Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
69271

Quyền vận động từ thiện và làm thế nào để hiệu quả, trong sáng?

Việt Nam luôn ủng hộ tinh thần làm từ thiện của mọi cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước theo pháp luật cũng như văn hóa truyền thống, mỹ tục của dân tộc. Nhà nước ta cũng chú trọng tinh thần tương thân tương ái cũng như đã có khuôn khổ pháp luật và các cơ chế, nhất là các tổ chức phát huy hiệu quả công tác từ thiện trong nhiều năm qua như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội chữ Thập Đỏ Việt Nam… Càng trong hoạn nạn, tinh thần ấy càng được phát huy mạnh mẽ, mang lại nguồn khích lệ, cổ vũ lớn lao với nhiều hoàn cảnh gặp khó khăn, góp phần bảo đảm quyền con người tại Việt Nam. 

Hội Chữ thập đỏ TPHCM trao quà cho người dân bị lũ lụt năm 2020 tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị

“Từ thiện” – văn minh nhân loại và truyền thống của dân tộc

Làm từ thiện xuất phát từ tâm nguyện yêu thương đồng loại đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử cùng sự phát triển của xã hội loài người. Bất kể trong nền văn minh, văn hóa nào, dù phương Đông hay phương Tây, thì việc từ thiện luôn được xã hội ủng hộ. Nhất là việc thiện nguyện vì mọi người luôn được vun đắp, thúc đẩy từ các thành phần trong xã hội, từ những nhà lãnh đạo đất nước, các tổ chức, tôn giáo, người có uy tín, nhà hảo tâm… Truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” đã trở thành nét đẹp được các thế hệ lưu giữ, truyền từ đời này qua đời khác.

Kết tinh từ truyền thống quý báu đó của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư tưởng nhân đạo cao đẹp, đã truyền cảm hứng cho mọi người dân, mọi tầng lớp học tập, noi theo. Trong bài viết “Sẻ cơm nhường áo” đăng trên báo Cứu quốc số 53 (28/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo. Như vậy thì những người nghèo sẽ có bữa rau, bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói. Tôi chắc rằng, đồng bào ta ai cũng sẵn lòng cứu khổ cứu nạn mà hăng hái hưởng ứng lời đề nghị nói trên…”. Trong bối cảnh chiến tranh, đại đa số người dân còn nghèo song vẫn hăng hái hưởng ứng sáng kiến “hũ gạo cứu đói” của Người nhằm kịp thời quyên góp lương thực đưa đất nước vượt qua nạn đói năm 1945.

Ngày nay, đất nước đã có sự phát triển vượt bậc về mọi mặt, việc quyên góp làm từ thiện cũng được chú trọng hơn từ các cá nhân, tổ chức cho tới các cơ chế do Chính phủ khuyến khích triển khai… Việc làm từ thiện đã trở thành trách nhiệm xã hội, cũng là quyền của mỗi người dân Việt Nam. Vận động gây quỹ từ thiện đóng vai trò quan trọng, đóng góp nguồn lực, thu hút sự quan tâm tới việc bảo đảm quyền con người cho nhóm dễ bị tổn thương. Mục đích và đối tượng hướng tới của hoạt động quyên góp từ thiện cũng hết sức đa dạng, len lỏi tới từng hoàn cảnh khó khăn trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội chữ Thập Đỏ Việt Nam, Hội nạn nhân chất độc màu Da cam/dioxin, Hội bảo trợ người tàn tật & Trẻ mồ côi Việt Nam cùng nhiều hội đoàn thể đã triển khai các chương trình vận động lớn trên toàn quốc như Quỹ “Vì người nghèo”, phát động quyên góp ủng hộ nhân dân miền Trung khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra năm 2020, vận động ủng hộ vào Quỹ Vaccine phòng chống COVID-19 của Chính phủ năm 2021… Theo số liệu ghi nhận được từ tháng 5-7/2021, số tiền ủng hộ và đăng ký ủng hộ phòng chống dịch COVID-19 qua hệ thống Mặt trận từ trung ương đến địa phương lên tới trên 6.788 tỷ đồng. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục là lá cờ đầu trong việc gây quỹ từ thiện thể hiện trách nhiệm xã hội dù bản thân họ cũng đang đối mặt với các tác động tiêu cực từ đại dịch đến hoạt động kinh doanh sản xuất… Các cuộc vận động gây quỹ cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, các tín đồ Phật giáo, Công giáo… phối hợp cùng chính quyền các cấp tham gia vào hoạt động cứu trợ, cứu nạn, khôi phục đời sống và kinh tế người dân sau thiên tai cũng như công tác thiện nguyện đối với rất nhiều đối tượng cần được hỗ trợ.

Ngoài ra, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam hiện đang chăm sóc cho trên 400.000 hội viên, đến nay đã huy động nguồn lực xã hội gần 2.700 tỷ đồng hỗ trợ các nạn nhân. Riêng nửa đầu năm nay, dù tác động tiêu cực của dịch COVID-19, Hội vẫn vận động được trên 220 tỷ đồng. Trong năm 2020, Trung ương Hội Bảo trợ người tàn tật (NTT) và trẻ mồ côi (TMC) Việt Nam đã tiến hành bảo trợ cho trên 4,2 triệu lượt NKT, TMC, người nghèo có hoàn cảnh khó khăn… với số tiền vận động đạt khoảng 584 tỷ đồng, sớm đạt được mục tiêu vận động quỹ đạt ít nhất 1.650 tỷ đồng trong gia đoạn 2017-2022. Quỹ vận động đã góp phần giúp Hội tổ chức dạy nghề gắn với giải quyết việc làm; phẫu thuật mắt, thay thủy tinh thể, phẫu thuật phục hồi chức năng và tim cho hàng chục ngàn ca; hỗ trợ sinh kế, xây nhà tình nghĩa cho người nghèo; trang cấp hàng chục ngàn xe lăn cho người tàn tật… Nhìn chung, hoạt động gây quỹ từ thiện thông qua các cơ quan, tổ chức đã góp phần quan trọng đối với thành tựu thúc đẩy và bảo đảm quyền con người tại Việt Nam trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, nhiều cá nhân là những người nổi tiếng cũng tham gia sôi nổi vào làn sóng vận động thiện nguyện, tạo được sự ủng hộ của đông đảo người hâm mộ. Gần đây, ước tính riêng số tiền quyên góp thông qua kêu gọi của một số ca sĩ, người dẫn truyền hình đạt con số rất lớn, thu hút sự quan tâm của dư luận, đặt ra một số vấn đề xã hội cần được giải quyết kịp thời.

Vận động từ thiện hiệu quả, trong sáng

Quyên góp từ thiện hiệu quả cần chú trọng vào ý nghĩa cao đẹp, đặt mục tiêu tập hợp được nhiều nguồn lực, phân bổ nhanh chóng, kịp thời số tiền ủng hộ nhằm bảo đảm đúng người, phù hợp và không bỏ sót đối tượng cần hỗ trợ. Các cơ quan Mặt trận Tổ quốc từ Trung ương đến địa phương, cùng nhiều hội đoàn thể đã phát huy vai trò là cầu nối tiếp nhận nhiều ủng hộ của cá nhân, tổ chức và quan trọng nhất là đại diện quốc gia nhận các viện trợ rất lớn từ LHQ, các quỹ, các tổ chức quốc tế, các chính phủ… Trong những năm qua, các cơ quan này đã đề ra nhiều chương trình, kế hoạch vận động quy mô quốc gia, tranh thủ nguồn lực quốc tế, thu hút được số tiền lớn để triển khai cứu trợ, cứu nạn, từ thiện trong nước, hết sức thiết thực. Gần đây, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đã năng động, liên tục tiến hành các cuộc gặp để trao tiền quyên góp kịp thời nhất đến từng địa phương, bệnh viện, nơi chăm sóc sức khỏe, trung tâm bảo trợ… trước sự hoan nghênh của chính quyền địa phương, nhân dân, báo giới.

Việc cá nhân đứng ra vận động từ thiện là không trái luật

Truyền thông, các mạng xã hội như: Facebook, Tiktok… cũng đóng vai trò lan tỏa, nhân lên tinh thần nhân ái và đóng góp của mọi tầng lớp trong xã hội. Các mạnh thường quân, doanh nghiệp, người nổi tiếng và người tình nguyện ngày càng đông đảo, tham gia nhiều hơn vào hoạt động thiện nguyện, có thể nhanh chóng tiếp cận các hoàn cảnh khó khăn.

Xác định rằng hoạt động từ thiện cần xuất phát từ tâm nguyện nhân ái, nhân văn và hướng tới mục tiêu cao đẹp, do đó các hoạt động kêu gọi gây quỹ từ thiện phải có động cơ trong sáng. Đáng chú ý, việc một số người có uy tín đứng ra kêu gọi gây quỹ từ thiện có hiệu quả trong thời gian qua, là thực tiễn khách quan được Chính phủ, người dân ghi nhận. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là một số người lợi dụng vỏ bọc gây quỹ từ thiện để che đậy hoạt động kinh tế trái pháp luật. Một vài vụ việc lợi dụng quyên góp từ thiện, chữa bệnh để trục lợi, gây mất niềm tin của nhân dân sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nỗ lực chung để cứu trợ người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào ở vùng lũ lụt, thiên tai… cũng chính là ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Điều này rất đáng lo ngại vì một xã hội thiếu niềm tin không thể là một xã hội bền vững, ổn định. Vì vậy, Việt Nam cũng cần có biện pháp chống tôn sùng mù quáng các thần tượng nghệ sĩ dẫn tới hoạt động lợi dụng gây quỹ từ thiện để tư lợi. Vấn đề này là hiện tượng xã hội, cần chính xã hội điều chỉnh, song không thể thiếu đi vai trò định hướng của cơ quan chức năng. Gần đây, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tiến hành soạn thảo bộ Quy tắc ứng xử nghệ sĩ, có thể sẽ đóng góp nhất định vào việc phát huy gây quỹ từ thiện theo hướng ngày càng hiệu quả, trong sáng.

Trên tinh thần đó, để phát huy vận động gây quỹ từ thiện nhằm thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam, cần tập trung vào một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục phát huy truyền thống quý báu “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, “nhường cơm, sẻ áo” của dân tộc, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức và nhân văn, để vận động mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng công tác từ thiện. Trong hoạt động gây quỹ từ thiện, cần phát huy tinh thần tự giác, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ công an, quân đội, những đóp góp lớn, quý báu của các doanh nghiệp, mạnh thường quân. Xét cho đến cùng, khi đất nước gặp thiên tai địch họa, gây thiệt hại trên qui mô lớn, thì chính những cán bộ, chiến sĩ, chính quyền địa phương là những tuyến đầu tiếp cận cứu trợ nhân dân dù ở những nơi xa xôi, nguy hiểm nhất. Vì vậy, có lẽ cần tăng cường định hướng tập trung quyên góp làm từ thiện vào những cơ quan, cơ chế chính thống. Những cơ quan như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải là địa chỉ đỏ cho các nguồn lực đóng góp hướng tới. Ngoài ra, trong thời gian tới cần nghiên cứu, hoàn thiện hơn nữa việc phát huy vai trò người có uy tín trong xã hội để nâng cao hiệu quả gây quỹ từ thiện, định hướng hình thành một môi trường chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn trong từ thiện, tránh để dư luận trái chiều làm ảnh hưởng đến tinh thần thiện nguyện của xã hội.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả việc tuyên truyền, vận động khuyên góp cũng như năng lực phân phối kịp thời, khoa học các nguồn lực đến nơi tiếp nhận. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan từ trung ương đến địa phương, trong đó có hệ thống cơ quan của Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể. Đẩy mạnh việc bám sát tình hình địa phương, nhất là dữ liệu về các hộ nghèo, gia đình hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng cần hỗ trợ… Xây dựng các bộ qui chuẩn về kế hoạch triển khai, danh mục hàng hóa cứu trợ, từ thiện trong một số tình huống giả định, để nhanh chóng thực thi khi thiên tai xảy ra. Qua đó, ta có thể bảo đảm người dân sẽ nhận được hỗ trợ khi cần nhất và phù hợp nhất với yêu cầu sinh hoạt của họ.

Thứ ba, chú trọng các cơ chế giám sát của pháp luật đối với việc yêu cầu các đơn vị tiếp nhận sử dụng nguồn kinh phí từ thiện theo đúng quy định của pháp luật và có báo cáo kết quả thực hiện. Xử lí nghiêm các vụ việc phân phối nguồn lực hỗ trợ không đúng đối tượng song cũng cần nâng cao ý thức người dân được tiếp nhận hỗ trợ (tránh tình trạng chỉ vui vẻ khi nhận tiền mặt, không hài lòng với các hỗ trợ là lương thực…). Đồng thời, kịp thời khen thưởng động viên những nghĩa cử cao đẹp, các tâm gương đóng góp vào hoạt động từ thiện, cứu trợ.

Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm đón nhận nhiều hơn các nguồn lực hỗ trợ. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 với biến thể Delta lây lan nhanh, các cơ quan, hội đoàn cũng cần năng động hơn trong vận động quốc tế tài trợ vaccine, thuốc điều trị, vật tư y tế… nhằm hỗ trợ phòng chống dịch bệnh. Mục tiêu tập trung vận động nguồn lực có thể là dành cho những nhóm yếm thế trong xã hội, nhất là nạn nhân chất độc da cam, mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em mồ côi… ở Việt Nam. Đây là nhóm chịu tác động sâu sắc về sức khỏe, tính mạng, đời sống và cũng được thế giới quan tâm, sẵn lòng hỗ trợ.■

Nguyễn Tất Đạt

Việc làm từ thiện đã trở thành trách nhiệm xã hội, cũng là quyền của mỗi người dân Việt Nam. Vận động gây quỹ từ thiện đóng vai trò quan trọng, đóng góp nguồn lực, thu hút sự quan tâm tới việc bảo đảm quyền con người cho nhóm dễ bị tổn thương. Mục đích và đối tượng hướng tới của hoạt động quyên góp từ thiện cũng hết sức đa dạng, len lỏi tới từng hoàn cảnh khó khăn trên khắp mọi miền Tổ quốc.

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *