Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
22829

Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về Kỳ 3: Khắc phục những khó khăn

Từ năm 2011 – 2015, lực lượng chức năng đã tổ chức giải cứu, tiếp nhận 5.359 nạn nhân. Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội các địa phương đã tiếp nhận, hỗ trợ cho 2.213 nạn nhân bị mua bán có nhu cầu trở về hòa nhập cộng đồng.

Giai đoạn 2016 – 2017, các đơn vị chức năng đã xác minh, giải cứu, tiếp nhận gần 3.500 trường hợp, trong đó, xác định 1.117 trường hợp là nạn nhân bị mua bán. Năm 2018 là 322; năm 2019 là 340 và năm 2020 là 115 nạn nhân. Số lượng nạn nhân bị mua bán được tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu tập trung đông tại một số tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Nghệ An, Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Hậu Giang, Vĩnh Phúc, An Giang, Kiên Giang… 100% nạn nhân bị mua bán, sau khi tiếp nhận được lực lượng chức năng (Công an, Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương) phối hợp bảo vệ, tổ chức bàn giao, cung cấp thông tin và thực hiện dịch vụ hỗ trợ, để nạn nhân nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.

Những thách thức

Tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi xảo quyệt, mang tính xuyên quốc gia và hình thành nhiều đường dây, băng nhóm tội phạm có sự câu kết giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài gây khó khăn cho công tác điều tra, khám phá, giải cứu nạn nhân.

Tuyên truyền về việc kết hôn đúng tuổi cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên.

Tiêu chí xác định nạn nhân giữa Việt Nam và một số nước còn chưa thống nhất dẫn đến việc có trường hợp Việt Nam coi là nạn nhân nhưng phía nước ngoài không coi là nạn nhân và ngược lại. Do đó chưa thống nhất trong việc hỗ trợ. Đặc biệt, Hiệp định giữa Việt Nam, Trung Quốc về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người không qui định cụ thể cơ quan đầu mối của hai bên; cơ chế phối hợp và trình tự, thủ tục xác minh, tiếp nhận nạn nhân dẫn đến còn nhiều khó khăn trong quá trình phối hợp thực hiện.

Đa số nạn nhân bị mua bán trở về đều có hoàn cảnh khó khăn, học vấn thấp, tâm lý thường hay thay đổi, thiếu định hướng, vì vậy, gây khó khăn cho cán bộ thực hiện công tác tiếp cận, tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề. Một số nạn nhân khi trao trả hoặc tự trở về địa phương do sợ bị kỳ thị nên không hợp tác với cơ quan điều tra hoặc bỏ đi nơi khác, gây nhiều khó khăn cho công tác xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ làm rõ vụ việc.

Tại hầu hết các địa phương, đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về còn thiếu, chủ yếu làm kiêm nhiệm hoặc có sự thay đổi nhân sự liên tục nên việc nắm bắt thông tin và cập nhật số liệu về nạn nhân bị mua bán trở về và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho họ còn chưa kịp thời, việc hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân chưa thật sự bền vững.

Chế độ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng theo quy định còn thấp, có một số ít nạn nhân bị mua bán trở về thuộc hộ nghèo được thực hiện trợ cấp khó khăn ban đầu, có nhiều trường hợp nạn nhân có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng không thuộc diện hộ nghèo nên địa phương không thể hỗ trợ.

Các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân tại cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm công tác xã hội một số tỉnh, thành phố còn nhiều hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ nạn nhân còn thiếu; có địa phương nơi lưu trú tạm thời cho nạn nhân phải tận dụng, bố trí với khu nhà ở cùng với các đối tượng khác, gây ảnh hưởng, xáo trộn đến tổ chức, hoạt động, quản lý.

Tại nhiều tỉnh, thành phố, nguồn kinh phí cho công tác hỗ trợ nạn nhân chưa được bố trí hoặc có bố trí nhưng rất ít.

Các đơn vị Bộ đội Biên phòng hầu hết không được đầu tư cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân theo quy định, nhất là những vụ việc lực lượng chức năng nước ngoài trao trả nạn nhân với số lượng lớn, rất khó khăn trong việc bố trí nơi ăn, ngủ và hỗ trợ ban đầu theo quy định, nhiều đơn vị thuộc vùng sâu, vùng xa, cách xa trung tâm huyện hoặc các cơ sở hỗ trợ nên công tác chuyển tuyến nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn. Đa số nạn nhân bị mua bán là phụ nữ, trẻ em và có cả trường hợp trẻ sơ sinh, trong khi các đồn Biên phòng lại không có cán bộ, nhân viên nữ nên gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, hỗ trợ ban đầu.

     Để bảo đảm quyền của nạn nhân mua bán người trở về

Đối với việc sửa Luật phòng, chống mua bán người: Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội sẽ nghiên cứu, đánh giá tác động chính sách và đề xuất các nội dung về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

Xây dựng quy trình chuẩn thực hiện hỗ trợ nạn nhân và quy trình hỗ trợ người nghi là nạn nhân bị mua bán trở về.

Củng cố, phát triển hệ thống dịch vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, đảm bảo tính sẵn có, dễ tiếp cận. Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị; xây dựng tiêu chí đánh giá, cải thiện chất lượng dịch vụ tại các cơ sở cung cấp dịch vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân.

Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân các kiến thức, kỹ năng và phương pháp tiếp cận, hỗ trợ dựa trên quyền của nạn nhân, lấy nạn nhân là trung tâm và thực hiện việc hỗ trợ dựa trên sự hiểu biết về sang chấn tâm lý.

Xây dựng quy chế phối hợp liên ngành nhằm thực hiện việc hỗ trợ nạn nhân kịp thời và có hiệu quả.

Giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài; xử lý nghiêm các sai phạm; công khai các tổ chức, doanh nghiệp được phép đưa người đi lao động tại nước ngoài và các loại phí người lao động phải trả./.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *