Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
10513

Nhân chuyện bầu cử ở Nga, bàn về vấn đề dân chủ trong bầu cử của Mỹ và phương Tây

 

Việc ông Putin vừa tái đắc cử tổng thống Liên bang Nga nhiệm kỳ thứ 5 với kết quả đa số đang khiến các phương tiện truyền thông phương Tây ra sức chỉ trích, gọi cuộc bầu cử là “không tự do và không công bằng”, “Kết quả đã được biết trước rồi, bầu làm gì cho phí thời gian, tiền bạc”, “Đối thủ cạnh tranh quan trọng nhất đã bị thủ tiêu rồi thì làm gì chẳng tái đắc cử”, “Ba ứng cử viên chạy đua với ông Putin chỉ là bù nhìn”…Ngay lập tức, tổng thống Putin đã lên tiếng đáp trả những lời chỉ trích của truyền thông phương Tây, trong đó đặc biệt nhắm vào nền dân chủ ở Mỹ. Ông Putin nói “Với việc chỉ trích các tiến trình dân chủ ở nước khác trong khi sử dụng các nguồn lực để chèn ép ứng cử viên tổng thống (ám chỉ ông Donald Trump) ngay tại nước Mỹ, Washington đã trở thành trò cười cho thế giới. Cả thế giới đang cười nhạo những gì diễn ra ở Mỹ”. Thậm chí, ông Putin còn gọi tình hình chính trị ở Mỹ là “thảm họa” và cho rằng Mỹ không phải là nền dân chủ.

Bàn về dân chủ trong bầu cử ở Mỹ, chính người Mỹ, trong đó có cả ông Donald Trump, cựu tổng thống Mỹ và đang là ứng cử viên của Đảng Cộng hòa chạy đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ tới. Phát biểu trước đám đông những người ủng hộ trong khi vận động tranh cử tại bang Ohio ngày 16/3/2024, ông Trump đã có một tuyên bố gây chấn động dư luận thế giới rằng nền dân chủ của Mỹ sẽ cáo chung nếu ông thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống 2024. Trước đó, ông Trump đã nhiều lần lên án tòa án Mỹ đã đưa ra những bản án bất công đối với cá nhân ông vì động cơ chính trị. Ông nói: “Tôi chưa bao giờ nghĩ những điều này có thể xảy ra tại một quốc gia dân chủ như Hoa Kỳ”.

Còn nhớ, tại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cách đây 4 năm cũng giữa hai ứng cử viên hiện này là ông Joe Biden và ông Donald Trump, những cuộc tranh luận nảy lửa, nhiều lúc vượt quá giới hạn cho phép, đã bị chính truyền thông phương Tây chỉ trích nặng nề. Báo chí Mỹ và nhiều nước châu Âu khi đó có những bình luận rất gay gắt: “Mô hình dân chủ Mỹ đang hụt hơi”, “Kẻ thua cuộc lần này trong bầu cử tổng thống Mỹ chính là nền dân chủ”, “Nền dân chủ Mỹ đang bị chế nhạo”, “Vở tuồng ngoạn mục đang diễn ra trên sân khấu chính trị tại một trong những nền dân chủ lâu đời nhất hành tinh”, “Ảo vọng về nền dân chủ phương Tây”, “Bầu cử ở Mỹ làm xói mòn nền dân chủ phương Tây”… Thậm chí, sau khi ông Trump từ chối công nhận kết quả bầu cử 2020 vì cho là có gian lận trong kiểm phiếu, ông Biden khi ấy đã đe dọa sẽ cho quân đội áp tải ông Trump rời Nhà Trắng nếu không tự nguyện rút lui. Đặc biệt, cuộc tấn công bạo lực nhằm vào Nhà Trắng với sự tham gia của những người ủng hộ ông Trump ngày 6/1/2021đã làm rung chuyển cả nước Mỹ và gây chấn động thế giới, giáng một đòn mạnh vào nền dân chủ Mỹ.

Từ lâu nay, Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung luôn tự hào về thiết chế dân chủ của mình, tự coi là hình mẫu dân chủ của thế giới. Họ tự cho mình cái quyền đi dạy bảo các nước khác về tự do, dân chủ, nhân quyền. Một số tổ chức nhân quyền do phương Tây bảo trợ và cơ quan truyền thông phương Tây thường xuyên sử dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền làm cái cớ để thông tin sai sự thật, đưa ra những nhận định, đánh giá thiếu khách quan, không chính xác về vấn đề tự do tôn giáo, dân chủ nhân quyền ở những nước không đi theo hình mẫu dân chủ của họ, trong đó có cả Nga, Trung Quốc, Việt Nam… Các đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị cũng ra sức a-dua, nói xấu, xuyên tạc về Việt Nam, tố cáo Việt Nam vi phạm quyền con người, xâm phạm tự do báo chí, tự do internet, tự do tôn giáo, đòi đưa Việt Nam vào danh sách “những nước cần theo dõi đặc biệt về tôn giáo”; chúng tôn vinh, cố súy các đối tượng vi phạm pháp luật mà chúng gọi là “những người bất đồng chính kiến” bị chính quyền Việt Nam bắt giữ; kích động dư luận nhằm gây mất ổn định tình hình an ninh, trật tự; hạ thấp uy tín, vị thế của Việt Nam; chia rẽ làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, phục vụ cho chiến lược “diễn biến hòa bình”, chuyển hóa chế độ ở Việt Nam.

Ai cũng biết, dù có những mẫu số chung nhưng dân chủ không phải là một khái niệm tuyệt đối. Dân chủ là một phạm trù chính trị, pháp lý, lịch sử, văn hóa, xã hội gắn liền với mỗi hình thái kinh tế – xã hội, với mỗi chế độ chính trị và mỗi quốc gia khác nhau. Không thể có hình mẫu dân chủ giống nhau cho mọi quốc gia, vì thể không thể đem áp dụng mô hình dân chủ của phương Tây cho tất cả các nước trên thể giới. Trong những năm qua, Mỹ và nhiều nước phương Tây lợi dụng sức mạnh kinh tế và thế mạnh áp đảo về truyền thông nhờ việc kiểm soát hạ tầng thông tin toàn cầu đã luôn tìm cách áp đặt mô hình dân chủ của họ cho cả thế giới nhằm mục đích chính trị của họ. Tuy nhiên, việc Mỹ và phương Tây đã bộc lộ rất nhiều khiếm khuyết trong những năm qua đã chứng tỏ rằng không có nền dân chủ nào trên thế giới là hoàn thiện và nền dân chủ phương Tây không thể coi là hình mẫu cho toàn thế giới.

Cái mà Mỹ và nhiều nước phương Tây nên làm hiện nay là tập trung cứu vãn nền dân chủ đang bị lung lay tại chính nước họ, chứ không phải lo đi dạy bảo các nước khác về tự do, dân chủ, nhân quyền./.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *