Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
43376

Đừng cố xuyên tạc truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” mỗi dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ!

 

Từ những chủ trương, chính sách, hành động cụ thể, thiết thực để chăm sóc người có công đối với cách mạng xuất phát từ đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, ngày 27/7 được xác định là Ngày Thương binh – Liệt sỹ (1947), Đảng, Nhà nước và mỗi người dân Việt Nam đều dành những cử chỉ tốt đẹp nhất như gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Thế nhưng vẫn có những kẻ ngày đêm chống phá đất nước hằn học cực đoan thì lợi dụng dịp này để xuyên tạc, bóp méo nhằm kích động, chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

NHỮNG LUẬN ĐIỆU LẠC LÕNG

Lợi dụng một số vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách ở một số ít địa phương, họ đưa ra các luận điệu, bài viết, video trắng trợn với nội dung cóp nhặt, lập lờ, đánh tráo giá trị, đổi trắng, thay đen, tạo ra sự hoài nghi, gây xáo trộn tư tưởng, niềm tin của nhân dân. Họ phủ nhận những cống hiến, hy sinh to lớn của người có công với cách mạng. Họ cho rằng nền kinh tế – xã hội đất nước chậm phát triển là do quá quan tâm đến người có công với cách mạng (?!). Đặc biệt nguy hiểm hơn, họ kêu gọi, dụ dỗ tập hợp những đối tượng bất mãn, cơ hội để lập ra các hội, nhóm cựu chiến binh, từ đó tuyên truyền, kích động, lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin tham gia, gây mất an ninh trật tự…

Thậm chí từ sự kiện này, họ xuyên tạc, phủ nhận các cuộc chiến tranh chống xâm lược như do sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà dẫn đến “cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn”, “Nồi da xáo thịt” hoặc “miền Bắc xâm lược miền Nam”… đẩy người dân vào chết chóc, nay Đảng được hưởng lợi, ăn trên ngồi chóc, kỷ niệm linh đình, khoa trương ngày 27/7 nhằm khoét sâu thương tổn cho lính Việt Nam Cộng hòa, không thực tâm hướng đến hòa hợp hòa giải dân tộc…

Dễ dàng nhìn ngay ra động cơ, bản chất phía sau luận điệu xuyên tạc này là giọng điệu của những kẻ “mong muốn” được làm tay sai cho ngoại bang để có lợi lộc, hoặc “ước mơ hão huyền” về danh phận nếu âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch thành công. Họ hết lời ca ngợi chế độ Việt Nam cộng hòa, chấp nhận thân phận “con rối”, “chú hề”, khơi gợi hận thù, kích động mâu thuẫn nhằm gây mất ổn định, phá hoại sự đoàn kết, thống nhất của dân tộc. Về bản chất của chế độ Việt Nam cộng hòa, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã từng thừa nhận: “Mỹ còn viện trợ, thì chúng tôi còn chống Cộng. Nếu Hoa Kỳ mà không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau ba giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi Dinh Độc Lập”.

NHỮNG HY SINH KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN

Bom đạn, vũ khí của Mỹ đã gây nên những hậu quả hết sức thảm khốc cho dân tộc ta. Theo thống kê, có khoảng hơn 4 triệu dân thường ở cả miền Nam và miền Bắc bị chết và bị thương tật suốt đời; có khoảng 850.000 quân nhân hy sinh, 600.000 quân nhân bị thương hoặc bị bệnh; có hơn 200.000 hài cốt liệt sỹ vẫn chưa tìm thấy, khoảng 300.000 hài cốt liệt sỹ chưa xác định được danh tính tại các nghĩa trang; có trên 312.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; có hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước… Trong đó, tỉnh Quảng Nam có hơn 65.000 liệt sỹ (là tỉnh có số liệt sỹ nhiều nhất cả nước), trong đó huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) có hơn 19.800 liệt sỹ (là huyện có số liệt sỹ nhiều nhất cả nước). Nước ta hiện có gần 140.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó Quảng Nam có hơn 15.000 mẹ (là tỉnh có nhiều Mẹ Việt Nam Anh hùng nhất cả nước). Ngoài ra, còn rất nhiều hậu quả của chiến tranh vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay, tiêu biểu như những di chứng của thương tật, của chất độc màu da cam, bom mìn còn sót lại… Đó là những sự mất mát, hi sinh, là xương máu, là nỗi đau mà dân tộc ta đã phải trải qua mới có được thắng lợi, thống nhất, hòa bình và độc lập như ngày hôm nay.

Những mất mát, hi sinh, nỗi đau to lớn còn hiện hữu, mỗi người chúng ta đều có thể nhận thức rõ. Vì vậy, tháng 7 hàng năm chúng ta tổ chức các hoạt động nhân Ngày Thương binh liệt sĩ (ngày 27/7) là khoảng thời gian cao điểm thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn của những thương binh, liệt sĩ trong cuộc chiến giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc. Đó là những nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nhằm đền ơn đáp nghĩa, nhằm xoa dịu một phần nỗi đau không gì bù đắp được của những gia đình liệt sỹ, thương binh, những người có công với cách mạng.

Không phải tự dưng mà ngay cả người Mỹ và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới đã có nhiều hành động ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến chống Mỹ, cứu nước. Điều đó được thể hiện trong thời gian Mỹ tham chiến tại Việt Nam, đã có 50 quốc gia có phong trào ủng hộ Việt Nam, hơn 200 tổ chức, ủy ban, phong trào đoàn kết ủng hộ Việt Nam, hơn 160 triệu người ở nhiều nước ghi tên tình nguyện sang Việt Nam đánh Mỹ, 83 cơ quan đại diện của Mỹ ở các nước bị nhân dân sở tại đập phá… Ngay trong nội bộ nước Mỹ, cũng có hơn 200 tổ chức chống chiến tranh Việt Nam trên khắp các bang; thậm chí, có những công dân Mỹ tự thiêu để phản đối cuộc chiến… Đó là những bằng chứng hùng hồn cho thấy tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam; ngược lại, cho thấy tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam.

NHỮNG CHÍNH SÁCH THIẾT THỰC

Từ năm 1975 đến nay, khi đất nước độc lập, thống nhất, Đảng, Nhà nước ta càng quan tâm hơn đối với người có công cách mạng cả về chủ trương, chính sách lẫn hành động thực tiễn. Hiến pháp năm 1992 trang trọng ghi nhận: “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Thương binh được tạo điều kiện phục hồi chức năng lao động, có việc làm phù hợp với sức khoẻ và đời sống ổn định. Những người và gia đình có công với nước được khen thưởng, chăm sóc”. Nguyên tắc này đã được thể chế trong Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng năm 1994 và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” năm 1994, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005 và các Nghị định của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng,… Đặc biệt, năm 2020, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021) với nhiều điểm mới, hướng tới nâng cao chế độ ưu đãi và mở rộng số người hưởng ưu đãi cho người có công với cách mạng nhằm tạo điều kiện để người có công nỗ lực vượt lên khó khăn, ổn định cuộc sống, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia tích cực vào công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.

Từ chủ trương, đường lối, chính sách đó, Đảng, Nhà nước ta đã hiện thực hóa trong thực tế bằng các hoạt động, như: “Đền ơn, đáp nghĩa”, chăm sóc người có công đã thực sự trở thành phong trào rộng khắp, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương. Các chương trình lớn như “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, “Vườn cây tình nghĩa”, “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”, “Nhà tình nghĩa”, “Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng”, “chăm sóc bố, mẹ liệt sỹ già yếu cô đơn, con liệt sỹ mồ côi”,… đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trở thành phong trào tự nguyện, tự tâm trong các tầng lớp nhân dân, thể hiện sự trân trọng, biết ơn đối với những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lâp, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công cách mạng, tăng cường an sinh xã hội và “thế trận lòng dân” vững chắc.

Hiện nay cả nước có trên 9,2 triệu người có công cách mạng được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi. Hàng năm, Nhà nước dành hơn 32.000 tỉ đồng từ ngân sách để thực hiện chính sách ưu đãi người có công cách mạng. Tính trong giai đoạn từ năm 2017 – 2021, số xã, phường làm tốt công tác thương binh – liệt sỹ liên tục tăng dần từ 96,6% năm 2017 đến năm 2021 là 99%; chỉ tiêu mức sống của người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú tăng dần từ 98% năm 1917 đến năm 2021 là 98,6%. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước vận động được hơn 4.900 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước đạt hơn 61.600 sổ với tổng kinh phí là hơn 113,7 tỷ đồng. Xây dựng mới hơn 36.400 nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 24.000 nhà tình nghĩa trị giá gần 2.140 tỷ đồng. Phong trào nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng được tiếp tục đẩy mạnh, góp phần tích cực chăm lo đời sống của các đối tượng và gia đình có công với cách mạng, tính đến tháng 12/2021 cả nước có 3.736/139.882 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng.

Hàng năm, vào những ngày tháng 7 thiêng liêng, trên cả nước từ miền xuôi đến miền ngược, từ nông thôn đến thành thị, từ các vùng sâu, vùng xa, bên giới, hải đảo người người đều thể hiện tình cảm thắm thiết của mình đối với người có công với cách mạng. Các đoàn cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân tổ chức các hoạt động về nguồn, thăm chiến trường xưa, thăm viếng nghĩa trang liệt sỹ, thành kính dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sỹ.

Những luận điệu và hành động đó là hoàn toàn bịa đặt, phi lịch sử, nhằm mục đích đen tối, làm suy giảm lòng tin của một bộ phận nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, làm xói mòn thuần phong, mỹ tục, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là điều không thể chấp nhận được, vì rằng tất cả những điều mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã làm là thể hiện tình cảm sâu nặng đối với người có công với cách mạng, đó là bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *