Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
46652

Giáo dục quyền con người cho thanh niên Kỳ 1: Hệ thống khái niệm giáo dục quyền con người cho thanh niên trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp

Giáo dục quyền con người cho thanh niên trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đó là giúp thanh niên  hiểu được họ là những chủ thể của nhóm quyền đó và tạo ra sự chủ động, tích cực để tiếp cận quyền nhằm hướng tới sự hưởng thụ quyền một cách tốt nhất.

Hệ thống khái niệm giáo dục quyền con người cho thanh niên trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp

Giáo dục quyền con người được hiểu là những hoạt động giảng dạy, tập huấn và phổ biến thông tin về quyền con người, nhằm xây dựng một nền văn hóa nhân quyền trong đó hướng tới: (i) Tăng cường sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người; (ii) Phát triển đầy đủ nhân phẩm và ý thức về nhân phẩm của con người; (iii) Thúc đẩy sự hiểu biết, khoan dung, bình đẳng giới và tình hữu nghị giữa các quốc gia, các nhóm dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ; (iv) Tạo điều kiện cho tất cả mọi người tham gia một cách hiệu quả vào các hoạt động của xã hội, và (v) Hỗ trợ các hoạt động của Liên hợp quốc về duy trì hòa bình và an ninh quốc tế[1]. Hay nói cách khác, giáo dục quyền con người hình thành nên đối tượng giáo dục tri thức về quyền con người, biết tự mình bảo vệ quyền của mình và tôn trọng quyền của người khác.

thanh niên có quyền học tập, quyền lựa chọn nghề nghiệp, quyền có việc làm

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 là một bộ phận trong bốn bộ phận (giáo dục mầm non, giáo dục mầm non, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học) của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên.

Lực lượng đoàn viên, thanh niên là nguồn nhân lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội.  Theo quy ước hiện nay về độ tuổi thanh niên Việt Nam được tính từ 16 đến 30 tuổi. Thanh niên là lứa tuổi đã trưởng thành, có đầy đủ tố chất của người lớn, là thời kỳ dồi dào trí lực và thể lực, do đó, thanh niên có đầy đủ những điều kiện cần thiết để tham gia hoạt động học tập, lao động phục vụ đất nước. Theo quy định của Luật Thanh niên 2005 “Thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ mười sáu tuổi đến ba mươi tuổi”.

Do đó, giáo dục quyền con người cho thanh niên trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp là những hoạt động giảng dạy, tập huấn và phổ biến thông tin về quyền con người, đặc quyền là quyền học tập,  quyền lựa chọn nghề nghiệp, quyền có việc làm và các nhóm quyền liên quan đến vệ sinh an toàn lao động cho nhóm đối tượng từ đủ mười sáu tuổi đến ba mươi tuổi trong đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp  đáp ứng nhu cầu trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nhằm xây dựng một nền văn hóa nhân quyền trong đó hướng tới tăng cường sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người, biết tự mình bảo vệ quyền của mình và tôn trọng quyền của người khác.

Tính cấp thiết giáo dục quyền con người cho thanh niên trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp

Thứ nhất, thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Không thể phủ nhận rằng thanh niên là tương lai của đất nước, là lực lượng xã hội hùng hậu, có tiềm năng to lớn, xung kích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, ở bất kỳ thời kỳ nào Đảng và Nhà nước ta đều coi việc đào tạo, bồi dưỡng và phát huy thanh niên là trách nhiệm quan trọng hàng đầu của Nhà nước, gia đình và xã hội. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta ở từng giai đoạn đều xây dựng các chính sách nhằm điều kiện cho thanh niên học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân, ý chí vươn lên phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Thứ hai, giáo dục cho thanh niên trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp chỉ mới dừng lại ở một số hoạt động hướng nghiệp thông qua tư vấn tại chỗ (tư vấn tại trường học, địa phương…); tư vấn trực tuyến qua điện thoại, gmail…; phối hợp cùng doanh nghiệp tổ chức hoạt động tư vấn, xúc tiến việc làm, do đó, thanh niên vẫn chưa nắm rõ họ có quyền gì và chưa có những nhận thức, hành vi chủ động tiếp cận quyền của mình.

Việc nâng cao nhận thức của người dân về quyền con người là một yêu cầu bức thiết, nhất là khi Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc và các công ước quốc tế về quyền con người. Trên thực tế các quyền con người đã được giảng dạy thông qua nhiều môn học, ở nhiều cấp học tại Việt Nam như đào tạo tại một số trường đại học chuyên ngành Luật và đào tạo thạc sỹ chuyên ngành Pháp luật về Quyền con người nhưng lại chưa mở rộng ở một số đối tượng khác, trong đó bao gồm: thanh niên ở các trường dạy nghề, trường THPT…

Ths Nguyễn Phương Nhung

[1] Nghị quyết A/52/469/Add.1 ngày 20/10/1997 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, đoạn 11

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *