

Đào tạo nghề cho phạm nhân.

Nhưng để chính sách nhân văn này sớm được triển khai và phát huy hiệu quả trong đời sống, các địa phương đã có sự phối hợp và chuẩn bị như thế nào và hướng dẫn những người trong diện thụ hưởng ra sao?

Có ý kiến cho rằng, khi thực hiện theo Quyết định 22 sẽ khó khăn trong việc đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích và trả đúng thời hạn, vì người chấp hành xong án phạt tù vay vốn để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.

Còn cơ sở sản xuất kinh doanh vay vốn trên 100 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định. Tuy nhiên quy định về phương thức cho vay cũng đã có những nội dung để đảm bảo lợi ích cho các bên, tránh tình trạng trục lợi chính sách.

Thực tế, triển khai yêu cầu của Thủ tướng chính phủ, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc tổ chức, thực hiện Quyết định.

Đồng thời chỉ đạo các cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến chính sách tại quyết định; chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan tại địa phương tham mưu HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay.

Đặc biệt chỉ đạo Công an cấp xã là cấp quản lý trực tiếp, phải lập và cung cấp danh sách người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn, theo định kỳ hàng tháng.

Quy trình lập hồ sơ, xét duyệt cho các đối tượng vay tại Quyết định này do Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện. Để Quyết định này đạt hiệu quả và thể hiện tính nhân văn của chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp đã phối hợp tuyên truyền, tổ chức, giám sát triển khai thực hiện nhằm đảm bảo hỗ trợ đúng quy định và đúng đối tượng, tránh việc lợi dụng chính sách quy định tại Quyết định này để trục lợi.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhân văn, nhân đạo nhằm giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những người gặp khó khăn do không thể tìm được việc làm, không có vốn để tự sản xuất, kinh doanh, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tái phạm tội.

Chính vì thế Quyết định này là cơ chế tín dụng đầu tiên dành riêng cho người chấp hành xong án phạt tù, sẽ tạo điều kiện giúp họ tiếp cận nguồn vốn phục vụ học nghề, sản xuất, kinh doanh, có nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống bền vững hơn.

H.Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *