Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
22836

Quyền sống là một quyền tối cao của con người

Quyền sống là một quyền tự nhiên, tất yếu, vốn có của con người; là quyền quan trọng nhất đối với mỗi người, là cơ sở cho tất cả các quyền con người.

Chưa bao giờ, việc bảo vệ mạng sống của con người được nói nhiều trên thế giới như hiện nay. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, mỗi năm, trên toàn thế giới có hơn 700.000 người tự tử. Mỹ đang phải báo động vì có số người tự tử ngày càng gia tăng. Thậm chí, Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 5 đã nhấn mạnh các biện pháp mà ông đang triển khai để giảm tình trạng bạo lực súng đạn, đồng thời nhắc lại yêu cầu rằng Quốc hội cần “làm nhiều hơn nữa” để bảo vệ mạng sống của nhiều người.

Quyền sống là “một quyền tối cao” của con người.

Thực tế, quyền sống (the right to life) là một quyền tự nhiên, cơ bản của con người được ghi nhận trong các văn kiện cốt lõi của luật nhân quyền quốc tế. Cụ thể, Điều 3 Tuyên ngôn Toàn thế giới về nhân quyền (UDHR) năm 1948 nêu rằng: “Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân”. Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) cụ thể hóa Điều 3 UDHR, trong đó nêu rằng: “Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tuỳ tiện” (Khoản 1).

Bên cạnh ICCPR, một số công ước quốc tế khác về quyền con người cũng đề cập đến quyền sống, trong đó bao gồm Công ước về quyền trẻ em, Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng, Công ước về trấn áp và trừng trị tội ác aparthei…

Đặc điểm, tính chất và nội hàm của quyền sống đã được Ủy ban Nhân quyền (Human Rights Committee – HRC – cơ quan được lập ra theo ICCPR để giám sát việc thực hiện công ước này của các quốc gia thành viên) đề cập trong Bình luận chung số 6 (thông qua tại phiên họp lần thứ 16 năm 1982), có thể tóm tắt những điểm quan trọng như sau:

– Quyền sống là “một quyền tối cao (supreme right) của con người mà trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả trong tình trạng khẩn cấp của quốc gia, cũng không thể bị tạm đình chỉ (derogation) việc thực hiện…” (đoạn 1).

– Quyền sống không nên hiểu theo nghĩa hẹp chỉ là sự toàn vẹn về tính mạng mà hơn thế, quyền này bao gồm cả những khía cạnh nhằm bảo đảm sự tồn tại của con người. Theo cách tiếp cận đó, việc bảo đảm quyền sống còn đòi hỏi các quốc gia phải thực thi những biện pháp để làm giảm tỉ lệ chết ở trẻ em và tăng tuổi thọ bình quân của người dân, cụ thể như các biện pháp nhằm xóa bỏ tình trạng suy dinh dưỡng và các dịch bệnh… (đoạn 2), tức là bao gồm cả các biện pháp thụ động và chủ động để bảo đảm cuộc sống của người dân, đặc biệt là của những cá nhân và nhóm yếu thế.

Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên khắp thế giới.

– Một trong các nguy cơ phổ biến đe dọa quyền sống là chiến tranh và các tội phạm nghiêm trọng như diệt chủng hay tội phạm chống nhân loại. Vì vậy, việc chống chiến tranh và các tội phạm này cũng là sự bảo đảm quyền sống. Theo cách tiếp cận đó, việc bảo đảm quyền sống trong Điều 6 có mối liên hệ với nghĩa vụ cấm các hoạt động tuyên truyền chiến tranh và kích động hận thù, bạo lực nêu ở Điều 20 ICCPR (đoạn 3).

– Phòng chống những hành động tội phạm gây nguy hại hoặc tước đoạt tính mạng con người là biện pháp quan trọng để bảo đảm quyền sống. Các quốc gia thành viên cần tiến hành các biện pháp phòng chống và trừng trị việc tuỳ tiện tước đoạt tính mạng con người do bất kỳ chủ thể nào gây ra, kể cả do các cơ quan và viên chức nhà nước (đoạn 5). Liên quan đến vấn đề này, việc bắt cóc người và đưa đi mất tích cũng bị coi là một trong những hình thức tước đoạt quyền sống, do đó, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ đưa ra những biện pháp và kế hoạch hiệu quả để phòng chống và điều tra các vụ việc dạng này (đoạn 4).

Ở Việt Nam, ngay Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định như sau: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Trên thực tiễn, quyền sống được Nhà nước Việt Nam ghi nhận trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và trong các đạo luật chuyên ngành trước đây thông qua các quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân.

Đến Hiến pháp năm 2013, quyền sống đã được nêu trực tiếp tại Điều 19 Hiến pháp năm 2013 về quyền sống của cá nhân: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai được tước đoạt tính mạng trái luật”.

Hiến pháp cũng bổ sung một nguyên tắc hiến định đó là: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Điều 14).

Có thể nói quy định về quyền sống trong Hiến pháp 2013 là một quy định mới hết sức tiến bộ khẳng định giá trị nhân văn của bản Hiến pháp nói chung cũng như sự xác lập quyền làm chủ của Nhân dân đối với xã hội, Nhân dân là chủ thể quyền lực tối cao. Đồng thời việc xác lập quyền sống còn khẳng định rằng, Việt Nam luôn thực hiện một cách nghiêm túc và đầy đủ các cam kết quốc tế về nhân quyền đối với Liên Hiệp Quốc, chúng ta luôn thực hiện một cách nghiêm chỉnh các điều ước quốc tế về nhân quyền mà mình là thành viên.

Trong pháp luật hình sự, quyền này được thể hiện rõ nhất thông qua việc quy định về hình phạt tử hình. Theo đó, các tội danh hiện còn áp dụng hình phạt tử hình theo Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 bao gồm: Hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); Giết người (Điều 123); Tham ô tài sản (Điều 353); Nhận hối lộ (Điều 354); Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421); Chống loài người (Điều 422); Tội phạm chiến tranh (Điều 423); Phản bội Tổ quốc (Điều 108); Mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251); Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền Nhân dân (Điều 109); Bạo loạn (Điều 112); Gián điệp (Điều 110); Khủng bố (Điều 299); Khủng bố nhằm chống chính quyền Nhân dân (Điều 113); Phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248); Vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *