Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
18880

“Tiêu chuẩn kép” trong ván bài Ukraine của nước lớn

Ngày 7/7 vừa qua Bộ Quốc phòng Mỹ ra tuyên bố chính thức về việc gửi bom chùm nằm trong gói hỗ trợ mới trị giá 800 triệu USD của Mỹ cho Ucraina. Quyết định gửi bom chùm đánh dấu bước ngoặt mới trong chính sách viện trợ của Mỹ cho Ucraina trong bối cảnh cuộc xung đột Nga – Ucraina vẫn đang diễn ra hết sức quyết liệt,

Điều mà chính phủ nhiều nước cũng như dư luận quốc tế quan tâm là bom chùm chính là loại vũ khí mà hầu hết các nước trên thế giới đã nhất trí không nên sử dụng trong chiến tranh hiện đại. Ngay cả Mỹ cũng coi việc sử dụng bom chùm là tội ác. Bằng chứng là cách đây hơn một năm, trong một đoạn video đăng ngày 28/2/2022 cựu thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki từng nói rằng việc sử dụng bom chùm là tội ác chiến tranh.

“Bom chùm” là loại bom bung ra ở trên không và giải phóng hàng trăm thiết bị nổ nhỏ hơn (gọi là bom con), văng ra trên diện tích rộng. Sau khi rơi xuống đất, một số bom con không phát nổ và trong nhiều thập niên sau đó vẫn có khả năng khiến người dân thiệt mạng khi chạm phải.

Trong một thông điệp cá nhân đăng tải trên mạng xã hội Telegram ngày 9/7/2023, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã kêu gọi Mỹ không gửi bom chùm sang Ucraina vì theo ông, nếu việc gửi bom chùm xảy ra đó sẽ là thảm họa kéo dài hàng chục, thậm chí hàng trăm năm cho người dân nước này. Ông Hun Sen nói rằng “Campuchia đã có trải nghiệm đau thương từ bom đạn của Mỹ trong những năm đầu 1970. Tới nay đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, chúng tôi vẫn chưa có cách phá hủy hết số bom này”. Theo số liệu từ Đại học Yale (Mỹ), khoảng từ năm 1965 – 1973, trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, máy bay Mỹ đã rải trên 230.500 quả bom xuống 113.716 địa điểm ở Campuchia.

Việt Nam cũng từng là nạn nhân của hàng triệu tấn bom Mỹ đã trút xuống các tỉnh, thành phố trong những năm chiến tranh. Đến nay, hàng năm vẫn có không ít người Việt Nam chết và bị thương bởi những quả bom còn sót lại từ thời kỳ đó.

Quyết định của Mỹ gửi bom chùm sang Ucraina đã vấp phải sự phản đối của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và của nhiều nước khác, trong đó có cả Anh, Đức, Tây Ban Nha, Canada…, những nước đã cam kết với thỏa thuận của LHQ về việc cấm bom chùm. Trên MXH, nhiều người cũng lên tiếng phản đối hành động của Mỹ, coi đó là “cách chơi phá luật”. Một số bình luận khác: “Bom chùm là kẻ sát nhân hàng loạt”, “Việc sử dụng bom chùm ở bất cứ đâu đều phải bị lên án”, “Đây phải coi là tội ác chống loài người”, “Thả bom chùm trên lãnh thổ Ucraina chắc chắn sẽ làm nhiều người dân thường bị thương vong”…

Từ lâu nay, Mỹ và một số nước phương Tây vẫn thường sử dụng tiêu chuẩn kép trong các vấn đề như tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền để áp đặt chính sách đối ngoại, kinh tế, thương mại của mình lên các quốc gia khác, thậm chí để phát động những cuộc chiến tranh ở nước khác. Những cuộc chiến tranh ở Nam Tư, Afganistan, Iraq, Libya… đều do Mỹ phát động dưới chiêu bài bảo vệ dân chủ, nhân quyền.

Chiến tranh thường được khởi nguồn từ những toan tính của các nước lớn với tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Trong những cuộc xung đột đó, các nước lớn tự cho mình cái quyền sử dụng “tiêu chuẩn kép” để làm những việc mà họ thích làm, bất chấp sức khỏe và mạng sống của người dân các nước khác. Một số nhà phân tích quốc tế nhận định, việc Mỹ quyết định gửi bom chùm tới Ucraina cho thấy Mỹ quan tâm đến chuyện ngăn chặn Nga giành chiến thắng hơn là giữ cho người dân tránh khỏi nguy hiểm.

Có vẻ như Mỹ đang đi một nước cờ sai lầm khi tự cho mình cái quyền sử dụng “tiêu chuẩn kép” trong ván bài Ucraina./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *