Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
22572

Bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ DTTS

Bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ DTTS.

Nỗ lực đảm bảo quyền tham chính cho phụ nữ DTTS nằm trong mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước, được thể hiện qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030  được xây dựng thành 10 dự án và 11 tiểu dự án. Trong đó, dự án số 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” có vai trò quan trọng trong việc nâng cao vai trò của phụ nữ DTTS,

Bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ DTTS
Bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ DTTS

Các giải pháp cụ thể:

Thứ nhất, trong công tác giáo dục, vấn đề dạy chữ viết cho phụ nữ DTTS là ưu tiên hàng đầu.

Đối với nhóm đối tượng này, những chương trình dạy chữ cần thiết thực, kết hợp phát triển kinh tế và học chữ, để khuyến khích phụ nữ tham gia. Đối với những nhóm đối tượng như học sinh tiểu học và trung học, cần đầu tư thêm để các em có thể theo đến hết bậc trung học và cao hơn, tránh không bị rơi vào vòng tái mù chữ như các thế hệ phụ nữ trước đây. Thực hiện nghiên cứu toàn diện hơn về tỷ lệ mù chữ trong phụ nữ DTTS để có thể đưa ra những giải pháp phù hợp và tăng cường sự tham gia của phụ nữ DTTS trong việc tiếp cận các cơ hội cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Thực hiện nghiên cứu tổng thể hơn về bối cảnh dễ bị tổn thương của phụ nữ DTTS để có thể đưa ra những khuyến nghị và thiết kế những chính sách phù hợp với nhu cầu của phụ nữ DTTS, tăng cường khả năng chống đỡ của họ trước các vấn đề toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu, những hiện tượng xã hội như nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em…

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng.

Đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện bình đẳng giới tại vùng dân tộc thiểu số. Truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm chuyển biến nhận thức và hành vi của cộng đồng các dân tộc thiểu số về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức đa dạng, dễ hiểu, dễ tiếp thu và phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán vùng, miền. Tăng cường tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng.

Hiện nay sự phát triển của các kênh truyền hình, đài, báo giấy, báo điện tử, Internet… cùng với thu nhập tăng giúp người dân có thêm các phương tiện để tiếp cận thông tin. Bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực hoạt động bình đẳng giới, năng lực tổ chức và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác DTTS.

Thứ ba, phát hiện, tạo nguồn, giới thiệu cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số cho hệ thống chính trị.

Rà soát, đánh giá tình hình cán bộ nữ ở địa phương, đơn vị; phát hiện những cán bộ nữ, phụ nữ đáp ứng tiêu chuẩn giới thiệu vào các vị trí lãnh đạo, quản lý; tham gia đóng góp ý kiến vào quá trình quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu nguồn cán bộ nữ; phát hiện, giới thiệu phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực tại địa phương đưa vào nguồn giới thiệu nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; nắm kết quả cơ cấu nữ sau mỗi hội nghị hiệp thương, kịp thời có những đề xuất để đảm bảo tỷ lệ ít nhất 35% nữ trong danh sách chính thức những người ứng cử.

Thứ tư, phối hợp với các ban, ngành chức năng triển khai thực hiện, kiểm tra, sơ, tổng kết và đánh giá việc thực hiện công tác cán bộ nữ.

Phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng và ký kết Chương trình phối hợp nhằm góp phần tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; phối hợp với Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam, Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ tổ chức các hội thảo khu vực về công tác cán bộ nữ nhằm tìm ra các giải pháp tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Thứ năm, cần tiếp tục đầu tư và củng cố cơ sở hạ tầng ở một số xã vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để giúp phụ nữ DTTS tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ giáo dục và y tế.

Đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các ngành, tạo điều kiện cho phụ nữ và nam giới vùng DTTS có việc làm tại chỗ, có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, cùng chia sẻ trách nhiệm trong thực hiện vai trò sản xuất, sinh sản nuôi dưỡng, cộng đồng.

Bình đẳng giới trong vùng DTTS, trong đó có trao quyền cho phụ nữ tham gia trong lĩnh vực chính trị đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội, nâng cao đời sống vùng DTTS. Mục tiêu này đang đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng để xóa bỏ những rào cản để phụ nữ DTTS không bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển của đất nước.■

Y Thông

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

nhanquyenvn.org

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *