Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
59132

Các tổ chức tôn giáo quốc tế đã làm được những gì?

Mỗi quốc gia có thể điều chỉnh các tham số của định nghĩa pháp lý quốc tế về mua bán người để phù hợp với bối cảnh nước mình, nhưng về cơ bản đều nhất trí theo định nghĩa của Nghị định thư Palermo,“mua bán người” bao gồm: Việc tuyển dụng, vận chuyển, chuyển nhượng, chứa chấp hoặc tiếp nhận người bằng cách đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc các hình thức cưỡng chế khác, bắt cóc, lừa đảo, lạm dụng quyền lực, vị trí hoặc cho nhận các khoản thanh toán để chiếm giữ quyền kiểm soát người khác, sử dụng cho mục đích khai thác mại dâm, lao động cưỡng bức, nô lệ, bóc lột tình dục hoặc lấy nội tạng.

Mua bán người là một vấn đề hình sự phức tạp với nhiều biểu hiện khác nhau, từ việc chuyển nhượng lao động trên các tàu đánh cá (phổ biến ở Đông Nam Á), mua bán nô lệ ở các nước Trung Đông; mua bán tình dục (mại dâm) ở các thành phố lớn của châu Âu, châu Á; mua bán lao động trong các ngành nông nghiệp của Hoa Kỳ, Anh, việc lạm dụng lao động trẻ em, cưỡng bức và bạo lực tình dục, nạn môi giới hôn nhân, ấu dâm,…

Nạn mua bán người trên thế giới có chung một số nguyên nhân là nghèo đói, thiếu việc làm, nhu cầu về lao động và hàng hóa giá rẻ, mong muốn có được mức sống cao hơn, hy vọng một cuộc sống tốt đẹp hơn, thiên tai, chiến tranh, phân biệt đối xử, bất ổn, tham nhũng,… Những người chịu ảnh hưởng nặng nề của các nguyên nhân trên đều dễ bị lôi kéo, lừa đảo, ép buộc vào những cuộc mua bán người.

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế của các quốc gia cũng góp phần thúc đẩy nhanh sự phát triển của nạn mua bán người. Những kẻ “bán người” có thể di chuyển “hàng hóa” của họ ở trong nước và toàn cầu với mức độ dễ dàng chưa từng có trước đây. Một số cơ quan thực thi pháp luật quốc tế như Interpol và các lực lượng đặc nhiệm khác lại khó khăn trong việc thu thập thông tin của người dân địa phương để dự đoán hoạt động tội phạm hoặc ứng phó.

Hoạt động của các tôn giáo thường liên quan nhiều đến nhóm người nghèo, người yếu thế, người tị nạn và hoạt động cứu trợ khi có thiên tai, thảm họa, chiến tranh. Trong trường hợp này, các tổ chức tôn giáo có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ giải quyết vấn đề.Hiện nay trên thế giới, có những tổ chức tôn giáo đã hoạt động hiệu quả, tích cực chống lại tội phạm mua bán người như tổ chức Talitha Kum là một mạng lưới Công giáo tận hiến trên toàn thế giới chống lại nạn buôn người ở hơn 70 quốc gia. Caritas Internationalis là một liên minh gồm các tổ chức Công giáo địa phương ở mọi châu lục trên toàn cầu phục vụ người nghèo và nạn nhân của nạn mua bán người. Coatnet là một mạng lưới liên minh Công giáo, Tin lành, Chính thống giáo đã cùng nhau chống lại nạn buôn người ở mọi châu lục. Mạng Tự do Toàn cầu (Global Freedom Network), một tổ chức chuyên xóa bỏ chế độ nô lệ hiện đại bằng cách thu hút các nhà lãnh đạo cấp cao của tôn giáo (Patriarch Bartholomew của Chính thống giáo, Grand Imam Al-Azhar của Islam giáo, Datuk K. Sri Dhammaratana của Phật giáo, Trưởng lão Rabbi David Rosen của Do Thái giáo, Giáo hoàng Francis của Công giáo La Mã) ký Tuyên bố chung chống lại nô lệ hiện đại.

Mặc dù các tổ chức tôn giáo không có trách nhiệm điều tra và truy tố những kẻ buôn người, nhưng họ lại có nhiều khả năng hỗ trợ thực thi pháp luật chống lại những kẻ buôn người bằng cách cung cấp nhanh chóng thông tin, chia sẻ những án lệ tốt nhất để pháp luật xử lý. Các tổ chức Tin lành ở Mỹ không chỉ giáo dục các thành viên của họ về thực trạng nạn mua bán người, mà còn làm việc với cảnh sát các bang và các cơ quan công tố để truy tố những kẻ buôn người và bảo vệ các nạn nhân. Liên minh các nhà thờ (Churchs Together) ở Anh đã tạo ra một Trung tâm chuyên thông tin, phát tán và hỗ trợ giải quyết các vấn đề về mua bán người thông qua tất cả các tổ chức thành viên của họ. Văn phòng tị nạn của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ đã thành lập Liên minh các tổ chức và bộ ngành (Compass) để thúc đẩy việc xóa bỏ “chế độ nô lệ” trên biển. Liên minh này có thể ứng phó nhanh với vấn đề ngày càng tăng của nạn buôn người trong ngành ngư nghiệp. Phần lớn cư dân vùng biển thường bị cô lập và không có sự bảo vệ, nhưng Compass đã nhanh chóng phối hợp, hợp tác và khả năng ứng phó của Compass trên toàn thế giới đối với nạn buôn bán hàng hải, đặc biệt là trên biển và các hải cảng và tối đa hóa tính hiệu quả và nhất quán các chủ thể Công giáo và phi Công giáo trong việc xác định, sàng lọc và ứng phó với các nạn nhân của nạn buôn người trên toàn cầu. Tương tự, Chab Dai là một tổ chức Kitô giáo chống buôn lậu bắt đầu từ Campuchia, đã phát triển trở thành một tổ chức đang hoạt động với các liên minh ở trên 20 quốc gia.

Trong thế kỷ 18-19, do hối thúc bởi đức tin Kitô giáo, William Wilberforce đã vận động thành công chấm dứt sự tham gia của người Anh trong buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương. Ngày nay, nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo tiếp tục đấu tranh chống lại mọi hình thức nô lệ mới. Phong trào Santa Marta, một liên minh quốc tế gồm cảnh sát trưởng, lãnh đạo tôn giáo, các nhà hoạt động xã hội cùng nhau chống lại nạn buôn người. Với các thành viên ở 30 quốc gia, tổ chức Santa Marta đã triệu tập các cuộc họp trên khắp châu Âu, châu Á và châu Mỹ Latinh, chia sẻ và giới thiệu các tổ chức tôn giáo là đối tác thiết yếu với cơ quan thực thi pháp luật để thu hẹp khoảng cách giữa dân chúng và cảnh sát bằng cách cung cấp thông tin và thậm chí cùng với cảnh sát cung cấp dịch vụ cho nạn nhân. Scotland Yard đã phát triển một chương trình (theo đề xuất của Tây Ban Nha) là đưa các nữ tu Công giáo từ Nam Mỹ, Ấn Độ và Tây Ban Nha cùng hoạt động với cảnh sát và làm việc trực tiếp với các nạn nhân của nạn buôn người. Caritas Nepal đã hợp tác với luật sư, các nhà hoạt động xã hội và Đài phát thanh Nepal để nâng cao nhận thức, ngăn chặn nạn buôn bán trẻ em và hỗ trợ các gia đình trong việc tìm kiếm và giải cứu những đứa trẻ bị buôn bán ra nước ngoài. Hội đồng Giám mục Công giáo Anh và xứ Wales đã phát triển mối quan hệ chính thức với Chính phủ để ứng phó với nạn buôn bán người. Sáng kiến này nhằm khai thác lợi thế của các tổ chức tôn giáo trong việc hỗ trợ nạn nhân, hỗ trợ thực thi pháp luật, tăng cường điều tra, làm việc với dân chúng để giáo dục, ngăn chặn và lên án nạn buôn người.

Hồng Hạnh

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *