Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
57153

Phòng chống buôn bán người bằng cách nào?

 

Việc phòng chống mua bán người được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tiến hành trên rất nhiều lĩnh vực. Thời gian qua, chúng ta đã triển khai đồng bộ các biện pháp.

Về công tác thực thi pháp luật: Lực lượng Công an, chủ công là Cảnh sát hình sự phối hợp với Bộ đội Biên phòng các cấp xây dựng và phối hợp triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, điều tra theo tuyến, địa bàn trọng điểm (đảm bảo 100%), triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kết hợp với tuần tra, kiểm soát và quản lý xuất nhập cảnh qua biên giới; tổ chức triển khai thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, tập trung vào các tuyến biên giới với Campuchia, Lào và Trung Quốc.

 

6 tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng đã tiếp nhận hàng trăm tin, xử lý kịp thời. Lực lượng công an, biên phòng khám phá 61 vụ, bắt 79 đối tượng. VKSND các cấp truy tố 34 vụ với 51 bị can. TAND các cấp thụ lý 57 vụ với 92 bị cáo phạm các tội về mua bán người, trong đó tuyên phạt tù có thời hạn đối với 52 bị cáo, trong đó có 1 bị cáo lĩnh án tù trên 15 năm, 24 bị cáo lĩnh án tù từ 7 đến 15 năm, 23 bị cáo lĩnh án 3 đến 7 năm…

 

Về công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật: Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội (khóa XIV) và Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018), Ủy ban Tư pháp Quốc hội (khóa XIV) ban hành kế hoạch, tổ chức các đoàn công tác làm việc với HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trọng điểm nhằm đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người từ khi Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg (ngày 12/01/2018) chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai thi hành, trọng tâm là tổ chức biên soạn tài liệu; quán triệt, tập huấn, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, có các quy định liên quan đến phòng, chống mua bán người. Đặc biệt, ngày 11/02/2019, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về “Tội mua bán người” (Điều 150) và “Tội mua bán người dưới 16 tuổi” (Điều 151) theo Bộ luật hình sự (năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017), làm cơ sở cho lực lượng chức năng trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người.

Về công tác truyền thông: Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại cộng đồng với những hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng, nhất là các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người- 30/7”; tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức các hoạt động triển khai thực hiện “Chiến lược truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng”; Lễ mít- tinh hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người – 30/7”; thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018 – 2020, triển khai thực hiện có hiệu quả tại 110 xã biên giới. Phát hành bộ tài liệu tập huấn truyền thông thay đổi hành vi trong phòng, chống mua bán người; xây dựng phóng sự về những mô hình truyền thông có hiệu quả về công tác phòng, chống mua bán người.

Về hợp tác quốc tế phòng, chống mua bán người:  Thời gian qua, Bộ Công an với vai trò chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Đề án “Hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người” đã tham mưu Chính phủ ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh về phòng, chống mua bán người. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương giữa Việt Nam với Campuchia, Lào, Thái Lan và Trung Quốc về phòng, chống mua bán người, trong đó: Tổ chức khảo sát, đánh giá tình hình, kết quả công tác phòng, chống mua bán người trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào; dự Hội nghị thường niên đánh giá kết quả phối hợp thực hiện Hiệp định với Lào và Trung Quốc; tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Hiệp định với Thái Lan giai đoạn 2008 – 2018… Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện và giải cứu nạn nhân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, hồi hương công dân Việt Nam là nạn nhân bị mua bán trở về nước.

Phòng chống tệ nạn mua bán người được Việt Nam đặc biệt coi trọng, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, toàn xã hội. Hiệu quả công tác này cũng đã được nâng lên rõ rệt, người dân đã ý thức cao hơn trong đấu tranh, ngăn ngừa tệ nạn mua bán người; các đối tượng phạm tội bị điều tra, xử lý nghiêm minh. Đồng thời, nạn nhân mua bán người được các cấp hỗ trợ, ổn định đời sống vật chất, tinh thần sau khi được trao trả về địa phương…

An Nhi

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *