Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
28139

Sứ mệnh của “Tứ giác kim cương”: Liệu có kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc? Kỳ 2: QUAD 102-NATO thu nhỏ của châu Á

Ngày 12-3 (theo giờ Mỹ), liên minh “Tứ giác kim cương”  Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương non trẻ thường được biết đến với cái tên Bộ tứ hay “Tứ giác kim cương” bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ chính thức nhóm họp theo hình thức trực tuyến để khẳng định sứ mệnh duy nhất có ý nghĩa là an ninh hàng hải, trong đó, mục tiêu lớn là kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới.

QUAD 101 bị sụp đổ trong thời gian ngắn và sau đó lại được tái sinh chậm chạp, bắt nguồn từ cuộc tranh chấp biên giới trên dãy Himalaya giữa Trung Quốc và Ấn Độ. New Delhi lo lắng về việc Bắc Kinh ngày càng tham vọng ở Ấn Độ Dương và Biển Đông với tuyên bố đơn phương về đường lưỡi bò hay còn gọi là đường chín đoạn. Sự lo lắng được nhân lên gấp bội vào năm 2011, sau khi tàu INS Airavat của Hải quân Ấn Độ đến thăm Việt Nam, tàu hải quân Trung Quốc liên lạc với yêu cầu tàu Airavat phải giải thích sự hiện diện ở Biển Đông mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của họ. Ba năm sau, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận ở eo biển Lombok, ngoài khu vực đường chín đoạn đánh dấu tuyên bố chủ quyền đơn phương và phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông. Đối với các nhà phân tích Ấn Độ, các cuộc tập trận này là tín hiệu cho thấy Trung Quốc có thể tiến gần hơn đến bộ chỉ huy chung Andaman và Nicobar của Ấn Độ thông qua Lombok, và là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiểm tra khả năng đối chọi ở Ấn Độ Dương, nơi họ vẫn đang thiếu cơ sở hậu cần và sự ủng hộ.

Quân đội Ấn Độ kiểm tra tuyến đường gần núi Zojila nối Srinagar tới vùng lãnh thổ Ladakh, giáp biên giới Trung Quốc

Nhật Bản thì ngày càng lo ngại về chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc sau sự cố năm 2010, trong đó một tàu đánh cá Trung Quốc đâm hai tàu tuần duyên Nhật Bản đang đi ra khỏi quần đảo Điếu Ngư/Senkaku do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Hoa Đông. Từ đó, Trung Quốc lớn tiếng cho biết thực hiện tuần tra khu vực này để bảo vệ quyền chủ quyền của mình. Sự việc dẫn đến chuyện chính phủ Nhật Bản mua 3 trong số 5 quần đảo Điếu Ngư/Senkaku từ các chủ sở hữu tư nhân người Nhật vào năm 2012. Mặc dù việc mua đảo chỉ đại diện cho sự chuyển giao quyền sở hữu trong nước, không có ý nghĩa gì đối với luật pháp quốc tế nhưng sự tức giận của chính phủ Trung Quốc đã tạo ra các cuộc biểu tình chống Nhật quy mô lớn kèm theo thiệt hại không nhỏ về cơ sở vật chất, tài sản. Bê bối dẫn đến việc đảng bảo thủ của Thủ tướng Abe Shinzo trở lại nắm quyền.

Trong khi đó, tại Mỹ, năm 2011 chính quyền Tổng thống Barack Obama do lo lắng về các hành động của Trung Quốc, đã tuyên bố về chính sách “xoay trục sang châu Á” với tiền đề là rút quân khỏi các cuộc xung đột ở Trung Đông. Trung Quốc nói rằng họ đã bị khiêu khích và đáp trả bằng cách đơn phương quân sự hóa các đảo và xây đảo nhân tạo trên Biển Đông. Năm 2015, Mỹ cử một đội lính thủy đánh bộ đến thành phố Darwin, miền Bắc Australia, trong khi Trung Quốc phản công bằng cách chiếm lại cảng Darwin với “kịch bản” thuê 99 năm. Tiếp đó, Bắc Kinh có được căn cứ quân sự đầu tiên ở Djibouti, rìa của Ấn Độ Dương vào năm 2017.

Cũng trong năm 2015, phản ứng trước việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo ở Biển Đông và các đảo được xây dựng từ các bãi đá ngầm, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói tại một cuộc họp báo sau hội đàm với Bộ trưởng Australia tại Boston: “Đừng nhầm lẫn, Mỹ sẽ bay, đi thuyền và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, như chúng tôi đang làm trên khắp thế giới. Và Biển Đông không phải là một ngoại lệ”. Năm 2017, QUAD tiếp tục các cuộc họp thường niên và tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump không chỉ tán thành khái niệm FOIP của Nhật Bản mà còn bắt đầu khẳng định nó như một sự kế thừa có ý nghĩa hơn cho chính sách “xoay trục sang châu Á” của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Nhật Bản thì ám chỉ rằng họ muốn tham gia mạng lưới tình báo “Five Eyes” gồm 5 quốc gia Australia, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *