Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
23197

Nạn nhân của nạn mua bán người cần được hỗ trợ những gì?

Hầu hết nạn nhân của tình trạng mua bán người đều phải trải qua rất nhiều khó khăn, nguy hiểm mới có thể đoàn tụ cùng gia đình. Nhưng sau khi được giải cứu hoặc tự giải thoát trở về, họ thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng. Nhiều chiến dịch và các chương trình hỗ trợ được triển khai song hiệu quả vẫn chưa được như kì vọng.

Thông tư liên tịch số 03/2008/BCA-BQP-BNG-BLĐTBXH ngày 08/5/2008 của liên Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội quy định: nạn nhân từ nước ngoài trở về được tiếp nhận tại:
– Cơ sở tiếp nhận để tổ chức làm các thủ tục để phân loại, bàn giao và hỗ trợ ban đầu (về ăn, ở, sức khỏe, tư vấn về tâm lý, pháp lý). Thời gian nạn nhân lưu trú tại các cơ sở tiếp nhận không quá 15 ngày kể từ ngày được tiếp nhận;
– Cơ sở hỗ trợ nạn nhân (đối với nạn nhân cần chăm sóc về sức khỏe, tâm lý trước khi tái hòa nhập cộng đồng) để tổ chức hỗ trợ về sức khỏe, tư vấn tâm lý, pháp lý, pháp luật, giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho nạn nhân, cung cấp các thông tin về chính sách, dịch vụ hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng.

Hỗ trợ nạn nhân mua bán người tại huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). 

Còn Thông tư liên tịch số 116/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 27/9/2007 của liên Bộ Tài chính và Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội cũng hướng dẫn nội dung chi, mức chi cho công tác xác minh, tiếp nhận và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về tái hòa nhập cộng đồng theo Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg ngày 29/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định: Nạn nhân nếu thuộc hộ nghèo (theo chuẩn nghèo của Thủ tướng Chính phủ ban hành từng thời kỳ) hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn đặc biệt (do Chủ tịch UBND cấp xã xác nhận) thì được xem xét trợ cấp khó khăn ban đầu với mức tối thiểu là 750.000đồng/người.

Nếu nạn nhân có nhu cầu học nghề được xem xét cấp kinh phí học nghề một lần với mức 500.000 đồng/người/khóa học nghề. Để được nhận các khoản hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, nạn nhân phải làm đơn gửi UBND cấp xã đề nghị được hỗ trợ. Đơn đề nghị phải có ý kiến xác nhận của trưởng thôn, trưởng bản hoặc tổ trưởng dân phố nơi nạn nhân cư trú (Kèm theo Giấy chứng nhận về nước). Trên cơ sở đơn (của gia đình/bản thân nạn nhân) và hồ sơ đề nghị của UBND cấp xã (qua thẩm định của cơ quan Lao động-Thương binh & Xã hội cấp huyện), Sở Lao động-Thương binh & Xã hội xem xét, quyết định chi hỗ trợ theo chế độ quy định.

Lực lượng chức năng giải cứu các nạn nhân bị buôn bán người.

Trong khi đó, theo Nghị định 09/2013/NĐ-CP, nạn nhân của nạn mua bán ngưới là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam, thì tùy trường hợp sẽ được hưởng các chế độ hỗ trợ sau đây:
– Hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại;
– Hỗ trợ y tế;
– Hỗ trợ tâm lý;
– Trợ giúp pháp lý;
– Hỗ trợ học văn hóa, học nghề;
– Trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn.

Nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam, thì tùy trường hợp sẽ được hưởng các chế độ hỗ trợ như: Hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; Hỗ trợ y tế; Hỗ trợ tâm lý; Trợ giúp pháp lý.
Người chưa thành niên đi cùng nạn nhân, thì tùy trường hợp sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ như: Hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; Hỗ trợ y tế; Hỗ trợ tâm lý.

Trong trường hợp cần thiết, nạn nhân của nạn mua bán người được bố trí chỗ ở tạm thời, được hỗ trợ về ăn, mặc và các vật dụng cá nhân thiết yếu khác trên cơ sở điều kiện thực tế và đặc điểm về lứa tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe của nạn nhân. Nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú mà không có khả năng chi trả tiền tàu xe và tiền ăn trong thời gian đi đường thì được hỗ trợ các khoản chi phí này.

Đường dây nóng phòng, chống mua bán người 111

Trên thực tế, hằng năm, tỉ lệ giữa nạn nhân bị mua bán và số người được giải cứu chênh lệch nhau rất lớn. Số liệu của Bộ Công an cho thấy, trong 5 năm (2016 – 2020), trên địa bàn cả nước có 2.912 nạn nhân bị mua, bán và nghi vấn mua, bán. Trong đó, những năm gần đây, mỗi năm các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ khoảng 260 vụ, 340 đối tượng liên quan tội phạm mua bán người. Số nạn nhân bị lừa bán là gần 500 người, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em (chiếm trên 90%), sống ở khu vực nông thôn, vùng xa trung tâm, trình độ thấp… Tính riêng trong năm 2022, lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra 90 vụ với 247 đối tượng phạm tội mua bán người. Cùng với đó, các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương đã tiếp nhận, xác minh 476 trường hợp, trong đó xác định và hỗ trợ 255 trường hợp nạn nhân bị mua bán.

Cho đến nay, nhiều chiến dịch và các chương trình hỗ trợ được triển khai, nhưng hiệu quả vẫn chưa được như kì vọng.
Như trường hợp chị Nguyễn Thị H. (SN 1994) chẳng hạn. Trở về nhà năm 2020, sau hơn 2 năm mất tích khỏi địa phương là xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xôn xao, đến tháng 3/2018, chị H. – một thiếu nữ không bình thường, bị bệnh tâm thần phân liệt vẫn không thoát khỏi sự rình rập của những kẻ buôn người. Nghe theo lời dụ dỗ của người lạ, chị H. lại bị lừa bán sang Trung Quốc, ép làm vợ của một người đàn ông xa lạ. May mắn, trong một lần “nhà chồng” sơ hở, người này đã trốn về được Việt Nam.

Các nạn nhân mua bán người học nghề may tại Nhà Nhân ái tỉnh Lào Cai.

Trở về địa phương, chị H. gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, khi bản thân bị bệnh tật, lại đang làm mẹ đơn thân, nuôi con nhỏ gần 5 tuổi. Chị H. không làm chủ được hành vi, không thể giao tiếp, hằng tháng sống dựa vào bố mẹ già đã ngoài 60 tuổi cùng số tiền trợ cấp 720.000 đồng.

Để hỗ trợ chị Nguyễn Thị H. ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, chương trình dự án “Truyền thông phòng, chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” do tổ chức Di cư Quốc tế IOM tại Việt Nam tài trợ, tháng 2/2023 Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) đã trao tặng chị H. gói an sinh trị giá 23.450.000 đồng, bao gồm hỗ trợ xây dựng 1 nhà vệ sinh, hỗ trợ mô hình sinh kế gà giống, mua sắm các đồ dùng, thiết bị sinh hoạt trong gia đình…

Thực trạng này cũng diễn ra nhiều ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình và TP Hải Phòng. Do đó, trong năm 2023 các địa phương này đã được tổ chức Di cư Quốc tế IOM tại Việt Nam chọn để đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống mua bán người. Các hoạt động hỗ trợ từ tổ chức này chủ yếu tập trung vào các hoạt động như trao đổi thông tin về thực trạng tình hình di cư trên địa bàn; chú trọng vào nhóm dân số dễ trở thành mục tiêu của tội phạm mua bán người là học sinh PTTH và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và nhóm cha mẹ học sinh; các hình thức truyền thông hiệu quả…

Công an tỉnh Nghệ An phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền phòng, chống mua bán người tại cộng đồng. 

Mặc dù vậy, theo đánh giá thì trước thực trạng nạn nhân mua bán người đang có xu hướng ngày càng gia tăng, cùng với đó số lượng người được giải cứu, hoặc tự giải thoát trở về ngày càng nhiều đã đặt ra không ít khó khăn trong công tác hỗ trợ, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng. Tại một địa phương có tệ nạn này nhức nhối như tỉnh Nghệ An, thực tế đã ghi nhận có không ít người từ nạn nhân của tệ nạn này, vì lợi nhuận đã trở thành tội phạm, sau khi bị bán sang các nước láng giềng như Lào, Trung Quốc đã quay trở về Việt Nam, móc nối với nhiều đối tượng khác, hình thành nên các đường dây khép kín, có sự cấu kết chặt chẽ từ địa bàn nội địa, khu vực biên giới và ở nước ngoài; núp bóng dưới nhiều vỏ bọc, bằng nhiều chiêu thức khác nhau để lừa bán người quen, thậm chí người thân ra nước ngoài.

Theo số liệu Công an Nghệ An, trong thời gian 3 năm (2020 – 2022), lực lượng chức năng Nghệ An đã đấu tranh, phát hiện, bắt giữ 31 vụ, 36 đối tượng phạm tội mua bán người, mua bán trẻ em. Cũng trong thời gian nói trên, các lực lượng chức năng đã tiến hành tổ chức tiếp nhận, xác minh 307 nạn nhân của việc mua bán người.

Việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người trở về đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 09/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai vào thực tiễn cuộc sống, chính sách này đã bộc lộ nhiều bất cập. Do vậy, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trong tình hình mới, cùng với việc các địa phương cần chú trọng công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, hỗ trợ vốn, giải quyết lao động, việc làm cho người dân vùng sâu, vùng xa, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số để họ có khả năng tự bảo vệ, cảnh giác trước tội phạm mua bán người thì việc sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý về phòng, chống mua bán người, sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người cũng la yêu cầu cấp thiết.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *