Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
52267

QUAN ĐIỂM VỀ GIÁO DỤC QUYỀN CON NGƯỜI CỦA VIỆT NAM

 

Việt Nam luôn xác định giáo dục quyền con người là một trong những điều kiện đảm bảo thực hiện và bảo vệ quyền con người, bởi vì giáo dục là công cụ chuyển tải những kiến thức cơ bản về các quyền con người, hình thành ý thức tôn trọng quyền con người[1]. Giáo dục quyền con người ở Việt Nam không chỉ là trách nhiệm quốc tế mà còn là nhiệm vụ tự thân xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng xã hội chủ nghĩa, của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Quan điểm này đã được nhắc lại trong Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó xác định: giáo dục quyền con người là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đối với việc đưa giáo dục quyền con người lồng ghép trong hệ thống giáo dục quốc dân, ngày 5-9-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1309/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân… làm tiền đề cho việc xây dựng các chương trình giảng dạy khung của các bậc đào tạo trong cả nước.

Trong quá trình đối thoại UPR chu kỳ III của Việt Nam diễn ra năm 2019, 121 phái đoàn của các nước thành viên Liên Hợp Quốc đã tham gia đối thoại với phái đoàn Việt Nam và đã đưa ra 291 khuyến nghị.[2] Trong đó, Việt Nam đã nhận được 14 khuyến nghị về tăng cường giáo dục quyền con người đến từ 13 quốc gia.[3] Các khuyến nghị về giáo dục quyền con người chủ yếu vào các nội dung như: (i) Lồng ghép công ước về quyền trẻ em, công ước về xoá bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối với phụ nữ, Công ước về quyền của người khuyết tật vào sách giáo khoa để phổ cập đến toàn dân; (ii) Đến năm 2025, hoàn thành việc đưa nội dung giáo dục về quyền con người trong tất cả các cơ sở giáo dục; (iii) Nâng cao nhận thức của người dân về các công uốc quốc tế về quyền con người; (iv) Thúc đẩy tuyên truyền để góp phần nâng cao kiến thức của cán bộ nhà nước và người dân về quyền con người.

Tại Báo cáo trả lời năm 2019 của Chính phủ Việt Nam về các khuyến nghị, Việt Nam chấp nhận 14 khuyến nghị về giáo dục quyền con người.[4] Để có được kết quả đó, Việt Nam đã phối hợp các cấp, các ngành thực hiện nhiều hoạt động như đẩy mạnh hoạt động truyền tải giáo dục về quyền con người vào chương trình đào tạo các cấp, triển khai các hoạt động nghiên cứu về quyền con người, đồng thời xây dựng các chương trình/kế hoạch nhằm tuyên truyền và phổ biến pháp luật về quyền con người. Khi rà soát toàn diện để xây dựng Báo cáo quốc gia chu kỳ III, các kết quả thu thập được từ các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu và đơn vị sử dụng lao động cho thấy rằng hoạt động giáo dục và tuyền truyền pháp luật về quyền con người đang được thực hiện đã có những kết quả nhất định, cụ thể:

1. Lồng ghép các nội dung của quyền con người vào trong các chương trình đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân

Ngày 5/9/2017 Chính Phủ đã phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đây là đề án có ý nghĩa rất quan trọng nhằm mục tiêu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quyền con người nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về tầm quan trọng, ý thức tự bảo vệ các quyền của bản thân, tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của người khác; ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với nhà nước và xã hội, góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững của đất nước. Đề án được xây dựng, một phần cũng nhằm thực hiện khuyến nghị về vấn đề tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về quyền con người mà Việt Nam đã chấp nhận trong cả 2 chu kỳ báo cáo UPR.

Cũng trong Đề án này, Chính Phủ xác định mục tiêu đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục quyền con người cho người học. Đồng thời, trên cơ sở góp ý của các cơ quan, tổ chức, cơ quan xây dựng Đề án đã có sự điều chỉnh phù hợp với nội dung lồng ghép giáo dục quyền con người cho phù hợp với từng cấp học. Trong đó, nội dung giáo dục về quyền con người đối với trẻ em mẫu giáo là những yếu tố cơ bản về quyền, bổn phận của bản thân và của người khác; đối với học sinh tiểu học là một số kiến thức cơ bản về các nguyên tắc, giá trị về quyền con người, các quyền con người của trẻ em đã được pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam quy định; với học sinh trung học cơ sở là các kiến thức cơ bản về các nguyên tắc, giá trị về quyền con người ở mức cao hơn so với học sinh tiểu học. Còn đối với học sinh trung học phổ thông, nội dung giáo dục về quyền con người là các kiến thức cơ bản về các nguyên tắc, giá trị về quyền con người, quyền công dân; các cơ chế chủ yếu bảo vệ quyền con người. Đối với các trường Đại học, việc giảng dạy quyền con người sẽ tập trung nhiều vào các nghĩa vụ quốc tế; các thách thức và thành tựu về quyền con người của Việt Nam; các quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013; trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể (nhà nước, tổ chức, cá nhân) trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân;…[5].

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã thành lập hệ thống các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về quyền con người như: Viện nghiên cứu quyền con người – VIHR thuộc Học viện CTQG HCM, Trung tâm nghiên cứu quyền con người và quyền công dân (CRIGHTS, thuộc Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật về quyền con người và quyền công dân (thuộc ĐH Luật, Tp. HCM). Ngoài ra, một số viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam như Viện nghiên cứu Gia đình và Giới; Viện Nhà nước và Pháp luật; Viện Nghiên cứu con người… đã thành lập Phòng nghiên cứu về quyền con người.

  1. Thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền con người cho mọi tầng lớp nhân dân

          Hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức được thực hiện thông qua các hình thức tổ chức Hội thảo, tọa đàm, tập huấn, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt các câu lạc bộ, biên soạn và phát hành tài liệu tuyên truyền, phổ biến nội dung pháp luật trong nước về quyền con người tới các đối tượng phù hợp; phổ biến trên phương tiện thông tin đại chúng, chuyên trang, chuyên mục về pháp luật về quyền con người; tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học….Những nội dung pháp luật về quyền con người được lựa chọn để tuyên truyền xoay quanh các quyền cơ bản của con người, các công cụ hỗ trợ, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, các trách nhiệm, nghĩa vụ mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nhằm đảm bảo việc tôn trọng các quyền con người cơ bản. Ngoài ra, một trong những nội dung tuyên truyền cũng được quan tâm đó là nội dung các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên cũng như các thông tin liên quan đến quy trình báo cáo UPR.

Nhìn chung, hoạt động giáo dục, tuyên truyền và phổ biến các nội dung quyền con người và pháp luật về quyền con người ở Việt Nam khá tích cực, chủ động và đã đạt được những kết quả đánh khích lệ, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng cá nhân đối với vấn đề tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản; giúp cho quá trình thực thi các khuyến nghị UPR, đặc biệt là các khuyến nghị liên quan trực tiếp đến hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức về quyền con người trở lên thuận lợi và đạt mục tiêu nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc giáo dục quyền con người ở Việt Nam hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định như: dung lượng kiến thức về quyền con người trong chương trình giảng dạy của các cấp bậc chưa tương xứng với nhu cầu của đối tượng đào tạo; chưa có một chương trình giáo dục về quyền con người thống nhất trong các cơ sở giáo dục; đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên, giáo viên, người học và cộng đồng xã hội chưa được trang bị các kiến thức cơ bản về quyền con người; tài liệu và học liệu giảng dạy còn thiếu; kiến thức về quyền con người tuy được giới thiệu trong môn học giáo dục công dân ở cấp phổ thông nhưng không được nhà trường và học sinh chú trọng bằng các môn học như văn học, địa lý, lịch sử. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về quyền con người chưa có sự phân hoá về đối tượng; hình thức, phương pháp và các nội dung tuyên truyền còn mờ nhạt, thiếu sự sáng tạo và chưa phổ cập tới toàn bộ các nhóm người thụ hưởng, đặc biệt là những người thụ hưởng ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và những người lao động phổ thông.

Chính vì vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc giáo dục quyền con người, cần triển khai cụ thể các hoạt động sau:

            Thứ nhất, tăng cường giáo dục về nhân quyền để nâng cao nhân thức của công chúng và năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật liên quan nhằm bảo đảm tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân trong khuôn khổ pháp luật của quốc gia; đồng thời khéo léo lồng ghép việc giáo dục quyền con người với việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các chương trình, đề án của Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Việc hiểu biết một cách đúng đắn về quyền con người cũng như các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về quyền con người là điều kiện tiên quyết, không thể thiếu để bảo vệ, thúc đẩy quyền con người một cách hiệu quả. Để làm được điều đó, việc giáo dục quyền con người phải được tiến hàng một cách thường xuyên, liên tục và ở tầm cao hơn để tất cả cán bộ, người dân hiểu biết và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về quyền con người; đấu tranh, phê phán với những quan điểm, luận điệu sai trái về quyền con người của các thế lực thù địch có âm mưu chống phá.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh và cải tiến việc giảng dạy quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân, xác định đúng các hình thức, phương pháp giáo dục phù hợp cho từng nhóm đối tượng giáo dục cụ thể, hướng đến xây dựng một nền văn hoá nhân quyền. Chương trình giáo dục quyền con người cần đảm bảo tính hiện đại, ổn định và thống nhất, có sự kế thừa giữa các cấp học[6]. Người dạy cần xây dựng bài giảng hiện đại, hấp dẫn, đưa nhiều ví dụ minh hoạ thực tế vào bài giảng; tránh phương pháp dạy học một chiều, thiên về lý thuyết tạo tâm lý nhàm chán cho người học. Nên khuyến khích sinh viên thành lập các câu lạc bộ chuyên ngành để sinh viên có thế cùng nhau học tập, sinh hoạt chủ đề môn học theo tháng, học nhóm, cùng nhau thảo luận những vướng mặc, khó khăn trong quá trình học tập môn học; để từ đó, cùng có hướng giải quyết và phương pháp học tích cực[7].

Thứ ba, cần sáng tạo và vận dụng nhiều hình thức, phương pháp giáo dục và tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về quyền con người, cần chú trọng các hình thức giáo dục đặc thù thông qua các hoạt động hoạch định chính sách, đường lối, hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đối với hoạt động tuyên truyền, phổ biến nội dung quyền con người, cần sử dụng, khai thác và vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục quyền con người bảo đảm tính phù hợp, hiệu quả; Đảm bảo nội dung tuyên truyền phù hợp với đối tượng và mục tiêu; Kết hợp giữa phổ biến, giáo dục quyền con người với các kỹ năng sống, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật[8]. Khuyến khích tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu về quyền con người, quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam về quyền con người…

Thứ tư, tăng cường giáo dục về nhân quyền thông qua việc cung cấp các chương trình đặc biệt cho các cán bộ thực thi pháp luật và bộ máy tư pháp; chú trọng hơn nữa việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên có kiến thức chuyên môn phục vụ công tác giáo dục, tập huấn nhân quyền trong hệ thống giáo dục quốc dân. Hiện nay, đa số đội ngũ giáo viên phổ thông chưa được đào tạo đầy đủ, bài bản về nội dung này. Do đó, trước khi các nội dung quan điểm của Đảng, Nhà nước về quyền con người được chuyển tải tới học sinh, sinh viên thì lãnh đạo các nhà trường và giáo viên phải là đối tượng được trang bị kiến thức về quyền con người, cũng như chủ trương của Đảng, Nhà nước về thực hiện quyền con người một cách toàn diện, giúp họ chủ động trong việc lồng ghép nội dung giáo dục này vào bài giảng nhằm chuyển tải và thẩm thấu một cách linh hoạt vào học sinh, sinh viên[9]. Đối với hoạt động tuyên truyền, cần phải đặc biệt quan tâm đến xây dựng đội ngũ tuyên truyền cốt cán trong các tổ chức chính trị xã hội đặc thù như: hội liên hiệp phụ nữ, hội người cao tuổi, đoàn thanh niên…để thông qua hoạt động của các tổ chức này mà truyền tải nội dung giáo dục quyền con người một cách sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân.

Thứ năm, chuẩn hoá việc biên soạn giáo trình, sách, tài liệu giáo dục về quyền con người cho từng nhóm chủ thể trên cơ sở tính hệ thống, liên thông của tài liệu. Việc xây dựng các hình thức, phương pháp giáo dục riêng, thích hợp với điều kiện, khả năng của từng đối tượng giúp việc truyền tải nội dung giáo dục một cách sinh động, phù hợp, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng ngay vào thực tiễn cuộc sống.

Thứ sáu, áp dụng công nghệ thông tin và lợi ích của các mạng xã hội trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quyền con người. Nhà nước cần có chính sách đầu tư nguồn lực, kỹ thuật thích hợp cho các cơ quan thông tin tuyên truyền, đặc biệt là các cơ quan phát thanh, truyền hình, báo chí để các cơ quan này có điều kiện thuận lợi thực hiện hoạt động của mình. Đồng thời, các cơ quan thông tin đại chúng cần coi hoạt động tuyên truyền, giáo dục quyền con người là trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, từ đó xây dựng các chuyên mục, chương trình thường xuyên, liên tục và rộng khắp cho hoạt động này.

[

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *