Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
50293

Nhân quyền thể hiện qua hoạt động tiếp dân

 

Tiếp dân trở thành chủ đề nóng trên báo chí, nhất là phong cách làm việc, phương pháp ứng xử của cán bộ, công chức. Điều 2 của Luật Tiếp công dân quy định: Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.

Ràng buộc trách nhiệm của lãnh đạo, quản lý

Hiện nay, công tác xây dựng pháp luật đã mở toang cánh cửa các cơ quan công quyền, đặt ra yêu cầu cán bộ, công chức và người thực thi công vụ phải tiếp dân theo những chuẩn mực ứng xử phù hợp, trên cơ sở tôn trọng quyền công dân. Hành lang pháp lý về tiếp dân thể hiện rõ nhất trong Luật Khiếu nại (năm 2011), Luật Tố cáo (năm 2011), Luật Tiếp công dân (năm 2013), Luật Tiếp cận thông tin (năm 2016). Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương và nhiều cơ quan, tổ chức ban hành quy định riêng về việc lãnh đạo tiếp dân. Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai Kế hoạch Bộ trưởng tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo định kỳ hàng tháng. Bộ trưởng Bộ Nội vụ tiếp công dân định kỳ vào ngày thứ Tư, tuần thứ hai hàng tháng; tiếp công dân đột xuất trong các vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị. Bộ trưởng các Bộ: Công an, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Công thương, Văn hóa, Thể thao va Du lịch… đều triển khai thực hiện việc Bộ trưởng tiếp công dân theo đúng quy định của pháp luật.  Gần đây, Chính phủ áp dụng phương pháp thu thập thông tin đo lường, xác định Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Chỉ số SIPAS) ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả cho thấy, ở nhiều nơi, người dân bày tỏ sự hài lòng với công tác tiếp dân của chính quyền.

Đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cán bộ, công chức quý trọng nhân dân trong tiếp nhận, xử lý đơn thư, góp phần vào thắng lợi của công tác dân vận chính quyền.

Để ràng buộc trách nhiệm của lãnh đạo, quản lý các cấp đối với lĩnh vực quan trọng này, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành một số quy định về việc lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tiếp dân và giải quyết đơn thư của dân. Đáng chú ý nhất là Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.

Tại các địa phương như Ninh Bình, Tuyên Quang…, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được các cấp, các ngành thực hiện tích cực, có hiệu quả; giải quyết dứt điểm một số vụ khiếu kiện phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Ban Tiếp công dân thành phố Hà Nội là một trong những đơn vị phải làm việc với áp lực rất cao. Số lượng đơn, thư cao gấp nhiều lần so với các tỉnh, tính chất phức tạp gay gắt. Giai đoạn 2009 – 2019, trung bình mỗi năm Ban trực tiếp tiếp khoảng mười nghìn lượt người, phục vụ lãnh đạo thành phố tiếp hàng nghìn lượt người khác. Hằng năm, Ban tiếp đón gần 300 lượt đoàn đông người tại hai trụ sở tiếp công dân của thành phố ở số 34 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm và số 20 Hoàng Diệu, quận Hà Đông. Ông Lê Đình Cung, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tiếp công dân thành phố chia sẻ: Ban Tiếp công dân thành phố thực hiện nghiêm túc quy định, quy chế về tiếp công dân, từ ăn mặc, giao tiếp cho đến thái độ cư xử của người tiếp công dân đều phải đúng mực, tôn trọng công dân. Tất cả thông tin liên quan đến tiếp công dân đều được ghi chép đầy đủ, chính xác, các cuộc tiếp dân đều có camera ghi hình, ghi tiếng. Ưu tiên số một vẫn là quyền công dân được bảo đảm đúng pháp luật.

Tiêu chí để đánh giá năng lực, kết quả công tác của cán bộ

Việc tuân thủ pháp luật của nhiều tổ chức và cá nhân trong công tác tiếp dân còn yếu; việc giải quyết đơn thư, kiến nghị của dân ở nhiều nơi chưa đạt hiệu quả cao. Số lượng đơn, thư tăng qua các năm. Khiếu kiện diễn biến phức tạp, nhiều vụ kéo dài qua nhiều năm không được giải quyết dứt điểm. Do đó, cần có các chế tài để buộc cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức, người có quyền hành phải thực hiện đúng, đủ các quy định về tiếp dân và giải quyết đơn thư của dân.

Một số đơn vị trong tỉnh chưa làm tốt công tác quản lý về khiếu nại, tố cáo; chất lượng tiếp công dân, xử lý đơn ở một số đơn vị, địa phương còn thấp, nhất là ở cấp xã. Công tác theo dõi sau tiếp công dân, xử lý đơn ở một số địa phương còn hạn chế, chưa kịp thời. Nhiều vụ việc một số địa phương chưa được giải quyết dứt điểm; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp. Có nơi chưa thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

Đối thoại để lắng nghe,giải quyết những bức xúc khó khăn của nhân dân

Theo Báo cáo của Thanh tra Chính phủ, năm 2019 cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 478.237 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tăng 4,3% so với năm 2018. Tổng số vụ việc là 304.209, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Có 4.611 lượt đoàn đông người, giảm 0,6% so với năm 2018. Tỷ lệ vụ việc được giải quyết đạt 86,2%. Những con số này cho thấy áp lực đối với công tác tiếp dân tăng, chính quyền các cấp, các cơ quan cần phải nỗ lực hơn nữa trong công tác giải quyết đơn thư.

Để công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư đạt hiệu quả cao hơn, góp phần ổn định xã hội, các cơ quan, địa phương, đơn vị cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác tiếp công dân; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ tiếp công dân. Cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật và các quy định của Đảng, như Điều 8 trong Quy định số 11-QĐi/TW. Theo đó, người đứng đầu cấp ủy bị xem xét, xử lý khi thiếu trách nhiệm hoặc buông lỏng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân; Vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước về tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo dẫn đến tình trạng đơn, thư kéo dài, vượt cấp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Cần quán triệt đầy đủ và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Nghị quyết về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐND. Người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan nhà nước phải nêu gương trong tiếp dân và giải quyết đơn thư. Lấy hiệu quả của công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo làm tiêu chí để đánh giá năng lực, kết quả công tác của cán bộ, công chức. Khi có vụ việc xảy ra, lãnh đạo phải chủ động đối thoại, vận động, thuyết phục công dân, tập hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của công dân. Việc trả lời ý kiến, kiến nghị của công dân phải rõ ràng, đúng thời gian quy định để công dân không kiến nghị nhiều lần.

Cán bộ tiếp dân phải có phẩm chất tốt, tinh thông nghiệp vụ, kiên nhẫn lắng nghe dân nói, có khả năng giải thích, thuyết phục để công dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật. Các cơ quan phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân và cán bộ, công chức, tổ chức tiếp dân. Bên cạnh đó, cần có chế tài nghiêm khắc đối với những người lợi dụng quy định tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cố tình không hợp tác với cơ quan nhà nước, có hành vi cản trở việc thực hiện các chương trình, dự án tại địa phương.■

Box: Theo Báo cáo của Thanh tra Chính phủ, năm 2019 cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 478.237 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tăng 4,3% so với năm 2018. Tổng số vụ việc là 304.209, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Có 4.611 lượt đoàn đông người, giảm 0,6% so với năm 2018. Tỷ lệ vụ việc được giải quyết đạt 86,2%. Những con số này cho thấy áp lực đối với công tác tiếp dân tăng, chính quyền các cấp, các cơ quan cần phải nỗ lực hơn nữa trong công tác giải quyết đơn thư.

ThS. HÀ HỒNG HÀ

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *