Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
24709

Bộ mặt thật về CIVICUS và những đánh giá không đúng về Việt Nam

Là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, tự mô tả là “một liên minh toàn cầu nhằm tăng cường hành động của công dân và xã hội dân sự trên toàn thế giới”, đáng lẽ CIVICUS phải chú trọng hơn về các hoạt động vì xã hội và đoàn kết mọi xã hội vì một thế giới tốt đẹp hơn. Nhưng không, tổ chức này lại chỉ thích bới móc những chuyện không đâu rồi đưa ra những quy chụp, đánh giá chưa đúng, không phù hợp với bản chất sự việc để rồi tạo ra những hiểu lầm, suy nghĩ sai lệch không đáng có.

Ngày 16/3/2023, CIVICUS xếp Việt Nam vào nhóm 7 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á có không gian “đóng” với xã hội dân sự – đồng nghĩa với việc nhà nước không tôn trọng các quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hòa và lập hội… Gần 9 tháng sau, ngày 6/12/2023, tổ chức này tiếp tục ra báo cáo “Sức mạnh nhân dân bị tấn công năm 2023” của 198 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó xuyên tạc ở Việt Nam “có không gian xã hội dân sự và quyền tự do dân chủ bị đóng kín”.

Như vậy là trong vòng chưa đầy một năm, CIVICUS đã có ít nhất 2 lần xuyên tạc, nói không đúng về tình hình Việt Nam. Thậm chí, CIVICUS còn vu cáo: “Tại Việt Nam, chính quyền đã gây áp lực lên các nền tảng truyền thông xã hội”, “hơn 100 nhà bảo vệ nhân quyền vẫn đang bị giam cầm, bị phân biệt đối xử trong trại giam”. Tổ chức này bênh vực, đòi thả tự do cho số đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam khi có các hành vi phạm tội tuyên truyền chống nhà nước, lợi dụng các quyền tự do dân chủ như Trương Văn Dũng, Trần Văn Bang, Phan Sơn Tùng…; đưa ra luận điệu sai trái khi cho rằng quyền tự do của người dân bị bóp nghẹt, bị chính quyền đàn áp.

Thực là phi lý. Chẳng nhẽ, CIVICUS không biết rằng tại Việt Nam, người dân có thể tham gia rất nhiều mạng xã hội, kể cả những mạng xã hội của Việt Nam. Chưa hết, Việt Nam còn nằm trong top 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook nhiều nhất thế giới với 66,2 triệu tín đồ. Có 6 mạng xã hội phổ biến nhất toàn cầu hiện tại gồm Facebook, Instagram, TikTok, WhatsApp, Twitter và Youtube. Theo kết quả khảo sát mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường DataReportal (Singapore), trong số 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook, TikTok và Youtube nhiều nhất thế giới – Việt Nam lần lượt xếp vị trí thứ 6, 7 và 9.

Đó là chưa kể đến các hội, đoàn thể khác mà người Việt Nam được quyền tự do lựa chọn để tham gia. Tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có tổng số 93.438 hội, trong đó gồm 571 hội hoạt động phạm vi cả nước hoặc liên tỉnh và 92.854 hội hoạt động phạm vi địa phương. Cả nước có 125.342 công đoàn cơ sở trên tổng số 10.579.045 đoàn viên công đoàn; tỷ lệ đoàn viên trên công nhân lao động ở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là 87%. Các hội ở Việt Nam phát triển đa dạng, phong phú, có mặt trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Nhiều hội đã đóng góp tích cực trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, thực hiện giám sát, phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho các hội, tổ chức trong nước hoạt động, Việt Nam cũng rất quan tâm, hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ (NGO) hoạt động. Theo thống kê đến cuối năm 2022 đã có hơn 900 tổ chức NGO nước ngoài có quan hệ và hoạt động tại Việt Nam, nhiều NGO đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của Việt Nam được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao.

Vì vậy, có thể khẳng định việc đánh giá, xếp loại trên là không đúng và không phù hợp với tình hình hiện nay tại Việt Nam với một số lý do sau:

Thứ nhất, có rất nhiều khái niệm về xã hội dân sự (XHDS) ra đời từ các chủ thể khác nhau, nhưng điểm chung của khái niệm đó là nếu không có tổ chức PCP (NGO) thì không thể hình thành XHDS; trong một xã hội nếu có nhiều tổ chức NGO hoạt động mạnh thì sẽ có XHDS phát triển và ngược lại.

Hiện nay tại Việt Nam có 03 loại hình tổ chức NGO phổ biến là: các NGO mang tính quốc gia; NGO mang tính quốc tế và NGO mang tính chất chính phủ. Theo thống kê đến cuối năm 2022 đã có hơn 900 tổ chức NGO nước ngoài có quan hệ và hoạt động tại Việt Nam và hơn 101.000 tổ chức NGO Việt Nam đã và đang hoạt động. Về cơ bản các tổ chức NGO có đóng góp nhất định trong phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện đường sống vật chất, tinh thần cho một bộ phận người dân… Tuy nhiên có nhiều NGO hoạt động trên các lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến tôn giáo, dân tộc, triển khai tại các địa bàn phức tạp về An ninh trật tự trong đó có những NGO Việt Nam bị các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng tiến hành các hoạt động chống phá. Ngoài ra có một số NGO nước ngoài hoạt động trên các lĩnh vực nhạy cảm về tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền, là tác nhân gây phức tạp về an ninh trật tự, là nguyên nhân gây ra các cuộc “cách mạng màu” tại các quốc gia đối lập với Mỹ và phương Tây và bị các quốc gia trên thế giới cấm hoạt động nhưng vẫn được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

Để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của các NGO, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, ngày 21/4/2010 về Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Nghị định số 93/2019/NĐ-CP, ngày 25/11/2019 về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện; Nghị định 80/2020/NĐ-CP, ngày 08/7/2020 về Quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam; Nghị định số 58/2022/NĐ-CP, ngày 31/8/2022 về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam…

Thứ hai, thực chất xã hội dân sự ở Việt Nam đã tồn tại từ rất lâu trong đó Mặt trận Tổ quốc là tổ chức XHDS lớn nhất … Ngoài ra, để đáp ứng đòi hỏi các hiệp định mậu dịch tự do, Việt Nam đã sửa đổi Bộ luật Lao động, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, theo đó người lao động có quyền thành lập, tham gia các tổ chức công đoàn độc lập, các tổ chức của người lao động theo quy định của pháp luật. Điều 25 Hiến pháp quy định: “Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện quyền này do pháp luật quy định”.

Thứ ba, pháp luật Việt Nam không cấm việc thành lập và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự và Điều 14, Hiến pháp năm 2013 quy định: Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Như vậy, có thể thấy pháp luật Việt Nam luôn tôn trọng quyền lập hội, nếu các hội ấy thực sự vì quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và tuân thủ quy định pháp luật.

Được biết, CIVICUS là một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Johanesburg (Nam Phi) và các văn phòng tại Geneva (Thuỵ Sĩ) và New York (Mỹ). Được thành lập vào năm 1993, tổ chức này ngày nay có hơn 8500 thành viên tại hơn 175 quốc gia. Doanh thu để hỗ trợ các hoạt động của CIVICUS được lấy từ nhiều nguồn, bao gồm các nhà tài trợ của tổ chức, đóng góp của cá nhân, phí thành viên và phí đăng ký cho Hội đồng Thế giới CIVICUS.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *