Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
67912

Sứ mệnh “Tứ giác kim cương”: Liệu có kiềm chế được sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc? Kỳ 3: Chiến tranh Lạnh mới

Ngày 12-3 (theo giờ Mỹ), liên minh “Tứ giác kim cương”  Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương non trẻ thường được biết đến với cái tên Bộ tứ hay “Tứ giác kim cương” bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ chính thức nhóm họp theo hình thức trực tuyến để khẳng định sứ mệnh duy nhất có ý nghĩa là an ninh hàng hải, trong đó, mục tiêu lớn là kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới.

Sẵn sàng đối đấu

Song song với đó, các thành viên của QUAD cũng bắt đầu xem xét các hoạt động của Trung Quốc. Tại Australia, một cuộc điều tra trên phương tiện truyền thông đã vạch trần cái mà họ gọi là chiến dịch của Trung Quốc và các lực lượng ủy nhiệm nhằm xâm nhập vào tình hình chính trị của đất nước với các mục tiêu bao gồm trường đại học, sinh viên địa phương và các nhóm cộng đồng, truyền thông tiếng Trung cùng một số chính trị gia hàng đầu. Năm 2019, ông Scott Morrison trở thành Thủ tướng Australia, sẵn sàng đối đầu trực tiếp hơn với Trung Quốc, và khiến Bắc Kinh nổi giận bằng cách kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về virus SARS-CoV-2 tạo ra đại dịch COVID-19 được phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán. Bắc Kinh trả đũa bằng cách áp đặt các hạn chế thương mại đối với than, lúa mạch và rượu xuất xứ từ Australia.

Các nhà lãnh đạo trong Bộ tứ gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhóm họp trực tuyến

Căng thẳng Trung-Ấn thì càng trở nên trầm trọng khi tranh chấp biên giới kéo dài trên dãy Himalaya bùng phát thành một cuộc đấu súng đẫm máu hè 2020, dẫn đến cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ và một số thương vong chưa xác định của Trung Quốc. New Delhi lo ngại về việc xây dựng Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan qua một phần Kashmir – vùng lãnh thổ Ấn Độ kiểm soát; lo ngại về các đập của Trung Quốc có thể làm hạn chế dòng chảy của sông Brahamputra; các hoạt động ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và ảnh hưởng của Trung Quốc tới Maldives, Seychelles và Sri Lanka. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố rằng New Delhi sẽ không thỏa hiệp về “tính toàn vẹn và chủ quyền” và sẽ “đối phó hiệu quả với cả chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa bành trướng”.

Có thể bắt đầu một cuộc chiến tranh lạnh mới

Câu hỏi được đặt ra lúc này là những quốc gia thành viên của liên minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể làm những gì? Gần đây nhất, một cuộc họp 2+2 của các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Nhật Bản-Anh đã thảo luận về biện pháp để “mang lại một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” khi mà Trung Quốc vừa ban hành luật mới cho phép lực lượng tuần duyên sử dụng vũ khí chống lại tàu thuyền nước ngoài ở vùng biển tranh chấp- nơi nước này tuyên bố có quyền kiểm soát. Pháp, quốc gia có 7.000 binh sĩ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để hỗ trợ các vùng lãnh thổ Nam Thái Bình Dương, kể từ năm 2014, đã nhấn mạnh cam kết tự do hàng hải bằng cách cho tàu thuyền qua lại thường xuyên trên Biển Đông. Tháng 1-2021, Tham mưu trưởng Hải quân Pháp, Đô đốc Pierre Vandier đã đến thăm Tokyo và nói: “đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc, Pháp sẵn sàng tăng cường hợp tác với Bộ tứ và từ tháng 5 sẽ tham gia các cuộc tập trận quân sự chung trên biển Hoa Đông”, đồng thời cũng thảo luận về khả năng Pháp cùng Nhật Bản tham gia mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo “Five Eyes Plus Two”. Tháng 9-2020, Đức, dù không giống như Anh-Pháp và không có lãnh thổ kiểm soát ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, vẫn thông qua các hướng dẫn mới, chính thức xác nhận khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tháng 5 này, Đức sẽ điều một tàu khu trục nhỏ đến Biển Đông, biển Hoa Đông với các điểm dừng ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.

Tàu chiến Trung Quốc trên vùng biển Hong Kong hồi năm 2017

Đương nhiên là Bắc Kinh đã tính đến khả năng kìm chế sự phát triển của Bộ tứ bằng việc đe dọa một hoặc nhiều quốc gia muốn hoặc đang tham gia nhóm. Những phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ giống như một lời cảnh báo: “Việc xây dựng các vòng kết nối nhỏ có thể bắt đầu một cuộc Chiến tranh Lạnh mới; từ chối, đe dọa hoặc cố tình áp đặt sự tách rời, gián đoạn nguồn cung cấp hoặc thực hiện các biện pháp trừng phạt để tạo ra sự cô lập hoặc ghẻ lạnh, sẽ chỉ đẩy thế giới vào sự chia rẽ, thậm chí là đối đầu”.

Huyền Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *