Nhân dân Việt Nam đã trải qua các cuộc chiến tranh trường kỳ, qua đau thương và mất mát để giành được độc lập và tự do. Nên hơn ai hết, mọi người Việt Nam yêu nước đều hiểu rằng, đem xương máu để giành lại độc lập tức là giành lại quyền làm người – giá trị cao cả, thiêng liêng và cần phải tiếp tục bảo vệ, phát triển.
Nhìn từ lịch sử, phải khẳng định ngay từ đầu, các nội dung liên quan nhân quyền đã được khẳng định trong chiến lược cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và lãnh đạo. Cương lĩnh Chính trị năm 1930 của Đảng xác định trong các mục tiêu đấu tranh vì xã hội mới có nội dung: xây dựng xã hội nam nữ bình quyền, phổ cập giáo dục, lấy ruộng đất của đế quốc chia cho dân cày nghèo. Và chúng ta đều biết, tháng 9/1945, khi đất nước đang đứng trước vô vàn khó khăn, vừa trải qua nạn đói khủng khiếp, 95% dân số không biết chữ, lại phải đối phó với “thù trong, giặc ngoài”,… nhưng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (DCCH) non trẻ vẫn triển khai kế hoạch “chống nạn mù chữ” trong toàn dân, coi đó là nhiệm vụ cấp bách, vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.
Khát vọng độc lập dân tộc và nhân quyền thể hiện rất cụ thể khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời các nhà báo nước ngoài năm 1946: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Đến năm 1948, vào lúc cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra quyết liệt, trong Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh sự cần thiết của vấn đề: “Dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân… Toàn dân đủ ăn đủ mặc. Toàn dân biết đọc, biết viết”.
Việc nhân quyền được khẳng định là một mục tiêu của cách mạng đã góp phần cực kỳ quan trọng tạo ra động lực để dù khó khăn thế nào thì toàn Đảng, toàn dân Việt Nam vẫn nỗ lực vượt qua, giành thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Thành quả vĩ đại nhất của nỗ lực đó là giành lại và bảo vệ quyền tự quyết dân tộc, đất nước độc lập và thống nhất, tạo dựng tiền đề vững chắc để phổ cập nhân quyền trong toàn dân. Nên hơn ai hết, mọi người Việt Nam yêu nước đều hiểu rằng, đem xương máu để giành lại độc lập tức là giành lại quyền làm người – giá trị cao cả, thiêng liêng và cần phải tiếp tục bảo vệ, phát triển.
Từ năm 1975 đến nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định quyền con người là nội dung có tính pháp lý, phải liên tục được phát triển, bổ sung, hoàn thiện. Phản ánh kết quả nhận thức khoa học, tiên tiến, văn minh về nhân quyền, Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ đã tiếp cận nhân quyền theo cả chiều rộng, chiều sâu, với các nội dung phù hợp mục tiêu phát triển của Việt Nam, phù hợp nhận thức chung của nhân loại tiến bộ. Biểu hiện cụ thể là trong Hiến pháp năm 2013, sau Chương I “Chế độ chính trị” là Chương II “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” mở đầu bằng Điều 14 khẳng định: “1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; 2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Và khẳng định đó được cụ thể hóa trong quy định của Hiến pháp về quyền con người, kết hợp với việc Quốc hội đã thông qua các bộ luật và luật liên quan để bảo đảm nhân quyền được thực thi nghiêm túc.
Sự ưu việt nói trên có được do Đảng luôn dựa trên cơ sở các nguyên tắc khách quan – toàn diện – lịch sử – cụ thể – phát triển nhằm nhận thức, hoàn thiện quan điểm nhất quán về nhân quyền. Với vai trò chính đảng tiên phong, tổ chức, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, một trong năm bài học kinh nghiệm lớn Đảng rút ra từ hoạt động thực tiễn phong phú, được khái quát trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh – bổ sung, phát triển năm 2011): “sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Đồng thời, Cương lĩnh khẳng định xã hội mới phải: “do nhân dân làm chủ… con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện… các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo…”.
Chỉ thị 12 “Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta” của Ban Bí thư (Khóa VII) xác định “Quyền con người là giá trị chung của nhân loại. Đó là thành quả đấu tranh lâu dài của nhân dân lao động và các dân tộc trên thế giới chống lại mọi áp bức, bóc lột”. Từ sự phân tích biện chứng về tiến trình lịch sử của vấn đề nhân quyền, Chỉ thị 12 chỉ rõ: “giải phóng con người (trong đó có việc đảm bảo các quyền con người) gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội; chỉ có dưới tiền đề độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội thì quyền con người mới có điều kiện được đảm bảo rộng rãi, đầy đủ, trọn vẹn nhất”. Các luận điểm đó cho thấy Đảng có quan niệm hết sức khoa học, đúng đắn khi đặt nhân quyền trong quan hệ biện chứng với độc lập dân tộc, với bản chất chế độ xã hội. Vì, chỉ có giải quyết tốt quan hệ đó mới có thể duy trì sự thống nhất xã hội, bảo đảm để mọi người được phát triển tự do, hài hòa, phát huy khả năng sáng tạo…
Anh Minh