Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
43947

Việt Nam đi đầu trong thúc đẩy APEC chia sẻ và chuyển giao công nghệ sản xuất Kỳ 2: Vai trò đi đầu của Việt Nam

Việt Nam hiện là một trong những thành viên đi đầu thúc đẩy Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) cam kết hợp tác chia sẻ vaccine bảo đảm phân phối và tiếp cận vaccine bình đẳng, hiệu quả và chi phí hợp lý; kêu gọi các thành viên cam kết tự nguyện chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine nhằm mở rộng quy mô sản xuất và cung ứng vaccine, hướng tới miễn dịch cộng đồng.

Vai trò đi đầu của Việt Nam

Thực tế, kể từ khi đại dịch bùng phát, APEC đã sớm thúc đẩy triển khai nhiều biện pháp cụ thể trên nhiều lĩnh vực hợp tác như: lập trang thông tin chia sẻ kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh; gia tăng nguồn lực tài chính để hỗ trợ triển khai các sáng kiến mới về ứng phó đại dịch và phục hồi kinh tế; tăng cường chia sẻ thông tin và phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tài chính để vượt qua khủng hoảng; hỗ trợ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong đại dịch bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau… Chỉ trong vòng 12 tháng qua, các Bộ trưởng Kinh tế – Thương mại APEC đã có 3 Tuyên bố riêng về Tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa thiết yếu, Tăng cường dịch vụ hỗ trợ lưu thông hàng hóa thiết yếu, và Bảo đảm chuỗi cung ứng vaccine trong khu vực với nhiều cam kết cụ thể.

Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28

Khu vực APEC có ý nghĩa quan trọng, chiến lược đối với an ninh, phát triển của nước ta. APEC là diễn đàn quy tụ 15 trên 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và là các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng hàng đầu của nước ta, chiếm hơn 77% thương mại, gần 81% đầu tư trực tiếp và hơn 85% du lịch. 13 trong 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà ta đang triển khai/đàm phán/chờ phê chuẩn là với thành viên APEC. Trong đó, 17 trên tổng số 20 thành viên APEC là đối tác FTA của Việt Nam. Trong gần 23 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đóng góp tích cực chủ động đối với Diễn đàn APEC, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á – Thái Bình Dương.

Thành viên luôn chủ động, tích cực tham gia, đóng góp trong APEC

Việt Nam đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, bảo đảm thị trường xuất nhập khẩu của các nền kinh tế trong khu vực; thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp chính sách trong triển khai các giải pháp kinh tế, tài chính để vượt qua khủng hoảng; tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân (nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa và siêu nhỏ và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội) vượt qua giai đoạn khó khăn và nâng cao khả năng thích ứng trong tình hình mới. Đặc biệt, Việt Nam hiện là một trong những thành viên đi đầu thúc đẩy APEC cam kết hợp tác chia sẻ vaccine, bảo đảm phân phối và tiếp cận vaccine bình đẳng, hiệu quả và chi phí hợp lý; đồng thời, kêu gọi các thành viên cam kết tự nguyện chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine nhằm mở rộng quy mô sản xuất và cung ứng vaccine, hướng tới miễn dịch cộng đồng.

Tại cuộc họp không chính thức của các nhà lãnh đạo APEC hồi tháng 7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đề xuất 3 nội dung hợp tác APEC ứng phó với COVID-19. Theo đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh, vì là nơi có nhiều trung tâm sản xuất, cung ứng vaccine hàng đầu thế giới, APEC rất cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này. Triển vọng phục hồi kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào sự tiếp cận kịp thời, bình đẳng với giá cả hợp lý và tiêm chủng hiệu quả nguồn vaccine có chất lượng. Tận dụng công nghệ mới và đẩy nhanh chuyển đổi số là nền tảng quan trọng góp phần vào phát triển bền vững. Hợp tác trong APEC trong lĩnh vực này quan trọng nhất là triển khai nhanh chóng các chương trình hợp tác để hỗ trợ các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương vượt qua khủng hoảng; nâng cao tính tự cường và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ; và đào tạo kỹ năng cho người lao động, thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn; Đẩy mạnh hợp tác khu vực về chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và sản xuất vaccine; đồng thời nghiên cứu khả năng xây dựng thỏa thuận tạm thời của APEC về bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19; Xây dựng Bộ hướng dẫn của APEC về duy trì chuỗi cung ứng trong các tình huống khẩn cấp nhằm bảo đảm huyết mạch của nền kinh tế. Khi đó, các lãnh đạo APEC đã đánh giá cao phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, tiếp thu và phản ánh các đề xuất định hướng hợp tác mà Chủ tịch nước đã nêu vào Tuyên bố chung của Hội nghị.

Huyền Chi

 “Tất cả các sáng kiến, đề xuất của Việt Nam đã được phản ánh vào các văn kiện của APEC, trong đó có Tuyên bố cấp cao APEC, Tuyên bố cấp Bộ trưởng APEC cũng như Kế hoạch hành động triển khai Tầm nhìn APEC 2040. Tất cả sáng kiến, đề xuất của chúng ta đã được ghi nhận đầy đủ trong các văn kiện này. Qua đó thể hiện sự đóng góp hết sức trách nhiệm, tích cực, chủ động của Việt Nam, là thành viên chủ động, đi đầu trong APEC trong việc xây dựng, củng cố đoàn kết trong APEC để tiếp tục tăng cường hợp tác vì một khu vực châu Á – Thái Bình Dương hòa bình và ổn định” (Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *